Tìm lại chỗ đứng cho giày da thủ công Việt

(PLO) - Bền, độc, thoải mái... là một trong những ưu điểm nổi bật của giày đóng thủ công khiến nhiều khách hàng ưa chuộng sử dụng. Đặc biệt, với sự sáng tạo của người thợ, những đôi giày “handmade” còn là một tác phẩm nghệ thuật, tạo nên cá tính khác biệt cho khách hàng. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Giày da thủ công Việt Nam bị lấn lướt
Hiện nay các sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 quốc gia và Việt Nam tiếp tục nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng, lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá. Sản phẩm thủ công của Việt Nam có chất lượng tốt. Trong khi đó, thị trường nội địa lại bị bỏ ngỏ khi có tới 60% sản phẩm của nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc. 
Điều này không chỉ khiến nhiều công ty da giày Việt Nam chịu thách thức mà còn đẩy nghề đóng giày truyền thống của những hộ nhỏ lẻ vào cảnh lao đao. Thực tế, giày da Việt Nam có chất lượng không kém gì nước ngoài, một thời nghề đóng giày từng cực thịnh ở các thành phố lớn như quận 4, TP.HCM, làng nghề Khánh Hội, Phú Xuyên... Còn nay, các cửa hàng đóng giày da thường nằm khuất nẻo trong ngõ nhỏ, hay bị lãng quên trên các con phố. 
Chị Tuyết, một người giữ nghề giày da thủ công cho biết: “Hàng Trung Quốc tràn ngập, giá rẻ, hàng chợ, hàng xi giả da, kiểu dáng mẫu mã đủ chủng loại… rất hút thanh niên bây giờ. Khách hàng của chúng tôi lại khác. Phần lớn khách của chúng tôi là trung niên, những người thích dùng giày da thật, bền, khâu bằng tay, kiểu dáng vừa vặn với khuôn chân và họ chung thủy với những thương hiệu mà mình đã chọn. Những người như thế giờ không còn nhiều”.
Khách hàng tìm về chất lượng xưa
Khi xưa, đóng giày da từng là một nghề có mức thu nhập khá. Những đôi giày thủ công đi rất chắc, êm chân, bền và được bảo hành lâu dài khiến người tiêu dùng chẳng bao giờ lo đến chất lượng. Với những người thợ đóng giày thì đôi giày không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thời trang, một nghề kiếm sống mà còn là sự đam mê, khát khao lưu giữ và phát triển một nghề truyền thống. Vậy mà đến thời giày Trung Quốc ngập thị trường, mẫu mã bắt mắt và giá thành rẻ đã hút hết khách hàng của giày da Việt Nam. Nhiều thợ không thể sống tiếp được với nghề, kinh tế lao đao buộc họ phải bỏ nghề, đến nay ở Hà Nội và TP.HCM chỉ còn lác đác vài hàng đóng giày thủ công. Không chết nhưng cũng sống ngắc ngoải, những người đi đường tò mò cho số phận của các cửa hàng này: họ còn trụ được bao lâu? 
Trái với sự bi quan của nhiều người, cùng với thời gian người tiêu dùng đang chán kiểu sản xuất dây chuyền, hàng loạt, chất lượng kém muốn tìm đến một đôi giày đẹp, khít chân và mang chất liệu da thật. Xu hướng “handmade” lên ngôi khiến da giày Việt Nam có cơ hội tìm lại vị trí của nó. Nhận rõ ưu, nhược của giày da thủ công, những người đóng giày da đang tìm được hướng đi của mình. Anh Sơn, một thợ đóng giày tại Hà Nội chia sẻ: “Với người thực sự biết đi giày thì không bao giờ một đôi giày làm bằng máy có thể đẹp hơn một đôi giày khâu tay. Chúng tôi từng sưu tầm rất nhiều kiểu dáng giày trên thị trường quốc tế về để nghiên cứu và so sánh kỹ thuật, mỹ thuật thì đều tự hào với nhau rằng: “Giày Việt Nam đẹp hơn, tốt hơn”. Nhưng để cạnh tranh thì giày “handmade” phải có chiêu”.
Đón đầu xu thế thời trang về giày “handmade”, nhiều cửa hàng thời trang đã chuyển hướng kinh doanh kiểu “độc, lạ và cao cấp”, không chỉ bán mà các shop này còn nhận đơn đặt hàng với đủ kiểu dáng theo yêu cầu. Anh Sơn cho hay: “Mẫu mã ở cửa hàng chỉ để trưng bày. Khách đến đây toàn đặt hàng để chúng tôi làm là chính. Cửa hàng không nhận đóng giày nữ, một phần vì giày nữ có nhiều kiểu, phần khác vì khách nữ ít. Khách của chúng tôi chủ yếu là nam. Giá thành một đôi khoảng 1 triệu trở lên, khá phù hợp với sự lựa chọn của họ. Một điểm cộng nữa cho giày đóng chính là được bảo hành gần như “trọn đời” cho sản phẩm, chỉ cần có hư hỏng sẽ được sửa giày miễn phí nên khách hàng rất thích”. Cũng theo anh Sơn, với mức giá như vậy có thể dễ dàng cạnh tranh với giày trên thị trường. Ngay cả trong thời “thắt lưng buộc bụng”, giày da “handmade” cũng đang tìm được hướng đi của mình khi hướng vào đối tượng sành sỏi, ưa đồ da thật.
Ngoài việc chờ đợi khách đến cửa hàng, anh còn tham gia hội nhóm thích đồ da “handmade” để tạo được uy tín với khách hàng cũng là một cách marketing của anh. “Người tìm đến giày da thủ công không thích đồ rởm, họ thích một kiểu giày hiệu nào đó và muốn trung thành với nó. Sản phẩm của mình phải tinh, chất lượng da tương xứng mới giữ được khách hàng. Vì bản thân họ cũng là những người sành da” – anh Sơn cho hay./.

Đọc thêm