Băn khoăn pháp lý mô hình du lịch farmstay

(PLVN) - Farmstay (ở nông trại) - mô hình du lịch “trồng rau, nuôi gà” kết hợp với nghỉ dưỡng, mới thực sự “nở rộ” ở Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây. So với homestay, mô hình Farmstay có đặc thù và ưu thế của mình. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ vì còn thiếu hành lang pháp lý.
Farmstay có nhiều lợi ích hấp dẫn.
Farmstay có nhiều lợi ích hấp dẫn.

Tiềm năng lớn

Mô hình farmstay “trồng rau, nuôi gà” không chỉ là nơi cung cấp chỗ nghỉ ngơi, đây còn là hình thức homestay mang trải nghiệm sống bình yên như một người nông dân thực thụ. Loại hình du lịch farmstay đã xuất hiện từ những năm 1980 ở Italia. Đến nay, loại hình du lịch này có mặt và phát triển ở Bắc Mỹ, Úc, châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, loại hình farmstay chủ yếu thiên về hoạt động giải trí và nghỉ dưỡng hơn là trải nghiệm sản xuất và sống cùng người nông dân. Hiện nay, một số cơ sở kinh doanh đẩy mạnh loại hình này hoặc phát triển dự án về loại hình này có thể nhắc tới Farmstay G7 ở Hồ Tràm, Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Farmstay Hoà Bình Ohara tại Kỳ Sơn (Hoà Bình), Farmstay ở Đà Lạt…

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Farmstay cũng chỉ là hình thức kinh tế chia sẻ, tính pháp lý chưa rõ ràng. Cũng như condotel, farmstay rất cần khung pháp lý cho mô hình kinh tế này.

Tư duy của các nhà quản lý chưa có khái niệm kinh tế chia sẻ, mà chỉ hiểu như kinh tế truyền thống. Do đó, mô hình này vẫn còn đang rất mới mẻ. Tôi không thể có lời khuyên cho khách hàng có nên đầu tư hay không.

Điều trước tiên, khách hàng phải tìm hiểu chủ đầu tư có uy tín, năng lực không? Lợi nhuận ra sao, đầu tư sẽ được gì và mất gì. Đây là mối quan hệ dân sự trong quan hệ thương mại”.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế khai thác loại hình du lịch nông trại. Các hoạt động chủ yếu thường là nông dân và du khách trực tiếp cùng nhau tham gia canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hay rau xanh.

Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn để chế biến thưởng thức luôn hoặc mang về nhà. Với mô hình này, người dân địa phương có thể vừa kinh doanh du lịch, vừa phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững,… 

Tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, du lịch nông trại không phải là mô phỏng mà chính là cuộc sống hàng ngày, thường nhật của người nông dân, được phổ biến qua hoạt động du lịch, nhằm truyền tải những thông điệp về môi trường, kéo gần khoảng cách nông thôn – đô thị, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của mọi người về nông nghiệp, chuỗi cung ứng ăn uống… 

Như vậy, du lịch nông trại có thể vừa là hình thức du lịch vừa là hình thức giáo dục. Khi du khách tham gia sinh hoạt và sản xuất, họ nảy sinh sự đồng cảm, thích thú với cuộc sống người nông dân, sẽ khiến họ tích cực chia sẻ với bạn bè, người thân và trên internet, góp phần thu hút đông đảo lượng khách đến.

Tất nhiên, mô hình farmstay theo đúng nghĩa sẽ thành công khi thực sự có bản sắc cá biệt. Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào du lịch xanh, những chủ đầu tư farmstay có kinh nghiệm còn có thể kết hợp không gian nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên, truyền tải được yếu tố văn hoá bản địa.

Thiếu hành lang pháp lý

Nở rộ trong hai năm gần đây, mô hình farmstay đã được lưu truyền với nhiều lời quảng cáo “có cánh” như: “Vừa có lời vừa an toàn”, “gà đẻ trứng vàng của ngành nông nghiệp”, “lợi ích kép từ kinh doanh nông trại và homestay”…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hình thức du lịch nông trại kết hợp bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái là sản phẩm còn mới nên chưa được kiểm nghiệm về cách thức vận hành, tỷ suất sinh lời. Một điều đáng chú ý về mặt pháp lý, đó là các bất động sản nghỉ dưỡng mà lại nằm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp thì chưa thể khẳng định được farmstay có được cấp sổ đỏ hay không. 

Phần lớn farmstay sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm nên chủ đầu tư hay khách hàng thuê đất, mua dự án không được xây dựng nhà kiên cố. Nhiều chủ đầu tư đã cung cấp giải pháp “nhà gỗ di động” để khắc phục điều này. Một số trang trại còn được bố trí trong quần thể khu du lịch, hoặc nằm tại những thành phố du lịch để thu hút du khách ghé thăm, cũng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh du lịch của địa phương đó.

Đến nay, khó có chuyên gia nào có thể khẳng định chắc chắn về mặt pháp lý đối với các bất động sản nghỉ dưỡng trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Bởi thông thường những dự án làm trang trại kết hợp nghỉ dưỡng không có sổ đỏ riêng mà chỉ là hợp đồng và cam kết thời hạn làm được sổ.

Như vậy, việc tăng giá đất sau vài ba năm, đất nằm trong quy hoạch bị thu hồi… đều có khả năng xảy ra trong quá trình kinh doanh mô hình farmstay. Thông thường, đầu tư những mô hình du lịch xanh thường mất nhiều năm để thu hồi vốn nên cần sự bền vững, lâu dài. 

Quả thực, nhu cầu tìm về không gian trong lành, yên tĩnh, tránh xa khói bụi thành phố, mong muốn trải nghiệm sống xanh, giản dị đã trở thành xu hướng “hot” trong cộng đồng nhiều năm nay, đặc biệt đối với người trẻ. Mô hình farmstay hoàn toàn có thể đáp ứng những tiêu chí nêu trên.

Tuy nhiên, có thể nói, loại hình này đến nay vẫn chưa quá nhiều sản phẩm đặc thù thực sự vượt trội để tạo thành một xu hướng du lịch mới. Cụ thể hơn, đó là dạng sản phẩm vừa thể hiện đúng bản sắc của một đất nước nông nghiệp ngàn năm văn minh lúa nước mà vẫn đảm bảo các yếu tố kinh tế, tiết kiệm trong đầu tư, tối ưu về lợi nhuận.  

Vẫn lệch “cán cân” nghỉ dưỡng và trải nghiệm nông nghiệp

Theo các chuyên gia phân tích, nhiều người thích du lịch nông trại theo xu hướng “sạch, an toàn, chất lượng và bình dị”, muốn nghỉ ngơi thư giãn và trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Thế nên, mô hình trang trại, nhà vườn nghỉ dưỡng khép kín có nhiều tiềm năng ở Việt Nam dù hiện tại nguồn cung vẫn còn manh mún.

Mặt khác, hoạt động farmstay ở Việt Nam lại không quá tách biệt so với các loại hình du lịch sinh thái khác, chỉ có một số nét pha trộn giữa du lịch nghỉ dưỡng và homestay (khám phá và trải nghiệm văn hoá bản địa).

Do nhiều chủ đầu tư chưa hiểu rõ về loại hình du lịch nông trại nên đã quá chú trọng vào khai thác khía cạnh nghỉ dưỡng – mô típ này hiện nay đang bị rập khuôn về mô hình, cách thức quản lý.

Một số sai làm cơ bản khi thiết kế farmstay là chỉ đầu tư phòng ốc tạm bợ từ những vật liệu công nghiệp rẻ tiền để giảm chi phí, sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường, thiết kế phòng ở giống hệt trong đô thị, lạm dụng điều hoà nhiệt độ, xây nhà kiểu công nghiệp hoá xây dựng… Còn về cách thức quản lý, một số địa điểm do quá chú trọng yếu tố nghỉ dưỡng đã “quên” mất việc tổ chức các trải nghiệm nông nghiệp thực sự.

Đọc thêm