Cơ hội từ xu hướng du lịch có trách nhiệm

(PLVN) - Khi du lịch có trách nhiệm đang trở thành xu hướng chung của thể giới, mục tiêu của ngành cũng đang chuyển dịch dần dần từ khách du lịch truyền thống sang khách du lịch có trách nhiệm - những người muốn tham gia đóng góp vào xây dựng hệ sinh thái ở điểm đến. Liệu, mở rộng đối tượng khách hàng này cho nền du lịch Việt có thể tạo ra những bước đột phá hay không?
Du khách tham gia trò chơi vận động cùng các em học sinh điểm trường Tùng Pàng – Hà Giang.
Du khách tham gia trò chơi vận động cùng các em học sinh điểm trường Tùng Pàng – Hà Giang.

Du lịch với mục đích khoa học, học thuật, thiện nguyện, giáo dục là những xu hướng đã có mặt trên thế giới từ lâu, viết tắt là SAVE tourism. Ở nhiều nước thuộc châu Phi như Ma-rốc, Nigeria, Somalia… loại hình du lịch này đang thu hút rất nhiều khách. Nhưng loại hình này vẫn còn mới lạ ở Việt Nam.

SAVE tourism thú vị ở chỗ, khách du lịch là giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên hay bất kỳ ai miễn là họ có nhu cầu tìm hiểu, đóng góp công sức, tiền bạc và trí tuệ của mình cho cộng đồng tại các điểm đến. 

Cụ thể, khách du lịch khoa học kỹ thuật là cá nhân hoặc nhóm du lịch có mục đích nghiên cứu cuộc sống của cộng đồng địa phương; thu nhận, tập hợp, lưu giữ thông tin về tài nguyên tự nhiên... Họ là các nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực nhân chủng học, xã hội học, khảo cổ học, sinh thái học, tự nhiên học, địa chất học.

Trong quá trình đi thực tế và cư trú tại địa phương trong một thời gian nhất định, họ sẽ khảo sát và viết các bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu, sách chuyên ngành để công bố trên cộng đồng khoa học thế giới. 

Mặt khác, khách du lịch giáo dục là những cá nhân, nhóm tham gia các khoá học ngôn ngữ, khoá học kỹ năng, chương trình giao thoa văn hoá… vừa giúp cải thiện bản thân họ vừa tăng thêm tương tác với người bản xứ và trải nghiệm văn hoá bản địa.

Khách du lịch học thuật tìm kiếm, tham gia vào các hoạt động hướng dẫn giáo dục, hướng nghiệp, để nâng cao trình độ, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng của cộng đồng tại điểm đến.

Còn khách du lịch tình nguyện tham gia vào chuyến đi kết hợp du lịch sinh thái – cộng đồng tại các vùng sâu vùng xa, nơi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cuộc sống người dân còn nghèo khó; để vừa tận hưởng dịch vụ giải trí, mua sắm vừa giúp đỡ người dân tại điểm đến hoàn thiện dịch vụ của mình. 

Tại Việt Nam, có thể thấy một số mô hình sơ khai đáp ứng dòng khách du lịch này, trong đó du lịch tình nguyện đang ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam. Đơn cử, Volunteer for Education Organization (V.E.O) là một trong những tổ chức đầu tiên, từ năm 2013, đã cung cấp các dự án, mô hình du lịch tình nguyện cho các tình nguyện viên trong nước và quốc tế, nhằm chung tay giúp đỡ những đối tượng khó khăn thông qua các chương trình giáo dục.

Đến nay, mô hình du lịch thiện nguyện của tổ chức này đã phát triển tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên…

Du lịch tình nguyện khác với chương trình sinh viên tình nguyện. Người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định (từ 400.000 đến 800.000 đồng/ngày-đêm, đã bao gồm phí đi lại, ăn, ở, tham gia các trải nghiệm văn hóa địa phương), nhưng cũng có khi hoàn toàn miễn phí.

Các tình nguyện viên du lịch tham gia các hoạt động giúp đỡ người dân như dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, khoa học vui…; hoặc giúp dân bản tu sửa nhà cửa, đường xá để thuận tiện trong việc mở homestay đón khách du lịch đến trải nghiệm, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm địa phương như nhuộm vải, nấu ăn, làm bánh chưng đen, nấu rượu…

Hình thức du lịch này thường gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng. Mô hình này cũng thu hút các tình nguyện viên quốc tế bởi mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Thông qua các chuyến đi, họ được trải nghiệm văn hoá địa phương, được học những kỹ năng mới cho cuộc sống và phát triển bản thân, đồng thời đóng góp phần nào cho hệ sinh thái tại điểm đến. 

Theo TS. Nguyễn Đức Thắng – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “SAVE tourism vẫn còn mới lạ ở Việt Nam nhưng là một nền tảng du lịch tiềm năng, tạo nên một hệ sinh thái bền vững, vừa giải quyết được bài toán du lịch, tăng thu nhập và việc làm cho người dân; vừa giữ gìn được môi trường, văn hoá bản địa; thậm chí góp phần cải thiện nền du lịch nước nhà”.

Đọc thêm