Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả: Sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định còn “sơ hở”

(PLO) - Hôm qua (31/1), Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) đã họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. 
Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng không rõ nguồn gốc (Ảnh minh họa)
Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng không rõ nguồn gốc (Ảnh minh họa)

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia, năm 2017 bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ TW đến cơ sở đã được các bộ, ngành quan tâm, thực hiện, từng bước vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh – chính trị, kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân, các cấp, ngành ghi nhận đánh giá cao.

Theo thống kê năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN đạt hơn 23.000 tỷ (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với năm 2016), 2.118 đối tượng (tăng 13,69 % so với năm 2016).

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn thì những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp từ biên giới vào nội địa cả về quy mô, tính chất. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,...

Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành chức năng có lúc có nơi còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Việc xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chức năng nơi để xảy ra vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại chưa được thực hiện triệt để. Các đối tượng hoạt động phạm tội thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng là người nước ngoài nên việc xác minh còn khó khăn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, khó khăn cho công tác xử lý…

Năm 2018, BCĐ 389 Quốc gia xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của BCĐ 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó tập trung vào: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và Quyết định 05/QĐ-BCĐ của BCĐ 389 Quốc gia ngày 23 tháng 9 năm 2015; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Các kế hoạch chuyên đề; Quyết định số 1219/QĐ-BCĐ389 ngày 05/12/2017 của BCĐ 389 Quốc gia thực hiện Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 04 tháng 01 năm 2018 về chế độ thông tin, báo cáo trực tuyến của BCĐ 389 Quốc gia.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản qui phạm pháp luật  không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là các sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

Các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Từ Quốc Lệ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng (Bộ Quốc phòng) và Trung tá Trần Viết Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng đã thông tin thêm về kết quả trong năm 2017, nhiệm vụ năm 2018 và cùng trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến các vụ việc cụ thể.

Đọc thêm