Bắt tay làm du lịch để vượt qua khó khăn đại dịch

(PLVN) - Trước những khó khăn dịch Covid-19 mang lại, liên kết du lịch đang là một trong những hoạt động trọng điểm được các địa phương chú trọng. Đây được xem là giải pháp quan trọng để tăng lượng khách nội địa, cùng nhau vượt khó. 
Bắt tay làm du lịch để vượt qua khó khăn đại dịch

Cùng hợp tác để trụ vững

Tại Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2020, Sở VH-TT&DL hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh tổ chức chương trình quảng bá du lịch mang tên “Kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình” tại Hà Nội.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Chương trình có sự góp mặt của hơn 200 doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Bến Tre và Trà Vinh là các tỉnh thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với Biển Đông. 

Tỉnh Bến Tre có thế mạnh là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, nổi bật là các điểm đến: Cồn Phụng, Cồn Quy, Cồn Phú Đa, vườn trái cây Cái Mơn - Chợ Lách, sân chim Vàm Hồ... Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh thế mạnh là du lịch cộng đồng, mà đặc trưng là du lịch văn hóa, trong đó có các điểm đến nổi tiếng: Chùa Hang, ao Bà Om, khu du lịch sinh thái rừng đước, cù lao Tân Quy...

Ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Chương trình quảng bá du lịch "Bến Tre – Trà Vinh, kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình” nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc khôi phục, tái khởi động các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sau dịch, trước mắt là kích cầu du lịch đối với thị trường khách du lịch nội địa, về lâu dài là thị trường khách du lịch quốc tế”.

Cũng nằm trong khuôn khổ của Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2020, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị “Hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020”.

Diễn đàn là hoạt động liên kết du lịch quy mô lớn giữa hai thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế) sẽ được tổ chức vào ngày 27 và 28-11 tại Hội An (Quảng Nam) với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa” nhằm tìm giải pháp để hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn còn diễn ra lễ ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế; thỏa thuận hợp tác giữa các hãng hàng không Việt Nam và hiệp hội du lịch 7 tỉnh, thành phố; các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch... 

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Sở đã tổ chức ký kết 9 chương trình hợp tác, phát triển du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sở đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch như: Chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, “Sắc màu Sơn La Tây Bắc”, “Ngày văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội”, “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”...

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và các hoạt động kích cầu du lịch khác.

Phát huy tour, tuyến đặc trưng địa phương

Mặc dù mang lại không ít hiệu quả trong phát triển du lịch, nhưng các đại biểu cũng nhìn nhận, việc hợp tác liên kết hiện nay chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, đôi khi còn nặng tính hình thức.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, sự hợp tác cũng chỉ mới tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến. Trong khi đó, những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực... vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn còn những khác biệt về lợi thế, cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều.

Các ý kiến đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả trong hợp tác, cùng phát triển như cần tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm đặc trưng, mang tính độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách, tránh xây dựng sản phẩm trùng lắp; hợp tác trên cơ sở tự nguyện, cạnh tranh lành mạnh không tự ý tăng giá vô tội vạ, giữ vững thương hiệu; hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá…

Nhiều ý kiến đề xuất Tổng Cục Du lịch tham mưu cho Bộ VH-TT&DL ban hành quy chế liên kết quốc gia; cơ chế về nguồn lực; cơ chế hỗ trợ kinh phí từ Trung ương; hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ 4.0…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để “lột xác” bằng việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống nhằm đón đầu xu hướng du lịch mới, đồng thời tích cực liên kết với các doanh nghiệp và các địa phương để tạo nên sức mạnh tập thể.

“Trong thời gian tới, để việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của mỗi địa phương; nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour mới, sản phẩm du lịch độc đáo kết nối giữa các địa phương trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch; tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch giữa các địa phương; phối hợp xây dựng các sản phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch trong vùng liên kết.
Tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, đảm bảo thực hiện nguyên tác phát triển bền vững” - Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương. 

Đọc thêm