Thực phẩm bẩn ám ảnh người tiêu dùng năm 2014

(PLO) - Trong năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, đã và đang đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong khi nạn "thịt heo sữa thối" giảm hẳn thì năm 2014, những vụ làm giả thực phẩm lớn lại rầm rộ. Đặc biệt, ngày 8/5/2014, Đội CSĐT tội phạm về môi trường CATP Quảng Ngãi đã bắt quả tang công ty Thuận Thành An có hành vi sản xuất, chế biến từ sản phẩm thịt heo thành thịt bò khô. Cảnh sát môi trường đã tịch thu 14 thùng các tông đựng 257 kg thịt heo thành phẩm được bỏ trong bao bì thịt bò khô, cùng hàng chục ký bao bì nhãn thịt bò khô Thuận Đạt, chất phụ gia, thịt heo thành phẩm chưa đóng gói. Mỗi ngày công ty đã bán ra thị trường hàng trăm ký khô bò giả. Ảnh: CAĐN
 
Ngày 11/5/2014, báo Lao Động đưa tin bài về công nghệ làm giò chả tại Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) có sử dụng nguyên liệu giá rẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm kém kèm phụ gia, hóa chất không xuất xứ, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Lao động.
 
Theo nhân viên tại một cơ sở sản xuất giò chả ở đây, các nguyên liệu giá rẻ, thường là đồ vụn vặt thừa thãi cất đi, mỗi hôm làm đấu thêm vào cối, cho thêm phụ gia. Phụ gia, hóa chất làm giò chả gồm có muối, đường, bột ngọt, nước mắm và hóa chất chống mốc, tạo cho giò chả dai, giòn, thơm, để được dài ngày. Ngoài ra, cơ sở còn có cả phụ gia tránh được giò bị phồng trong khi luộc, tạo cho giò có màu hồng bắt mắt. Ảnh: Lao động.
 
Ngày 10/8, báo Lao Động đưa tin về quy trình chế biến cơm bình dân từ thực phẩm bẩn giá rẻ của một quán ăn ở Long Biên (Hà Nội) khiến không ít độc giả hãi hùng. Thâm nhập vào quán ăn bình dân này, phóng viên cho biết nguồn thực phẩm bẩn, ôi thiu, hết hạn sử dụng được nhân viên sơ chế qua loa rồi tẩm ướp với nhiều loại phụ gia rẻ tiền, không nguồn gốc, chế biến thành nhiều món khác nhau.
Tại quán, những can nước mắm, bao tải bột chiên xù, chiên giòn, mì chính, đường... cỡ lớn không nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, chữ Trung Quốc loằng ngoằng, trong khi nhân viên vục từng bát một đổ trộn với thực phẩm… Ảnh: Lao động.
 
Trong khi đó, tại Hà Nội, ngày 15/8, Công an phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đã đột kích cơ sở chế biến mỡ bẩn ở ngõ 207, phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội. Cơ sở chế biến mỡ ngập ngụa màu đen, cáu bẩn vì than và mỡ, những dụng cụ vứt lăn lóc trên sàn bẩn. Ảnh: Khám phá
Ngoài ra, khi tổ công tác vào kiểm tra thì thấy cảnh nhân viên đang chế biến mỡ ngay trên ô tô. Phần mỡ nước được đóng vào những thùng to phân phối cho các cửa hàng ăn uống, chế biến thực phẩm. Các cơ sơ này dùng mỡ rán quẩy hoặc xào nấu thức ăn. Cơ quan công an xác định, cơ sở này thường thu mua mỡ sống khắp nơi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, về chế biến.
 
Sáng 9/9, người tiêu dùng tá hoả khi Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49, Công an TP. Hà Nội bất ngờ phát hiện cơ sở sản xuất mỡ bẩn lớn. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn mỡ nước cùng hàng trăm ký mỡ, bì lợn sống bám đầy ruồi, nhặng, vứt ngổn ngang trên nền gạch chờ chế biến; công cụ chế biến hết sức thô sơ và mất vệ sinh. Chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Nga, xóm Ngõ Lý, thôn Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh: Vietnamnet
 
Ngoài cơ sở nhà bà Nga, tại xã Tân Hội còn nhiều các cơ sở chế biến mỡ mất vệ sinh khác. Theo người dân trong xã thì các cơ sở thường xuyên đi thu gom nguyên liệu ở nhiều nơi, sau đó đem về chế biến thành mỡ và tóp mỡ, trước khi phân phối ở các quán cơm, nhà hàng, quán nhậu trên khắp địa bàn thủ đô Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet
 
Ngày 1/10/2014, Đoàn Kiểm tra liên ngành phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện Bình Chánh, TP.HCM bất ngờ kiểm tra tại địa chỉ F7/1C ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh phát hiện cơ sở sản xuất chà bông quy mô lớn nhưng không có giấy phép và điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Lao động.
 
Mỗi ngày lò chế biến cho ra khoảng 100 kg thành phẩm bán cho các quán xôi, bánh mì, bánh ngọt. Ghi nhận tại hiện trường, ruồi nhặng bám đầy trên nguyên liệu, chà bông thành phẩm trong quá trình sản xuất. Dù quy trình sản xuất rất mất vệ sinh nhưng thành phẩm lại có màu rất bắt mắt. Khay dưới nền nhà la liệt thành phẩm và nguyên liệu mặc cho chó tự nhiên qua lại. Cơ sở còn sử dụng dụng cụ hốt rác để xúc bột trộn vào chà bông. Ảnh: Lao động.
 
Chiều 26/9/2014, đoàn kiểm tra Liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) phát hiện một xe chở 17 cây bánh tóp mỡ với tổng trọng lượng khoảng 510 kg, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Tại hiện trường có 2 chảo mỡ đang đun, 168 kg mỡ tươi bốc mùi hôi thối, và khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Ảnh: Lao động.
 
Trưa 9/10, Đội quản lý thị trường phối hợp với Công an cùng lực lượng An toàn vệ sinh thực phẩm Thuận An đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sang chiết, tiêu thụ mắm tôm tại Khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú (Thuận An, Bình Dương). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn chai mắm tôm chế biến từ nguyên liệu chứa trong các thùng đầy dòi, nhặng, bốc mùi hôi nồng nặc. Ảnh: Lao động.
 
Khi khám xét, cơ quan chức năng còn phát hiện bên hông căn nhà có một thùng cỡ lớn loại 500 lít chứa nguyên liệu mắm tôm với hàng nghìn con dòi bò lúc nhúc. Theo chủ cơ sở này, mắm được mua từ các tỉnh phía Bắc và Hà Nội về, sau đó chế biến và sang chiết từ thùng lớn sang chai nhỏ rồi cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên cơ sở mắm tôm này không có giấy phép kinh doanh và cũng không cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc số mắm trên, hoạt động hoàn toàn trái phép. Ảnh: Tuổi Trẻ.
 
Giữa tháng 11/2014, PV Vietnamnet đã thâm nhập đường dây buôn thịt lợn ốm chết ở Mỹ Hào, Hưng Yên, chứng kiến những thủ thuật biến thịt lợn sề ốm chết thành thịt bò y như thật. Theo người tên Lãng, chủ một lò mổ ở đây, thì lợn chết hay sống cũng làm giả bò được, tuy nhiên lợn sề chết phải dùng kỹ sảo phức tạp hơn.
Lợn sề sau khi mổ phanh được lóc thành mảng giao cho từng người tỉ mẩn kháy từng thớ thịt một. Các chủ lò mổ dùng huyết bò tưới lên thịt lợn sề để giả màu, và sử dụng nước mỡ bò rán thoa một lượt quanh thịt lợn để tạo mùi, nhằm qua mắt người dùng. Mỗi con lợn sề nặng chừng 2 tạ có thể chế được tới 70-80 kg “thịt bò”. Ảnh: Vietnamnet.
 
Ngày 4/12, Phòng cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng cho biết, đang tiến hành xử lý, đề nghị rút giấy phép hoạt động của cơ sở giết mổ gia súc do bà Lâm Thị Lệ Thu (Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) làm chủ vì hành vi: “cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ”, nhằm tăng trọng lượng thịt khi mang bán, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Dân Việt.
 
Trước khi đưa bò vào lò mổ, nhân viên cơ sở này dùng vòi nước thọc vào họng rồi bơm nước thẳng vào bụng bò. Mỗi lần bơm cách nhau khoảng 2-3 giờ, đến khi dạ dày bò “quá tải”. Tại hiện trường phát hiện nhân viên đang bơm nước vào trong bò, khiến một số con trong tình trạng sùi bọt mép, mũi và miệng bò nước tuồn ra liêp tiếp. Được biết, mỗi con bò khi bơm nước sẽ tăng thêm 10 – 12 kg (tương đương 2-2,5 triệu đồng).
“Hành vi bơm nước vào bò trước khi giết mổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Thậm chí, các chất độc khác từ môi trường bên ngoài sẽ theo nước vào cơ thể bò, dẫn tới nhiễm khuẩn. Sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa” một cán bộ thú y cho biết. Ảnh: Dân Việt.

Đọc thêm