Cần quản lý chặt mô hình du lịch nông trại nghỉ dưỡng

(PLVN) - Du lịch “farmstay” kết hợp giữa trải nghiệm nông trại và nghỉ dưỡng được nhiều người kỳ vọng phù hợp với xu hướng du lịch xanh hiện nay. Tuy nhiên, đây vẫn còn là mô hình tự phát, quản lý chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với chủ đầu tư cũng như du khách. 
Mô hình du lịch nông trại nghỉ dưỡng nở rộ gần đây.
Mô hình du lịch nông trại nghỉ dưỡng nở rộ gần đây.

Nở rộ farmstay

Với lợi thế là một nước nông nghiệp, Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng với các sản phẩm nông nghiệp, trải nghiệm nông thôn độc đáo khắp các vùng miền đất nước. Tuy nhiên các loại hình du lịch liên quan đến nông thôn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí lộ ra những biến tướng, bất cập. 

Loại hình farmstay, du lịch nông trại kết hợp với nghỉ dưỡng, đã thu hút được nhiều khách du lịch trong thời gian qua bởi nhiều đặc trưng vốn có. Đơn cử, du khách nghỉ dưỡng tại các nông trại vừa có thể tận hưởng không khí trong lành, cải thiện sức khoẻ, vừa có thể trực tiếp tham gia canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hay rau xanh cùng người nông dân.

Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến nấu ăn luôn cho bữa ăn hàng ngày. Đối với địa phương, thu hút khách du lịch góp phần tạo ra việc làm, hỗ trợ cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương. 

Mặc dù có những lợi thế như vậy, nhưng cần hiểu rõ mô hình farmstay ở Việt Nam trên thực tế thiên về nghỉ dưỡng hơn là trải nghiệm, đặc biệt đối với du khách nội địa. Trong khi đó, sản phẩm trải nghiệm hầu hết còn đơn sơ, tức là “có gì dùng nấy” chứ chưa kết nối được các lợi thế văn hoá địa phương cũng như chưa liên kết được chuỗi cung ứng chuỗi thực phẩm trên địa bàn. 

Chị Yoonsu, một du khách người Hàn hiện đang ở tại Hà Nội, chia sẻ: “Mới đây, tôi lựa chọn một nhà nghỉ nông trại trên Sapa để trải nghiệm chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm với con gái. Thật không may, thời tiết hôm đó không được đẹp, toàn sương mù nên mẹ con tôi không có việc gì để làm, ngoài ăn rất nhiều, chơi với những con vật nuôi như gà, lợn, chó, mèo. Chuyến đi không thực sự vô nghĩa, nhưng nó không như kỳ vọng của tôi”. 

Mô hình farmstay đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, bao gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Long An, TP.HCM…. Tuy nhiên, các sáng kiến, sáng tạo các sản phẩm đặc trưng vùng miền vẫn còn hạn chế. Quan trọng hơn, người nông dân cần được hướng dẫn, bổ trợ các kiến thức, kĩ năng làm du lịch, tránh kinh doanh chụp giật, làm mất hình ảnh du lịch của địa phương.

Những Farmstay có quy mô lớn hơn, được đầu tư bài bản lại chú trọng loại hình nghỉ dưỡng hơn trải nghiệm đồng quê. Nhiều người đánh giá, họ đang đến một khách sạn, khu nghỉ dưỡng mang phong cách thiết kế và ý tưởng chủ đạo là nông thôn chứ không hẳn là một nông trại đậm chất đồng quê như mọi người kì vọng.

Khác với nước ngoài, nhiều farmstay Việt Nam chú trọng nghỉ dưỡng hơn trải nghiệm đồng quê.
 Khác với nước ngoài, nhiều farmstay Việt Nam chú trọng nghỉ dưỡng hơn trải nghiệm đồng quê.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh mô hình farmstay cũng bộc lộ nhiều bất cập về lấn chiếm đất đai do chưa có khung pháp lý điều chỉnh, tiềm ẩn rủi ro cho các chủ đầu tư. Mô hình farmstay nếu không được hiểu đúng và quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến những hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp, lấn chiếm rừng trái phép.

Trước tình hình mô hình farmstay có những dấu hiệu biến tướng, Thủ tướng Chính phủ đã phải trực tiếp yêu cầu các Bộ VH-TT&DL, TN-MT, NN&PTNT, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.

Tránh phát triển theo phong trào

Bộ NN&PTNT và Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với các địa phương, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, định hướng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian tới, trở thành những “vùng quê đáng sống” với du khách và cư dân vùng khác. 

Mới đây, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định, để khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng thế mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn, các địa phương cần ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới, nhấn mạnh phát triển du lịch phải gắn với thị trường, gắn với năng lực cung ứng dịch vụ của điểm đến, tránh việc phát triển theo phong trào. 

“Làm du lịch còn quan trọng ở khâu quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ. Do đó, các địa phương cần giữ được bền vững các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường, cảnh quan; đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân, đặc biệt những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch tại nông thôn”, theo ông Chung

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, nhà nghiên cứu lâu năm về du lịch nông nghiệp cho rằng, cần có những mô hình làng du lịch văn hóa thông minh nhằm kết nối các thành tố trong hệ thống bằng công nghệ số với các mục tiêu về mặt quản trị lẫn quy hoạch.

Sáng kiến  này cần sự chung tay của tất cả các thành phần cộng đồng và chính quyền địa phương để nâng cao lợi thế vùng, cải thiện đời sống người nông dân Việt Nam. Trong đó, những farmstay đóng vai trò quan trọng bởi là một mô hình kết nối được nhiều dịch vụ du lịch, bao gồm lưu trú, ẩm thực, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. 

Nhiều ý kiến đánh giá, về toàn cảnh, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như của cả nước. Chưa kể, hệ thống pháp luật hiện hành chưa quy định chi tiết các tiêu chuẩn, quy chuẩn... của mô hình này. Các mô hình farmstay thường tự phát theo phong trào, còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Nếu vẫn quản lý lỏng lẻo, điều này có thể đe doạ đến sự phát triển bền vững của địa phương, khi người dân bỏ nghề truyền thống bao lâu nay chỉ để kinh doanh dịch vụ lưu trú. 

Đọc thêm