Cảnh giác chiêu trò lừa đảo, tặng Iphone 11 pro max 'siêu rẻ'

(PLVN) - Với những chiêu thức ngày càng tinh vi, nắm bắt được tâm lý đại đa số khách hàng, các đối tượng lừa đảo thực hiện “trót lọt” nhiều phi vụ với số tiền từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

“Bẫy” không chừa một ai

Những chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay sử dụng những thủ đoạn không mới nhưng cũng khiến nhiều người “sập bẫy. Nạn nhân đa phần là những người nông dân hạn chế về kiến thức và kỹ năng sống. Hiện nay, nhiều nạn nhân lại là thầy, cô giáo, công chức, viên chức nhà nước.

Phản ánh đến PLVN, ông H.M.A.V (công tác tại TP Cần Thơ) cho biết, bọn chúng cho một cô gái với giọng điệu ngọt ngào gọi đến và tự xưng là ở Trung tâm tổ chức sự kiện Apple Việt Nam thông báo khách hàng đã may mắn trúng Iphone 11 Pro Max 64GB – 2020 có giá gần 27 triệu đồng. Để nhận được giải thưởng khách hàng chỉ cần chịu thuế tương đương 10% giá trị sản phẩm.

Khi nghe đến đây, ông V nói sẽ bàn bạc lại với gia đình và thông báo đến công ty trong thời gian sớm nhất. Nhưng chỉ sau 2 ngày, khi ông và gia đình vẫn chưa quyết định thì lại tiếp tục nhận được cuộc gọi điện thoại nhắc nhở về phần quà.

Lần gọi thứ hai đến từ số máy 0782.478.101 với giọng của một người nam: “Em chào anh V, lần trước trung tâm của em có gọi điện thoại thông báo anh đã trúng một chiếc Iphone 11 Pro Max 64GB – 2020 có giá trên thị trường 26.990.000 không biết sao đến hôm nay mình chưa nhận vậy anh? Hiện tại công ty em đã hoàn thành giao xong 2 máy, anh và gia đình tranh thủ để nhận quà nha anh. Nếu vượt quá thời gian quy định thì công ty em sẽ hủy bỏ phần thưởng và dành cho một khách hàng may mắn khác”. Đánh trúng tâm lý khách hàng về món quà “béo bở” cộng thêm sự nhẹ dạ cả tin nên ông V đã chấp nhận, nhưng vẫn còn hoài nghi và lo sợ nên yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi nhận.

Chiếc điện thoại Iphone “dỏm” dưới hình thức quà tặng được gửi đến khách hàng với giá 2.690.000.

Chiếc điện thoại Iphone “dỏm” dưới hình thức quà tặng được gửi đến khách hàng với giá 2.690.000.

Không để mất lòng tin nơi khách hàng, các đối tượng đảm bảo 100% về giá trị quà tặng và hướng dẫn khách đến một “cái bẫy” mới. Sau đó, một người gọi điện thoại tự nhận là nhân viên bưu điện thông báo là đã kiểm tra hàng là một chiếc điện thoại Iphone 11 Pro Max 64GB – 2020 đầy đủ phụ kiện đã được đóng gói cẩn thận và chuyển đến bưu điện TP Cần Thơ.

Người nhân viên này còn dặn dò khi đi anh nhớ mang theo số tiền 2.690.000 và giấy chứng minh để đóng tiền và nhận hàng. Đúng hẹn, ông V mang tiền ra bưu điện TP để nhận “quà”, nhưng khi mang về và mở ra kiểm tra thì mới phát hiện bị lừa.

Tìm kiếm “vận may ảo”

Bên cạnh những chiêu thức cũ, để lấy lòng tin nơi khách hàng bọn chúng “dịnh” vào các chương trình xổ số trúng thưởng của các công ty lớn có uy tín trên thị trường và được phát sóng trên các nhà đài lớn.

Bà L.T.G (ngụ Cà Mau) cũng là một trường hợp điển hình bị lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Khoảng hơn 1 tháng trước, bà nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên của một công ty xe máy thông báo nhận được một phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng áp dụng mua sắm tại các cửa hàng xe gắn máy Honda trên toàn quốc và 1 chiếc xe Vision đời 2020 màu trắng.

Không để khách hàng kịp thời nghi ngờ, bọn chúng tiếp lời: “Vì đây là phần quà có giá trị nên khách hàng sẽ phải đóng thuế 10% để được một số seri, khi nhân viên giao đến nhà, quý khách chỉ cần đọc đúng và trao số seri lại cho nhân viên là sẽ nhận được quà ngay”.

"Bán tín bán nghi" về câu chyện quà tặng nhưng lại mất số tiền trên 3 triệu đồng, bà nói sẽ suy nghĩ và liên hệ lại. Không để khách hàng có quá nhiều thời gian, khoảng 1 – 2 ngày sau, bọn chúng gọi điện thoại và lần này huớng dẫn bà xem chương trình quay số trúng thưởng đã diễn ra và đã có khách hàng nhận thưởng, đây hoàn toàn là người thật việc thật.

Khi tận mắt chứng kiến bà càng tin tưởng về phần quà và những lời giới thiệu “có cánh”. Tiếp tục sau đó, khi nhận được nhiều cuộc gọi hối thúc vì chương trình sắp kết thúc, bà đã vay mượn tiền người thân để ra bưu điện nhận số seri và phiếu mua hàng. Nhưng rất lâu sau đó, quà thì chẳng thấy đâu, tiền thì không cánh mà bay, số điện thoại thì thuê bao, đợi chờ trong mòn mỏi, đến đây bà mới nhận ra là mình bị lừa.

Điểm chung của các nạn nhân là ban đầu đều có ý thức cảnh giác với các chiêu lừa đảo đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội, kênh thông tin đại chúng. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo đã giăng ra “cái bẫy” hết sức chỉnh chu, vừa hợp tình lại vừa hợp lý khiến người dân “tự nguyện” rơi vào tròng.

Đa phần các nạn nhân khi vướng vào bẫy đều chọn cách im lặng vì nghĩ rằng số tiền không quá lớn và rất khó để tìm ra dấu vết của bọn chúng. Cũng có một số nạn nhân vì xấu hổ với bản thân, gia đình và mọi người xung quanh nên đã chọn cách giữ cho riêng mình.

Để ngăn chặn những hành vi đó, thì mỗi người dân phải được trang bị đầy đủ những kiến thức và trở thành những tuyên truyền viên ngay trong gia đình và khu vực mình sinh sống.

Đọc thêm