Bản quyền phát sóng AFF Suzuki Cup 2018: Phải chăng VTV đang cố tình “đánh tráo khái niệm” để hút quảng cáo?

(PLO) - Đang có một dấu tích buồn cho tình trạng “quay lưng” với luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, khiến Việt Nam ngày càng khó khăn hơn khi tiếp cận thương lượng các hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu lớn.
Bản quyền phát sóng AFF Suzuki Cup 2018: Phải chăng VTV đang cố tình “đánh tráo khái niệm” để hút quảng cáo?

Lập lờ đánh lận con đen !

Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 7/11/2018 có đăng bài “Truyền hình trả tiền phát sóng AFF Cup 2018: Coi chừng vi phạm bản quyền của Next Media” phản ánh càng gần đến ngày khai mạc AFF Cup 2018 thì câu chuyện về bản quyền càng nóng bỏng. Lý do là VTV và Next Media cùng tuyên bố sở hữu bản quyền trên nền tảng truyền hình trả tiền (PayTV).

Để tránh những tranh chấp, Lagardere Sports, đơn vị phân phối bản quyền giải đấu đã chính thức lên tiếng phân xử rằng: “Về giải đấu AFF Cup 2018, bất kỳ sự truyền dẫn và/hoặc phát sóng nào của Chương trình Phát sóng, trong Lãnh thổ, trên nền tảng Trả tiền phải được cấp phép bởi Next Media”.

Tuy nhiên cũng trong ngày 7/11/2018, Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình thuộc VTV lại có văn bản số 3143/TVAd.KDBQ gửi các đơn vị truyền hình trả tiền (PayTV) trong lãnh thổ Việt Nam cho rằng các hệ thống Truyền hình: VTVCab, SCTV, K+, FPT (dịch vụ FPTTV, FPT Play), VNPT (dịch vụ MyTV, MyTVNet, MobileTV), VIETTEL (dịch vụ ViettelTV, MobiTV), VEGA (dịch vụ ClipTV), AVG và VTC có quyền tiếp phát sóng giải AFF Cup 2018 trên kênh VTV (phát sóng trên kênh VTV5 và VTV6). 

Phản hồi lại văn bản nói trên, ngày 8/11/2018, Công ty Luật Đăng Bình, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần giải pháp truyền hình Thế Hệ Mới (Next Media) đã có Thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí khẳng định các hệ thống truyền hình nói trên cung cấp chương trình cho người xem trên cơ sở thuê bao hoặc chi trả cho mỗi lần xem nên đó chính là Truyền hình Trả tiền (PayTV) nên chịu sự điều tiết của Next Media khi truyền dẫn/phát sóng giải đấu AFF Suzuki Cup 2018.

Theo Công ty Luật Đăng Bình, quyền sở hữu trí tuệ của Next Media có được là do: Ngày 2/10/2018 Legardee Sports Asia Pte LTD (LSA) - chủ sở hữu bản quyền truyền thông của Giải đấu - đã xác nhận cấp quyền cho Next Media độc quyền và quyền phát sóng các trận đấu từ giải đấu AFF Suzuki Cup 2018, với ngôn ngữ cấp quyền là toàn bộ các ngôn ngữ địa phương Việt Nam, trên các Hạ tầng truyền dẫn vệ tinh; Cáp, IPTV, Phát thanh, Internet và mạng di động, với hình thức Trả tiền. Và mới đây, ngày 1/11/2018 Lagardere Sports đã có Thư Xác Nhận nêu rõ: “Về giải đấu AFF Cup 2018, bất kỳ sự truyền dẫn và/hoặc phát sóng nào của Chương trình Phát sóng, trong Lãnh thổ, trên nền tảng Trả tiền phải được cấp phép bởi Next Media”.

Thế nhưng với văn bản số 3143/TVAd.KDBQ nói trên,  VTV đang cố tình chơi trò “đánh tráo khái niệm” hòng thu hút doanh thu quảng cáo từ các agency, đại lý, khách hàng. Cụ thể là VTV gửi văn bản gây mập mờ giữa "nền tảng truyền dẫn" và "Phương tiện truyền dẫn”, “hệ thống truyền dẫn".

Theo tìm hiểu của phóng viên, VTV chỉ được Lagardere Sports cấp phép quyền sản xuất, khai thác, sử dụng độc quyền trên kênh truyền hình mặt đất miễn phí của VTV về giải AFF Cup 2018. VTV không độc quyền khai thác tư liệu để sản xuất chương trình bên lề và tin tức cũng như không được quyền cấp lại quyền cho đơn vị thứ ba. Như vậy chiếu theo bản quyền thì nền tảng truyền dẫn của VTV là nền tảng "Miễn phí". 

Giả sử các hệ thống truyền hình VTVCab, SCTV, K+, FPT (dịch vụ FPTTV, FPT Play), VNPT (dịch vụ MyTV, MyTVNet, MobileTV), VIETTEL (dịch vụ ViettelTV, MobiTV), VEGA (dịch vụ ClipTV), AVG, VTC cung cấp chương trình cho người xem trên cơ sở miễn phí thuê bao hoặc miễn phí chi trả cho mỗi lần xem mới được xem là "Miễn phí" và chịu sự điều tiết của VTV về bản quyền AFF Cup 2018.

Song trên thực tế, các hệ thống truyền hình nói trên đang cung cấp chương trình cho người xem trên cơ sở thuê bao hoặc chi trả cho mỗi lần xem nên phải được xem là "Truyền hình Trả tiền" và phải chịu sự điều tiết của Next Media nếu muốn tiếp phát sóng giải đấu AFF Cup 2018.

“VTV biết rõ các hệ thống truyền hình nói trên là Truyền hình Trả tiền nhưng nói rằng họ có quyền tiếp sóng giải đấu AFF Cup 2018 từ kênh VTV là đã xâm phạm nghiêm trọng đến bản quyền của Next Media”, LS Nguyễn Đăng Bình, Giám đốc Công ty Luật Đăng Bình nói.

Vi phạm bản quyền bóng đá, chế tài ra sao?

Theo hợp đồng cấp phép LSA cấp cho Next Media các quyền liên quan đến việc khai thác sử dụng “tín hiệu” mang nội dung các trận đấu trong khuôn khổ giải AFF Suzuki cup. Do đó, các hành vi vi phạm gói bản quyền mà Next Media đang sở hữu chính là các hành vi xâm phạm đến quyền liên quan đến quyền tác giả đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Theo quy định của Luật SHTT thì tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Về biện pháp dân sự: Điều 202 Luật SHTT có quy định các biện pháp dân sự có thể áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền như sau: 

Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

Buộc bồi thường thiệt hại;

Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không là ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Về biện pháp hành chính: thì tuỳ vào tính chất và hành vi mà có hình phạt tiền tương ứng và kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp như buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Về biện pháp hình sự: cũng tuỳ vào chủ thể và hành vi vi phạm các cấu thành tội phạm tương ứng mà có chế tại cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Đối với vụ việc vi phạm bản quyền AFF Cup 2018 đang nóng bỏng, tính chất nghiêm trọng của nó là không chỉ khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đối mặt với việc bị khởi kiện từ Next Media mà còn khiến các doanh nghiệp, khách hàng ký kết quảng cáo chịu thiệt hại. Hơn thế nữa, đây sẽ là một dấu tích buồn cho tình trạng “quay lưng” với luật sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ, khiến Việt Nam ngày càng khó khăn hơn khi tiếp cận thương lượng các hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu lớn./.

Đọc thêm