Cơ quan chức năng không thể “ém” thông tin xử phạt

(PLO) - Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc quan tâm đề nghị làm rõ những vấn đề bất cập trong quản lý kinh doanh đa cấp thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân đề cập một khía cạnh nổi cộm: Hành lang quản lý và trách nhiệm của các cơ quan chức năng…
Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh dự cuộc động thổ một công ty đa cấp. Ảnh: AN VIÊN
Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh dự cuộc động thổ một công ty đa cấp. Ảnh: AN VIÊN

Xử phạt nhiều nhưng không công bố

Tại vụ việc liên quan đến Công ty Liên kết Việt gây bức xúc dư luận thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, cơ quan quản lý đã giám sát, kiểm tra chặt chẽ, phát hiện nhiều sai phạm và xử lý kịp thời. Cụ thể, ngày 15-7-2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội kiểm tra Công ty Liên kết Việt và đã phát hiện một số dấu hiệu sai phạm. Ngày 20-11-2015, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Bộ Công Thương không phát đi thông tin cảnh báo ngay tại thời điểm phát hiện sai phạm mà để công ty này tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng? Trả lời Đài Truyền hình Việt Nam, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) bị “đứng hình”, chỉ “cười trừ”.

Chưa bàn đến việc đưa thông tin cảnh báo, ngay cả việc thông tin về kết quả xử phạt hành chính, đã có hàng chục vụ việc xử phạt nhưng ngành công thương lại giấu kín. Báo Quân đội nhân dân xin được dẫn chứng một số vụ việc tiêu biểu:

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hà Nội, tính đến ngày 9-3-2016, sở đã cấp văn bản xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp cho 54 công ty. Riêng trong năm 2015, sở đã kiểm tra và xử phạt tới 13/54 công ty, tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 1,1 tỷ đồng nhưng thông tin kết quả cả 13 cuộc kiểm tra này đều bị giấu kín, không hề được nêu trên báo chí. Trong đó, có tới hai công ty Báo Quân đội nhân dân ghi nhận ý kiến bạn đọc đã đăng bài, sau đó gửi công văn và liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý cạnh tranh, đề nghị kiểm tra, làm rõ và trả lời bằng văn bản nhưng đều không được trả lời. Cũng trong số 13 công ty vi phạm, có Công ty CP Nhượng quyền Thương mại Quốc tế G10 trong tháng 5-2015 bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc kinh doanh đa cấp trái pháp luật khi chưa được cấp phép, và đã bị xử phạt 80 triệu đồng vào ngày 16-5-2015. Thế nhưng, mặc cho công luận lên tiếng, kết quả xử phạt vẫn bị chìm trong im lặng và công ty này vẫn được Cục Quản lý cạnh tranh cấp phép kinh doanh đa cấp. Ngày 14-6-2015, Công ty G10 tổ chức buổi ra mắt các sản phẩm, ông Bạch Văn Mừng đã tới dự buổi lễ ra mắt, chúc mừng công ty này khiến dư luận đặt câu hỏi, nghi ngờ.

Tương tự, một chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy sai phạm, lừa dối khách hàng, đã bị Sở Công Thương tỉnh Thái Bình xử phạt hành chính 70 triệu đồng vào năm 2015, thông tin cũng hoàn toàn bị giấu kín. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Phạm Thị Huy, Phó giám đốc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã thừa nhận thông tin sai phạm và cho biết từng về Thái Bình làm việc với cơ quan chức năng. Thế nhưng, do sai phạm không được cảnh báo, nên công ty này vẫn tiếp tục lôi kéo nhiều nông dân nghèo ở tỉnh Thái Bình sa vào vòng xoáy đa cấp, không ít người rơi vào cảnh nợ nần (chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác).

Báo cáo của Sở Công Thương TP Hà Nội nêu 13 công ty bị xử phạt nhưng không công bố.

Báo cáo của Sở Công Thương TP Hà Nội nêu 13 công ty bị xử phạt nhưng không công bố.  

Ngày 8-3-2016, Bộ Công Thương trong một báo cáo tổng hợp về tình hình kinh doanh đa cấp nêu: “Theo báo cáo của các sở công thương, tính đến cuối năm 2015, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đã có 13 sở công thương tiến hành xử lý vi phạm hoạt động của các doanh nghiệp đa cấp với tổng số tiền phạt lên tới gần 3 tỷ đồng”. Song tiếc rằng, thông tin cụ thể về các vụ xử phạt đều không được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin về số lượng và kết quả các cuộc kiểm tra, xử phạt của Cục Quản lý cạnh tranh từ năm 2014 (khi Nghị định 42 có hiệu lực) đến nay cũng hầu như không được công bố.

Công bố thông tin, trách nhiệm thuộc về ai?

Lý giải việc không công bố thông tin cảnh báo sai phạm của Công ty Liên kết Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trần tình, theo quy định tại Điều 71, Điều 72 Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh và Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì quyết định xử phạt công ty này không thuộc các trường hợp buộc phải công bố công khai. Mặt khác, chỉ cơ quan công an mới có đủ năng lực, thẩm quyền điều tra, xác minh hành vi lừa đảo nên Bộ Công Thương chưa thể đưa ra các cảnh báo mà chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính.

Câu trả lời trên nghe thì có vẻ “hợp lý” nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Theo Điều 47, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bộ phận trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh giúp cục trưởng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 23 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: “Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trường hợp vụ việc vi phạm liên quan từ hai huyện trở lên thì Sở Công Thương có trách nhiệm công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm. Trường hợp vụ việc liên quan đến từ hai tỉnh trở lên, Bộ Công thương có trách nhiệm công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm. Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung công bố công khai gồm: Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm; Hành vi, địa bàn vi phạm; Cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm. Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là ba mươi (30) ngày kể từ ngày công bố”.

Đối chiếu vào các quy định trên, có thể thấy ngay lập luận của lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh về việc không công bố thông tin sai phạm của các công ty đa cấp chỉ là sự ngụy biện, né tránh trách nhiệm. Trên thực tế, các vụ việc sai phạm liên quan đến các công ty đa cấp như: Liên kết Việt, Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Minh Tiêu Dùng… không chỉ xảy ra trên địa bàn nhiều huyện mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Vậy mà suốt nhiều năm qua, Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh và các sở công thương hầu như không công bố công khai các doanh nghiệp vi phạm thì chẳng những không đúng quy định của pháp luật mà còn góp phần tiếp tay cho “bạch tuộc” đa cấp biến tướng vươn xa, lộng hành. Mong rằng, bất cập này sớm được ngành công thương rút kinh nghiệm, kịp thời thông tin nhanh chóng, chính xác kết quả kiểm tra 7 công ty đa cấp đang được thực hiện hiện nay.

Đọc thêm