Bản đồ số hướng dẫn du lịch an toàn trong dịch bệnh: Có phải giải pháp tối ưu?

(PLVN) - Hiện nay, chỉ có một số tỉnh, thành phố có người nhiễm Covid-19, phần lớn các khu, điểm du lịch, khách sạn vẫn mở cửa nhưng không có khách do tâm lý e ngại dịch bệnh. Bản đồ số về du lịch an toàn sẽ giúp người dân tra cứu những địa chỉ điểm đến an toàn trong bối cảnh Covid-19.
Du lịch Việt phấn đấu thành điểm đến an toàn. (Ảnh minh họa)
Du lịch Việt phấn đấu thành điểm đến an toàn. (Ảnh minh họa)

Tiêu chí gì để xác định an toàn?

Theo Tổng cục Du lịch, khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 trong cộng  đồng, đến nay, gần như toàn bộ các công ty lữ hành, khách sạn đã tạm đóng cửa chờ hết dịch, chỉ khoảng 10% hoạt động cầm chừng, 100% hướng dẫn viên du lịch đã nghỉ việc, phần lớn nhân viên khách sạn cũng nghỉ việc, giảm giờ làm. 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển 60 năm, ngành Du lịch lại khó khăn như hiện nay. Cả ngành rất khó để thực hiện những mục tiêu đã đề ra”. 

Theo đó, để thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Du lịch cần nhanh chóng xây dựng bản đồ số về du lịch an toàn, trong đó có các thông tin chung về điểm đến như địa điểm nào an toàn, địa điểm nào có dịch, đáp ứng những tiêu chí an toàn nào… để du khách yên tâm lựa chọn, doanh nghiệp du lịch có định hướng lên kế hoạch phục hồi.

Ý tưởng xây dựng bản đồ số về du lịch an toàn được hy vọng sẽ giúp du khách có cái nhìn trực quan về tình hình an ninh an toàn tại điểm đến, không vì tâm lý e ngại dịch bệnh mà không đi du lịch. Trên thực tế, giải pháp xây dựng bản đồ du lịch có vai trò quan trọng trong công tác quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách. 

Đơn cử là phần mềm “Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP HCM” được đưa vào thí điểm tại TP HCM năm 2019. Phần mềm tái hiện bằng công nghệ 3D chi tiết toàn cảnh 17 địa điểm du lịch hấp dẫn của thành phố như Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…

Phần mềm còn được chạy trực tuyến trên nền tảng website www.map3D.visithcmc.vn, www.visithcmc.vn, một số trang web của các điểm đến du lịch, sử dụng được trên máy điện thoại thông minh, máy tính bảng,... Giải pháp này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các tỉnh thành cũng như du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, dư luận đặt nghi vấn bản đồ du lịch an toàn có phải câu trả lời tuyệt đối cho du khách về sự an toàn của một điểm đến hay không. Bên cạnh việc cần thiết phải nêu rõ những tiêu chí để xác định một điểm đến là an toàn, trong trường hợp du khách mang theo mầm bệnh di chuyển trong cộng đồng cũng có thể khiến một điểm đến được xác định là an toàn trở nên không an toàn. Khi được hỏi về giải pháp này, nhiều du khách bày tỏ nghi ngại rằng bản đồ số về du lịch an toàn sẽ không phát huy được tác dụng như mong muốn bởi không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro khi người dân đi du lịch ồ ạt.

Mặc dù tâm lý e ngại của du khách là có tồn tại nhưng nhu cầu đi du lịch vẫn luôn hiện hữu. Sau đợt bùng phát dịch lần thứ hai, nhiều du khách có xu hướng đi du lịch gần, ngắn ngày đến những điểm vắng người, lịch trình di chuyển đơn giản có thể dễ dàng kiểm soát và khai báo.

Với đối tượng du khách này, bản đồ số du lịch an toàn có thể là một công cụ tham khảo hữu hiệu. Quan trọng hơn, các tiêu chí an toàn cần được nêu rõ và phổ biến với người dân. Bởi lẽ nếu thông tin không được cập nhật kịp thời, rất nhiều du khách sẽ bị ảnh hưởng như trường hợp tại Đà Nẵng. 

Du lịch không thể ngắt quãng bởi dịch

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch trong nước đang nỗ lực hết mình, đưa ra nhiều giải pháp hơn để phục hồi ngành công nghiệp không khói một cách nhanh chóng. Chưa kể, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã bắt đầu mở cửa với du khách quốc tế, đặt ra một thách thức với Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Hiện nay, du lịch Việt Nam đang được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards 2020 (WTA) đề cử tại 11 hạng mục “Hàng đầu châu Á”. Đó là “Thành phố hàng đầu châu Á” dành cho Thủ đô Hà Nội; “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”; “Thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” dành cho  Hội An; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”; “Điểm đến hàng đầu châu Á”; “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”; “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”; “Điểm đến du thuyền trên sông hàng đầu châu Á”; “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”, “Điểm đến dành cho giới trẻ hàng đầu châu Á”; và Tổng cục Du lịch – Bộ VHTTDL được đề cử là “Cơ quan du lịch hàng đầu châu Á”.

Như Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Đã thấy bóng dáng của sự quyết liệt trong việc phòng chống dịch Covid-19, đồng thời với việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và khát vọng cháy bỏng về việc đưa Việt Nam thành điểm đến an toàn, thân thiện của thế giới. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn cần lưu ý tới việc nâng cao sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, gần nhất là Thái Lan, sau khi dịch được kiểm soát”.

Hiện nay, doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành du lịch là các đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, dẫn đến xu hướng phải chuyển ngành chuyển nghề. Như vậy, sức cạnh tranh của ngành du lịch sẽ giảm dần bởi nguồn lực ngày càng hạn chế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ bám sát thực tiễn, tập trung rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách để chủ động tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng này. Đặc biệt cần giúp cho người lao động và doanh nghiệp trong ngành du lịch tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Đọc thêm