Bán hàng rong qua facebook, liệu có khả thi?

(PLO) - Để góp phần giúp người bán hàng rong có địa điểm kinh doanh sau khi vỉa hè thông thoáng, dự án facebook dành riêng cho người bán hàng rong đã bắt đầu đi vào hoạt động. Nhưng đến nay, những người bán hàng rong ở quận 1 TP HCM vẫn có vẻ như chưa hề quan tâm đến Dự án này.
Fanpage “Ẩm thực đường phố quận 1” nhằm mục đích giúp người bán hàng rong tiếp thị, bán sản phẩm của mình
Fanpage “Ẩm thực đường phố quận 1” nhằm mục đích giúp người bán hàng rong tiếp thị, bán sản phẩm của mình

Người dân không mặn mà

Theo kế hoạch đang được thực hiện, trang fanpage mang tên “Ẩm thực đường phố quận 1” sắp ra mắt vào tháng 4 này sẽ là một địa chỉ để những người bán hàng rong tiếp thị, rao bán các sản phẩm của mình đến khách hàng. Mục tiêu là giúp những người bán hàng rong tiếp cận với công nghệ thông tin, dùng mạng xã hội mở ra cho mình một hướng kinh doanh mới gần với xu thế của thời đại, không phải buôn gánh bán bưng, lấn chiếm hè phố nữa.

Để người bán hàng rong có thể tập làm quen với cách thức buôn bán mới này, quận 1 cũng đã phân công nhiệm vụ cho các Đoàn viên thanh niên tại quận Đoàn, theo đó mỗi một Đoàn viên sẽ phụ trách giúp đỡ một người bán hàng rong bằng cách chụp hình sản phẩm của người bán, đăng giới thiệu lên facebook cùng với số điện thoại của cả Đoàn viên phụ trách lẫn người bán. Người mua có thể liên hệ trực tiếp người bán hàng hoặc người phụ trách, thậm chí, nếu người bán hàng rong không có khả năng đi giao hàng, Đoàn viên phụ trách cũng đảm trách nốt phần này. 

Tuy nhiên, thực tế là đến nay, hầu như những người bán hàng rong thường xuyên mưu sinh ở khu vực quận 1 vẫn chưa quan tâm đến việc có một trang facebook được lập ra để làm chỗ kinh doanh cho mình. Trong một cuộc khảo sát nhỏ những người bán bún gánh, bánh tráng xe đẩy, hầu hết câu trả lời nhận được là “không biết” và “để làm gì”?. Số khác thậm chí còn chưa bao giờ biết đến facebook, huống chi là sử dụng để quảng bá sản phẩm.

Chị Lê Thị Thu, quê Quảng Ngãi, chuyên bán gánh bún xào ở khu vực trường Khoa học Xã hội & Nhân văn, đường Đinh Tiên Hoàng, TP HCM chia sẻ, chị bán bún ở khu vực này gần 3 năm nay, khách hàng chủ yếu là sinh viên khu vực này.

Chưa hề nghe nói đến việc sẽ chuyển sang buôn bán trên facebook, và chị Thu cũng chia sẻ, chị không mấy quan tâm đến điều này, vì theo chị, sinh viên chủ yếu chọn bún của chị vì chị bán ngay trước cổng trường, gần, tiện lợi, giá rẻ. Nếu chị chuyển sang bán qua mạng thì liệu có sinh viên nào lặn lội lên mạng xã hội chỉ để đặt mua một hộp bún xào để phải chờ đợi, rồi giao hàng tận nơi…

Rồi còn nữa, không được bán ở vỉa hè, không có mặt bằng, còn mình thì thuê nhà trọ ở tận Thủ Đức, ngày ngày đạp xe chở gánh bún lên trung tâm TP bán “ba cọc ba đồng”, chẳng lẽ, hộp bún của chị giao hàng từ Thủ Đức lên tận trung tâm? 

Suy nghĩ của chị Thu cũng là suy nghĩ chung của đa số những người bán hàng rong trên địa bàn TP. Chính vì thế, chuyện người bán hàng rong không quan tâm đến facebook “Ẩm thực đường phố quận 1” mà UBND quận 1 đang tiến hành cũng dễ hiểu. Đa phần người bán hàng rong hiện nay đều là dân ngoại tỉnh, vì mưu sinh phải buôn gánh bán bưng hàng ngày, rất nhiều người thậm chí chưa biết đến chiếc smartphone ra sao, nói chi đến việc sử dụng facebook để quảng bá, buôn bán. 

Cạnh đó, đa phần những người hàng rong đều cung cấp sản phẩm chất lượng ở tầm trung bình, tính chất của việc mua bán hàng rong hầu hết là ở tính tiện dụng, ngẫu hứng và chủ yếu là khách vãng lai. Trong khi đó mạng xã hội đã có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trong ngành hàng ăn uống, với đa dạng chủng loại sản phẩm, giá cả, chuyên nghiệp trong cách thức mua bán và giao hàng…

Chưa nói đến chuyện người bán hàng rong có thể thay đổi và thích ứng với hình thức mới mua bán qua mạng hay không, việc khách hàng thay đổi thói quen, mua hàng rong qua facebook có vẻ là một điều khá bất khả thi.

Khá... thiếu tính thực tế

Bên cạnh đó, kế hoạch để mỗi một Đoàn viên phụ trách một người bán hàng rong có vẻ cũng khá... thiếu tính thực tế. Hiện nay, trên địa bàn quận 1 khó tính chính xác số lượng người bán hàng rong lưu động đang mưu sinh. Ước tính có thể lên đến hàng ngàn người. Với con số này, chắc chắn, lực lượng Đoàn viên của quận Đoàn khó có thể đáp ứng đủ mong muốn “mỗi Đoàn viên hỗ trợ một người bán hàng rong”. Nếu như thế, số lượng người bán hàng rong được hỗ trợ sẽ không nhiều, như vậy, tiêu chí được chọn lựa để hỗ trợ sẽ như thế nào? 

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc Đoàn viên thanh niên thực hiện việc chụp ảnh, đăng sản phẩm, liên hệ với người mua, thậm chí… “ship” thức ăn tới người mua có vẻ như là công việc không thích hợp, thậm chí… lãng phí sức lao động. Nhiều nước phát triển của châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… vẫn có những khu phố lớn chuyên dành cho người bán hàng rong, bán thức ăn hè phố. Những khu phố như thế hoạt động sầm uất, được kiểm định chất lượng thực phẩm, kiểm soát về giá cả, và đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, thu hút khách du lịch. 

Nên chăng, TP HCM cũng có những kế hoạch dài hơi như thế, thay vì vài quầy hàng tạm bợ hoặc kế hoạch “bán hàng rong qua mạng” không mấy khả thi, ít được người lao động quan tâm đến như trên?

Đọc thêm