Cảnh báo: Coi chừng nhiễm độc từ màu vẽ Trung Quốc

(PLO) - Sự nguy hại từ các loại màu vẽ nước mà phần nhiều là hàng trôi nổi từ Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, cũng như với những người tiếp xúc.
Cảnh báo: Coi chừng nhiễm độc từ màu vẽ Trung Quốc

Mập mờ nguồn gốc, loạn giá cả

Màu vẽ nước được các em học sinh và phụ huynh khá ưa chuộng, là một loại đồ dùng học tập cũng như dụng cụ giải trí khá phổ biến ở Việt Nam. 

Tại một cửa hàng văn phòng phẩm trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) rất nhiều loại màu vẽ nước từ bình dân đến cao cấp được bày bán. Giá mỗi bộ (6 màu) dao động từ 35.000–150.000 đồng/ hộp hay vỉ, tùy loại. Bộ 12 màu có giá gần gấp đôi. Ngoài ra, còn có lọ màu vẽ đựng trong hũ nhựa khoảng 50ml, giá 20.000đồng/hũ. 

Ông chủ cửa hàng tư vấn: “Mua cho trẻ tập vẽ thì nên lấy loại 6 – 12 lọ nhỏ/ bộ, vừa rẻ, vừa nhiều màu, bé tha hồ vẽ, không sợ tốn”. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, người bán giới thiệu các loại màu vẽ này có xuất xứ từ Pháp, một số là hàng Việt Nam. Nhưng khi chọn một bộ màu bất kì, kiểm tra thấy trên bao bì lại in dòng chữ “Made in China”.


Tương tự tại các cửa hàng văn phòng phẩm lớn nhỏ khác trên đường Phạm Hùng, Duy Tân, đường Láng bán đủ các loại màu nước trong hộp, hũ, bao ni lông. Một số loại màu nước được chiết ra hũ và đựng trong bao ni lông đều không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm như nguồn gốc, thành phần, hướng dẫn sử dụng và giá của chúng. 

Qua tìm hiểu được biết, các loại màu nước không rõ nguồn gốc này thường được bán cho những điểm vẽ tranh, các điểm tô tượng vì giá rẻ, dễ sử dụng.

Nguy cơ tiềm ẩn.

Nhiều chuyên gia cho biết, một số phụ gia thường dùng trong màu nước như propylene glycol và các glycol ethers có khả năng gây dị ứng hoặc hen suyễn. 

Các bột màu sử dụng trong màu nước có nguồn gốc hữu cơ hoặc vô cơ. Thành phần bột màu vô cơ có nguồn gốc là các oxide hoặc muối kim loại, được sử dụng chủ yếu cho sơn nói chung và màu nước nói riêng. Đây là thành phần gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì có thể chứa các kim loại độc hại như chì gây nhiễm độc chì. 

Ví dụ, màu trắng có thể được tạo ra từ chì carbonate. Nhiễm độc chì có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, tổn thương thần kinh (và tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản. Màu vàng có thể được tạo ra từ các oxide hoặc muối kim loại chứa cadmium, chromate có thể gây dị ứng, loét da hoặc ung thư ở một số cơ quan nội tạng. Bột màu hữu cơ thường có nguồn gốc đa dạng và chứa các tạp chất thơm có thể gây ung thư.


Việc nhiễm các chất độc từ màu nước có thể dễ dàng xảy ra khi trẻ dùng tay có dính màu nước cầm thức ăn, đồ chơi... Lúc này, các thành phần độc hại có trong màu nước có cơ hội vào cơ thể qua đường miệng.

Một nguy cơ khác, dù rất hiếm, khiến các em bị ngộ độc các thành phần có trong màu sơn là do hít phải bột màu (một số màu nước được tạo ra bằng cách pha bột màu trong nước). Khi đó, ngoài việc có thể bị nhiễm độc, các em còn có nguy cơ bị các bệnh ở phổi và đường hô hấp.

Một số sản phẩm màu vẽ bằng tay do Trung Quốc sản xuất hiện đã có mặt trong danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Liên minh châu Âu. 

Trong khi cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới liên tục thu hồi đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập bị phát hiện nhiễm chì cao và cảnh báo nguy cơ gây hại cho trẻ khi tiếp xúc, thì ở Việt Nam chưa có nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát, đưa ra cảnh báo về nhóm hàng này. Do vậy, có lẽ các bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan để con em mình tiếp xúc với “tử thần” mỗi ngày không hay.

Đọc thêm