“Thượng đế” huy động các giác quan để phân biệt bò thật, bò giả

(PLO) - Loạt  phóng sự do VTV24 thực hiện vừa qua về tình trạng nhiều cửa hàng bán thịt bò được làm giả từ thịt lợn đang được bày bán tại nhiều chợ ở khu vực Hà Nội, khiến nhiều bà nội trợ hoang mang. Làm thế nào để phân biệt được đâu là thịt bò thật, đâu là thịt bò giả để trở thành người tiêu dùng (NTD) thông thái?
Phân biệt thịt bò thật – giả bằng 3 cách: mùi, trạng thái và màu thịt
Phân biệt thịt bò thật – giả bằng 3 cách: mùi, trạng thái và màu thịt

Thịt lợn đội lốt thịt bò

Thịt bò được làm giả từ thịt lợn được phản ánh là ở xã Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm và một số hộ kinh doanh ở Thọ Lộc, Phúc Thọ. Những miếng thịt đỏ tươi, được để cùng với da bò, gân bò khiến NTD không có sự nghi ngờ nào về sản phẩm mình mua. Tuy nhiên, khi rửa sạch để chế biến, nước rửa miếng thịt đổi màu bất thường, miếng thịt nhanh chóng chuyển màu trắng nhạt, mùi hôi đặc trưng của thịt bò cũng biến mất. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Thú y Hà Nội, những miếng thịt được kiểm nghiệm là thịt lợn.

Trước vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết Cục đã yêu cầu Sở Y tế vào cuộc điều tra. Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm nghiêm đối với hộ kinh doanh thịt gia súc có hành vi gian lận trên địa bàn.

Ngay sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Phúc Thọ tiến hành kiểm tra 3 chợ Minh Khai, Cổ Nhuế và chợ Gạch để kiểm tra, làm rõ vấn đề và xử lý những đơn vị kinh doanh nếu có vi phạm.

Dù đã được thanh tra nhưng theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu hóa chất tẩm ướp có nguồn gốc tự nhiên thì không gây hại cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng hóa chất có nguồn gốc công nghiệp, dạng bột thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân. 

“Quan trọng đây là hành vi gian lận thương mại khi lừa dối NTD và hành động coi thường sức khỏe người dân. Nhiều khi những tiểu thương này có những chiêu trò hết sức tinh vi, chúng ta nhìn bằng mắt thường rất khó nhận ra đó là miếng thịt bò giả. Người dân nên cẩn trọng để có sự lựa chọn thông minh và an toàn nhất và có các biện pháp kiểm tra thịt bằng tay và mắt chứ không nên chỉ nghe người bán hàng rồi mua”, PGS.TS Thịnh khuyến cáo.

Cách đây không lâu, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã lấy nhiều mẫu thịt bò tươi tại các quán phở trên địa bàn Hà Nội để kiểm nghiệm. Kết quả, trong 12 mẫu nạm bò, chỉ có 2 mẫu là thịt bò thật. Với 10 mẫu thịt bò tái, có 2 cửa hàng bán thịt lợn. Ngoài ra, 20 mẫu giò bò được phân tích có 9/20 mẫu không thấy thịt bò; 8/20 mẫu hàm lượng bò rất thấp (ở mức 13%); 2/20 mẫu xác định thịt bò chiếm khoảng 30 - 33%; chỉ một mẫu có lượng bò cao nhất nhưng cũng chỉ chiếm 60%.

Cách phân biệt thịt bò thật – giả

Để giúp NTD phân biệt được thịt bò thật và giả, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh  đưa ra lời khuyên, khi mua thịt bò có ba cách để phân biệt đó là: mùi, trạng thái và màu thịt.

Theo đó, để chọn được miếng thịt bò tươi, ngon, đầu tiên NTD phải biết quan sát thịt. Thịt bò thật có màu hồng đậm, trong khi đó thịt bò giả dù được tẩm ướp vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên. Bắp bò có gân đặc trưng, thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt; thịt lợn có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục. 

Thứ hai, trạng thái miếng thịt, khi mua phải dùng tay kiểm tra. Khi ấn nhẹ tay, thịt bò thật, miếng thịt sẽ chặt, ít tính đàn hồi, thịt dính tay. Với thịt bò giả, ấn tay vào thấy mềm, bở, không có cảm giác thịt dính vào tay. Khi cắt, mặt miếng thịt lợn phẳng, mềm; miếng thịt bò thô, cắt không mịn. Với thịt giả, miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay; thái miếng, phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra. Khi mua thịt bò nên chọn cắt ra từ súc thịt lớn, không mua miếng thịt nhỏ vì rất có thể đó là thịt lợn trộn vào. 

Người dân đi mua nên ngửi mùi của thịt, vì thịt bò thật có mùi hôi rất đặc trưng, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm. Khi làm giả, người bán hàng thường sẽ bôi mỡ bò lên mặt thịt làm cho người dùng khó nhận ra, khi đó người dân nên cắt miếng thịt và ngửi ở phần được cắt sẽ phân biệt được dễ dàng. Những loại thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.

Chia sẻ với PLVN, nhiều NTD cho biết, để chắc ăn hơn, họ chọn cách vào siêu thị để mua thịt bò. “Giá cả có đắt hơn nhưng dù sao cũng yên tâm hơn!” - một bà nội trợ cho biết.

Đọc thêm