Xác định việc gây nhầm lẫn nhãn hiệu theo tiêu chí nào?

(PLO) - Đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu với nhãn hiệu đang được bảo hộ không phải là  công việc đơn giản. Một trong những nguyên tắc cần lưu ý là không được đánh giá việc vi phạm nhãn hiệu theo cảm tính mà phải theo căn cứ khoa học.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là người quản lý một công ty tư nhân, bà Nguyễn Thị Nguyệt (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) từ lâu đã quan tâm tới việc bảo vệ thương hiệu của mình.  Một trong những nỗ lực của công ty là đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua, bộ phận pháp chế của công ty bà phát hiện một số hộ kinh doanh tại địa phương khác có sử dụng nhãn hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của công ty chúng tôi. Không ít khách hàng cũng đã điện thoại hoặc đến phản ánh trực tiếp tại công ty, còn bạn hàng thì cũng ngờ vực không nhỏ, bởi sự nhầm lẫn này ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Thế nhưng, giải thích với khách hàng và bạn hàng cho thấu đáo cũng không phải là việc đơn giản. “Tôi muốn hỏi tiêu chí nào để xác định cụ thể việc gây nhầm lẫn cho đúng quy định pháp luật? Hộ kinh doanh bị xử phạt theo hình thức cá nhân hay doanh nghiệp? Có sự khác nhau xử phạt hành chính giữa cá nhân với doanh nghiệp không?” – bà Nguyệt không khỏi bức xúc.

Để đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu với nhãn hiệu đang được bảo hộ không phải là  công việc đơn giản. Một trong những nguyên tắc cần lưu ý là không được đánh giá việc vi phạm nhãn hiệu theo cảm tính mà phải theo căn cứ khoa học.

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy) nhận định, công ty của bà Nguyệt có bộ phận pháp chế phụ trách công việc liên quan đến sở hữu trí tuệ nên sẽ rất thuận lợi trong trường hợp này. 

Theo Luật sư Hà Huy Từ, khoản 1 Điều 13 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quy định, căn cứ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu với nhãn hiệu đang được bảo hộ bao gồm 5 yếu tố.

Thứ nhất là phạm vi bảo hộ về tổng thể, từng thành phần của nhãn hiệu; mức độ tương tự của dấu hiệu với nhãn hiệu về tổng thể và với các thành phần có khả năng phân biệt của nhãn hiệu, đặc biệt thành phần gây ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng.

Thứ hai là tính liên quan của hàng hóa, dịch vụ về chức năng, công dụng, thành phần cấu tạo; thực tiễn tập quán mua bán, phân phối, lựa chọn, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; điều kiện, phương thức, địa điểm bày bán, phân phối, tiếp thị, quảng bá, mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba là đặc điểm, mức độ chú ý của người tiêu dùng khi lựa chọn, mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Thứ tư gồm những tiêu chí khác như: thực tiễn sử dụng và bảo hộ các nhãn hiệu tương tự cho cùng loại hàng hóa; ảnh hưởng của các yếu tố khác tạo ra sự liên tưởng về mối quan hệ giữa hàng hóa, dịch vụ bị xem xét với hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ.

Sau cùng là chứng cứ về hậu quả nhầm lẫn đối với người tiêu dùng có thể được sử dụng để hỗ trợ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của việc sử dụng dấu hiệu nhưng không phải là điều kiện bắt buộc trong việc đưa ra kết luận về khả năng gây nhầm lẫn của việc sử dụng dấu hiệu.”

Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 quy định: “1. Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, gồm: a) Công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài; b) Hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh.”

“Như vậy, hộ kinh doanh mặc dù được thành lập và có đăng ký hoạt động kinh doanh nhưng được xếp vào diện cá nhân. Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.” Vì thế nếu bị xử phạt hành chính thì hộ kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bị xử phạt bằng 1/2 so với tổ chức” – Luật sư Hà Huy Từ cho biết.

Đọc thêm