Bắt chước thiết kế có vi phạm tác quyền?

(PLVN) - Gần đây xuất hiện thông tin chuỗi nhượng quyền cà phê nổi tiếng và thành công nhất Việt Nam – Cộng Cà phê, bị Cà phê C. 1989  “nhái” ý tưởng thiết kế và bài trí trong quán gây nhầm lẫn cho khách hàng. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, cá nhân cần làm gì để bảo hộ ý tưởng?.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Ý tưởng chưa được xác lập quyền tác giả!

Về vấn đề này, cần nhìn nhận quyền đối với tài sản trí tuệ gồm có: quyền tác giả, quyền liên quan (đến quyền tác giả), quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. “Ý tưởng thiết kế” thoạt nghe có vẻ khá gần với câu chuyện quyền tác giả (ý tưởng) hoặc quyền sở hữu công nghiệp (thiết kế). Xét trên phương diện này,“ý tưởng” chỉ tồn tại dưới dạng suy nghĩ, tư duy, chỉ nằm trong đầu, tức là chưa được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định thì chưa được xác lập quyền tác giả (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ). 

Đối với quyền sở hữu công nghiệp, cách thiết kế bài trí trong quán Cộng cà phê không có tính mới, không phải giải pháp kỹ thuật, cũng chẳng là quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định nên không thể coi thiết kế bài trí là một sáng chế được. Mặt khác, thiết kế bài trí khó có khả năng áp dụng công nghiệp trong thực tế bởi vì chẳng có quán cà phê nào lại thiết kế cả trăm quán như một và cũng khó có mặt bằng giống hệt nhau để làm được việc này nên cũng chưa thể coi thiết kế bài trí là kiểu dáng công nghiệp.

Pháp luật Hoa Kỳ có một khái niệm về “nhận diện thương mại” (trade dress), là một thuật ngữ pháp lý thường nói đến các đặc điểm về hình thức trực quan của sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm biểu thị nguồn gốc của sản phẩm cho người tiêu dùng.  Liên quan đến thuật ngữ này, có một vụ kiện khá nổi tiếng giữa Công ty Two Pesos và Công ty Taco Cabana. 

Đây là một vụ kiện được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét, trong đó Tòa án cho rằng Two Pesos đã vi phạm nhãn hiệu của Taco Cabana đối với thiết kế nhà hàng của họ. Thẩm phán Byron White kết luận rằng “nhận diện thương mại” vốn đã đặc biệt theo Đạo luật Lanham và nguyên đơn (Công ty Two Pesos) không bắt buộc phải chứng minh ý nghĩa khác của nhận diện thương mại trong các vụ kiện để bảo vệ thương hiệu của họ. Tòa án quận cho rằng nhận diện thương mại có thể là một nhãn hiệu nếu nó vốn đã đặc biệt hoặc có một ý nghĩa khác. Bồi thẩm đoàn nhận thấy nhận diện thương mại của nguyên đơn là đặc biệt và nguyên đơn được bồi thường thiệt hại. 

Việc cần làm để được bảo hộ “ý tưởng thiết kế”

Việc bảo hộ cách thiết kế bài trí của cửa hàng trên thế giới không phải là hiếm. Thực ra để bảo hộ được ý tưởng thiết kế không khó. Người nghĩ ra ý tưởng thiết kế bài trí quán cà phê chỉ cần viết nó ra thành bản mô tả hoặc vẽ ra bằng bất kỳ phương tiện gì, hay nói cách khác là định hình nên ý tưởng đó trên giấy hoặc bằng phần mềm máy tính để có thể nhìn thấy, đọc được, chạm tới được... thì đều có thể được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. 

Hơn thế nữa, quyền sở hữu công nghiệp còn có một chế định về chống cạnh tranh không lành mạnh. Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh (khoản 3 Điều 6 Luật SHTT). 

Trong trường hợp này, có thể xác định quán cà phê C. 1989 đã có hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại như màu sắc, cách thiết kế bài trí trong quán, menu, phương thức phục vụ… gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng nên có thể được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại cho Cộng cà phê. 

Có thể kết luận rằng, C. 1989 không vi phạm quyền tác giả đối với “ý tưởng thiết kế”, bài trí cửa hàng của Cộng cà phê. Hành vi của C. 1989 chỉ có thể xác định là cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này hoàn toàn có thể xử lý được theo cả quy định trong pháp luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh tại Việt Nam. Tuy vậy, để có thể có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, Cộng Cà phê nên thực hiện việc đăng ký quyền tác giả với bản vẽ thiết kế hoặc bản mô tả thiết kế quán cà phê của mình. 

Đọc thêm