Vườn kiểng độc đáo đất Cần Thơ

(PLO) - Cây kiểng là vật trưng bày không thể thiếu trong ngày Tết miền Tây. Và mỗi loại kiểng lại được các nghệ nhân “thổi hồn” tạo nên nét đặc sắc riêng. Gần đây, ở TP Cần Thơ có nhà vườn đã dùng bông trang (hoa mẫu đơn) tạo thành hình thú ngộ nghĩnh đẹp mắt.
Cặp trâu được tạo hình với kích cỡ lớn
Cặp trâu được tạo hình với kích cỡ lớn

Có dịp đi ngang quốc lộ 91B (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), nhiều người ngạc nhiên trầm trồ trước những con thú kiểng được tạo hình bằng bông trang vô cùng công phu và độc đáo. Những cây kiểng được tạo dáng với những hình thù rất lạ mắt với đủ mọi kích cỡ và màu sắc từ rồng, lân, quy, phụng, heo, cá sấu... cao từ 2-3m, trổ bông đỏ rực.

Chị Nguyễn Kim Loan, chủ vườn kiểng cho biết, trước đây vợ chồng chị làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng có niềm đam mê đặc biệt với cây kiểng. Cách đây gần hai năm, chị Loan mua một cặp gà tạo hình bằng bông trang về chưng. Sau đó chị mua thêm các cây kiểng tạo hình chó, rồng và rất ưng ý. Từ đó, anh chị nảy ra ý định sưu tầm loại kiểng tạo hình độc đáo này. Dần dần đó cũng là ý tưởng kinh doanh của vợ chồng chị.

Trên diện tích khoảng 4.000m2, vườn kiểng có quy mô vài ngàn gốc trang dùng để tạo hình với hơn 200 tác phẩm kiểng thú thành phẩm. Hiện vườn kiểng có thể tạo hình được hầu hết các con vật theo yêu cầu, tùy theo sở thích và nhu cầu của khách.

Chị Loan cho biết, cây trang có ưu điểm chăm sóc, lá đẹp, cho bông quanh năm, vì vậy tạo nên hình lúc nào cũng có màu sắc sặc sỡ.  Bông trang cũng là loại cây dân dã, phát triển khá chậm nhưng tuổi thọ rất lâu. Nếu bông trang là nguyên liệu độc đáo tạo hình thì đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo giúp chúng trở nên có hồn và sinh động. Một trong những “nghệ sỹ” là ông Lê Tấn Hải. ông cho biết hơn hai năm trước tập tành tạo hình kiểng thú từ những gốc bông trang trước nhà. Đam mê lớn dần theo những thành công, ông nhận làm thợ cho vườn kiểng của chị Loan cũng vì đam mê đó. 

Để mỗi con vật đều có hình dáng và sắc thái riêng từ dáng đứng, nét nằm cho đến cử chỉ, khuôn mặt, đòi hỏi người thợ phải kỳ công. Đầu tiên là phải tạo một khung cho thật giống và vững chãi, sau đó trồng cây bông trang vào và uốn nhánh theo định hình khung. Phải mất từ sáu tháng đến một năm cho một tác phẩm hoàn chỉnh, từ uốn khuôn, tạo hình, ghép các nhánh bông trang để sao cho con vật giống nhất…

Trong dịp Tết Kỷ hợi sắp tới, nhà vườn đã chuẩn bị tạo hình những chú “heo vàng, heo đỏ” thành phẩm với đủ kích cỡ khác nhau có giá từ vài triệu đến vài chục triệu nhằm phục vụ người chơi cây cảnh trong dịp Tết. 

Đọc thêm