1,9 triệu bao tân dược Salbutamol đang ở đâu?

(PLO) - Trong văn bản gửi Báo Pháp Luật Việt Nam, lần đầu tiên ngành y tế xác nhận khả năng Salbutamol của ngành đã bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra ngoài để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Dùng chất trị bệnh hen vỗ béo vật nuôi, người tiêu dùng đang bị đầu độc
Dùng chất trị bệnh hen vỗ béo vật nuôi, người tiêu dùng đang bị đầu độc
Tuồn ra từ ngành y?
Sau khi PLVN đăng tải loạt bài về nghi án 68 tấn hoạt chất Salbutamol và Clenbuterol của ngành y bị tuồn ra làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, ngày 8/12/2015, Cục Quản lý Dược (Cục Dược) có Công văn số 22760 cung cấp một số thông tin nhằm làm rõ một số vấn đề báo đã đăng tải. 
Về con số nhập khẩu các hoạt chất nói trên bị “vênh nhau”, đến nay Cục Dược vẫn khẳng định từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2015, cơ quan này chỉ cấp phép cho 11 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu 3.540kg (3,5 tấn) Salbutamol. Cơ quan này lý giải thêm: Số liệu 3,5 tấn Salbutamol là số lượng nguyên liệu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu trong ngành được nhập khẩu tính từ đầu năm đến thời điểm báo cáo. 
Trong văn bản gửi Báo PLVN, Cục Dược cho biết việc sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu làm thuốc nói chung, thuốc và nguyên liệu chứa Salbutamol đối với ngành y được quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược. 
“Tuy nhiên, do Salbutamol có khả năng bị lạm dụng sử dụng ngoài ngành y tế như cho vào thức ăn chăn nuôi nên hiện Cục Quản lý dược đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công an theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý các vi phạm”- cơ quan quản lý dược cho biết. 
Ở một diễn biến khác, sau khi một số công ty chế biến thức ăn chăn nuôi bị phát hiện sử dụng Salbutamol, Cục Dược cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol. Đối với các nguyên liệu đã nhập khẩu trước đó, yêu cầu các công ty chỉ được dùng để sản xuất thuốc tại công ty hoặc bán cho các công ty khác có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi sản xuất thuốc hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực.
“Thay tên đổi họ” để trục lợi?
Trước đó, tiến hành truy tìm đường đi cũng như số lượng chính xác của các chất Salbutamol và Clenbuterol nhập về trong 9 tháng năm 2015, phóng viên Báo PLVN đã làm rõ được lượng 2 hóa chất này được nhập khẩu vào trong nước có trị giá lên tới gần 10,7 triệu USD.  
Ngoài 4,6 tấn nguyên liệu Salbutamol (trị giá 330 ngàn USD, nhiều hơn 1,1 triệu tấn so với con số Cục Dược cấp phép), còn một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số “khủng khiếp”  1,9 triệu bao, với trị giá lên tới 9,8 triệu USD. Cùng với đó còn có hàng trăm ngàn chai, ống, gói với trị giá khoảng hơn nửa triệu USD với tên gọi “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Clenbuterol, Salbutamol cũng đã được nhập về để sử dụng. 
1,9 triệu bao “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol thực ra là chất gì? Có thể sử dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi hay không? Trọng lượng 1 bao là bao nhiêu kilôgam? Ai cấp phép để nhập về trong nước sử dụng với số lượng lớn như vậy? 
Theo mã hàng đăng ký với cơ quan hải quan, đây là nhóm các sản phẩm thuốc đã hoặc chưa pha trộn dùng cho phòng bệnh hoặc chữa bệnh, đã được đóng gói hoặc làm thành dạng đóng gói để bán lẻ. Về công năng sử dụng, trong văn bản gửi Báo PLVN, Cục Dược cho hay, thuốc thành phẩm chứa Salbutamol có các dạng thuốc viên, thuốc tiêm và khí dung. Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol về để sản xuất thuốc thành phẩm trong nước và nhập khẩu thuốc thành phẩm chứa Salbutamol phục vụ nhu cầu điều trị bệnh. Còn Clenbuterol cũng là một hoạt chất dùng để làm thuốc có tác dụng tương tự Salbutamol. 
Với con số thông quan lớn như nói ở trên, Cục Dược không giải thích rõ được mà chỉ cho biết: “Tuy nhiên, thực tế Bộ Y tế không cấp phép nhập khẩu nguyên liệu và thuốc thành phẩm chứa Clenbuterol trong năm 2014 và 2015 do không có nhu cầu từ các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc”.  
Trước tình trạng này, Cục Dược cũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc báo cáo số liệu sản xuất, nhập khẩu và phân phối Salbutamol và Clenbuterol trong các năm 2013, 2014 và 2015. Theo đó, cơ quan này ra “tối hậu thư” nếu các đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo sẽ bị tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, cấp số đăng ký thuốc, tiếp nhận. 
“Thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol, Clenbuterol là chất gì?
Về công năng của các hoạt chất này, Cục Dược cho biết: Các thuốc thành phẩm chứa chất Salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang. 
Bên cạnh đó, trong sản khoa, thuốc được sử dụng  với chỉ định trong chuyển dạ sớm khi không có biến chứng xảy ra ở tuần thứ 24-33 của thai kỳ, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi. Còn thuốc chứa hoạt chất Clenbuterol được sử dụng trong điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị hen và sử dụng ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc ngẽn mãn tính.

Đọc thêm