Bánh Trung thu đại hạ giá

Mấy ngày trước đêm rằm trung thu, nhiều cửa hàng bán đại hạ giá, xả hàng những chiếc bánh trung thu chưa bán hết. Trong sự hỗn loạn của thị trường bánh, nhiều người đã "nếm quả đắng" do mua phải hàng quá hạn.

[links()]Mấy ngày trước đêm rằm trung thu, nhiều cửa hàng bán đại hạ giá, xả hàng những chiếc bánh trung thu chưa bán hết. Trong sự hỗn loạn của thị trường bánh, nhiều người đã "nếm quả đắng" do mua phải hàng quá hạn.

Bánh trung thu được bán đại hạ giá trên vỉa hè
Bánh trung thu được bán đại hạ giá trên vỉa hè

Chờ đến… “ngày G”

Ngay từ ngày 5/8 (Âm lịch), trước trung thu 10 ngày, nhiều công ty đã tung ra các chiêu khuyến mại. Ít thì giảm 30% giá thành, nhiều thì mua một tặng một. Tâm lý của người dân ta là ham rẻ, thường đợi cho đến sát rằm mới mua.

Chị Hồng Thu ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Mua biếu thì mới mua sớm thôi, chứ để ăn thì tôi thường đợi đến lúc giảm giá. Thật ra, giá trị thật của chiếc bánh là rất ít. Người ta cứ thổi giá lên ấy chứ. Nếu để ăn mà mua theo giá ban đầu của họ thì “chát” lắm!”.

Cũng chờ khuyến mại mới đi mua bánh, anh Lê Văn Khánh ở khu tập thể Cánh Đồng Mơ (ngõ 624 Minh Khai) tâm sự: bánh trung thu về nghĩa là hướng đến đối tượng trẻ em, người lớn chỉ thuộc diện “ăn ké”. Nhưng trên thị trường có quá nhiều loại bánh đa dạng, đắt có, rẻ có, nhưng do thu nhập có hạn, nếu mua về cho mấy đứa con ăn thoải mái, thì đi đứt tháng lương.

“Đành chờ dịp khuyến mãi, mua một thể, chúng tôi không quá quan trọng bánh của hãng gì đâu. Chỉ cần rẻ là được”, anh Khánh nói thêm.

Chị Khuyên, một nhân viên bán bánh trên phố Bà Triệu cho biết, năm 2013 kinh tế suy giảm mạnh, việc bán bánh khó khăn, giảm số lượng đến 20% so với năm ngoái. Người đi mua cũng không sôi nổi, bởi thế, sự cạnh tranh trên thị trường là rất lớn, thành ra không ít cửa hàng phải tung chiêu khuyến mại ngay từ đầu vụ.

Những năm trước, sau ngày rằm, rất nhiều người bán bánh rong đi bán dạo, với giá chỉ còn vài ngàn đồng một chiếc, giảm 80% giá bán trong vụ. Đặc biệt, nhiều người mang đến bán cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Hỗn loạn hàng quá đát

Bánh trung thu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và chất bảo quản. Do sản xuất sớm, hàng không tiêu thụ nhanh, tồn đọng nhiều mà chủ cửa hàng, đại lý vẫn muốn bán cho bằng hết, nên khách mua phải hàng hết hạn sử dụng là chuyện thường. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã bắt được nhiều vụ làm nhân bánh nhập từ Trung Quốc; không ít diễn đàn chỉ ra đã mua phải bánh hết hạn sử dụng cũng như bị ngộ độc do ăn bánh.

Một chủ cửa hàng bánh trung thu tiết lộ: “Cửa hàng tôi nhiều năm qua chỉ bán đúng đến ngày rằm, không còn ai mua nữa thì công ty thu bánh ế về để làm các loại bánh khác chứ không giảm giá. Đây cũng được coi là đạo đức”.

Chị Thu Quyên, chủ đại lý bán bánh Trung thu ở Cầu Giấy cho rằng, khi lựa chọn các sản phẩm bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Đối với các sản phẩm bày bán trên vỉa hè, cần được để trong tủ quầy hoặc trong hộp, phải được che đậy. Bởi do lợi nhuận, rất nhiều công ty, tư nhân sản xuất bánh, tạo nên sự hỗn loạn về mẫu mã cũng như chất lượng bánh trên thị trường.

Năm nay các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm, mẫu bánh hết hạn sử dụng vẫn tung ra thị trường. Kết quả khảo sát chất lượng bánh trung thu năm 2013 tại Hà Nội vừa được Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) chỉ ra: 3/10 mẫu bánh (tại 5 cơ sở) có số nấm men mốc vượt từ 9-780 lần giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện một mẫu bánh có chứa khuẩn ecoli vượt giới hạn cho phép và 2/10 mẫu ghi thiếu nội dung trên nhãn mác.

Đó là những thông tin được công bố trước ngày rằm. Vậy thì, đã có biết bao nhiêu người mua phải bánh kém chất lượng, bánh chứa chất độc, nhất là những chiếc bánh còn tồn tại bán những ngày sau rằm? Các cơ quan chức năng đã làm gì để xử lý việc này và khả năng đánh giá hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người lâu dài cũng không được tính đến. Vậy thì, lượng hàng hậu trung thu, ai sẽ là người kiểm soát chất lượng?

Có lẽ, khi chờ đợi các cơ quan chức năng “cứu”, thì người tiêu dùng cần tỉnh táo để giúp mình trước. Cần phân biệt, lựa chọn kỹ các hãng bánh uy tín, không nên ham rẻ, ham hàng khuyến mãi, nhất là hàng để đến sau rằm, để rồi lĩnh nhận những hậu quả đáng tiếc.

Qua những sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng bánh, tuyên truyền tẩy chay hàng kém chất lượng, đồng thời xử phạt nghiêm những trường hợp bánh bán hết hạn sử dụng sau ngày rằm.

Đọc thêm