Ung thư vì chọn thực phẩm sạch theo cảm tính

(PLO) -Cứ 10 người bị ung thư thì có 4 người mắc bệnh do thực phẩm bẩn. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, nhà cung cấp uy tín và được kiểm định chất lượng rõ ràng.

Cần lựa chọn thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa
Cần lựa chọn thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa
40% ung thư do thực phẩm bẩn
Chưa bao giờ người Việt lo sợ ung thư như hiện nay. Thịt thối hô biến thành thịt tươi, thịt heo thành thịt bò, rau tắm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, gà nhuộm sắt trộn chất vàng ô, thậm chí rau muống còn bị phát hiện bơm nhớt thải để xanh tốt. Thực phẩm sạch, ăn gì để không ung thư đang nằm trong số những từ khóa được nhiều người dùng quan tâm nhất với lượng tìm kiếm đột biến từ năm 2013 trở lại đây.
Trong buổi tọa đàm “Ung thư không phải là dấu chấm hết” tháng 10 vừa qua, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức cho biết: “Tất cả những gì tác động vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư. Trên 80% nguyên nhân do môi trường bên ngoài, thức ăn được xếp hàng đầu, có 10% do tự đột biến. Điều này có nghĩa là cứ 10 người bị ung thư thì ít nhất 4 người là do thực phẩm không an toàn gây nên.
Chị Thu Trang, 28 tuổi ở Khương Đình, Hà Nội chia sẻ: “Đọc báo thấy nhiều tin tức thực phẩm bẩn cũng hoang mang lắm. Nhưng ra chợ, hàng nào cũng như hàng nào chẳng biết đâu mà lần. Không ăn thì đói, ăn thì chưa chắc đã chết. Thôi thì chặc lưỡi mà ăn, chắc gì mình đã đụng phải đồ bẩn như trong báo. Nói thế nhưng bây giờ người ta ung thư đầy ra, ai bảo là ăn bẩn không chết”.
Cũng có tâm lý như chị Trang gánh nỗi lo về chất lượng thực phẩm, nhiều gia đình tìm ra giải pháp tự trồng rau sạch, mua thiết bị kiểm tra hay truyền tai nhau các đầu mối mua thực phẩm sạch. Chị Nguyễn Hà My ở Hà Đông nghe theo lời giới thiệu của đồng nghiệp cũng tìm được một vài địa chỉ mua rau, thịt sạch. Tuy nhiên, với chị mua hàng cứ khuất mắt trông coi còn chất lượng thực sự thì không thể kiểm chứng.
Thạc sĩ Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP HCM cho rằng: “Phần lớn người tiêu dùng đang lựa chọn thực phẩm sạch hoàn toàn dựa trên niềm tin mà không có căn cứ, sơ sở khoa học. Việc lựa chọn bằng cảm tính như vậy chỉ là giải pháp tinh thần chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề”.
Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc
Trong tình trạng loạn thực phẩm bẩn như hiện nay, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức để lựa chọn thực phẩm một cách an toàn. Thạc sĩ Chu Vân Hải chia sẻ thêm, người tiêu dùng nên nắm chắc các tiêu chí sau để lựa chọn thực phẩm sạch một cách khoa học.
Thứ nhất, chỉ nên lựa chọn thực phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Minh bạch về nguồn gốc khiến đơn vị cung cấp phải có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, người dùng nên tìm hiểu kỹ các chứng nhận như VietGap, GlobalGap, HACCP và ưu tiên lực chọn các nhà cung cấp có chứng nhận.
Thứ ba, sản phẩm được phân tích, kiểm nghiệm thường xuyên sẽ có độ an toàn cao hơn. Với hàng xuất khẩu, các tiêu chí chất lượng được kiểm định rất nghiêm ngặt theo từng lô hàng bằng cách chọn mẫu đại diện. Với hàng nội địa, việc kiểm nghiệm theo lô còn xa xỉ và khó thực hiện. Tuy nhiên một số đơn vị đã triển khai việc phân tích thường xuyên các mẫu thực phẩm trên thị trường. Do đó, người dùng có thể theo dõi thông tin từ các đơn vị này để có sự lựa chọn đúng đắn.
Cốt lõi của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải xuất phát từ việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra thị trường, áp dụng đúng quy trình chăm sóc và chế biến, kiểm tra gắt gao thực phẩm theo quy định. Kiểm nghiệm đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm giúp người nuôi trồng phát hiện những sai sót trong sử dụng nguyên liệu. Từ đó họ tìm cách khắc phục và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, để người dân được sử dụng thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn.

Đọc thêm