Cộng Cà Phê có thể bị phạt 40 triệu đồng nếu dùng vỉa hè làm ‘của riêng’?

(PLO) - Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin hàng loạt chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Cộng cà phê đã ngang nhiên, bất chấp quy định của TP Hà Nội, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, để xe cho khách, treo các bóng đèn tự chế trên cây cối gây mất mỹ quan đô thị.
Cộng Cà Phê có thể bị phạt 40 triệu đồng nếu dùng vỉa hè làm ‘của riêng’?

Ghi nhận của nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam trong các ngày 27, 28/3 nhiều cơ sở Cộng Cà Phê vẫn ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe, làm nơi kinh doanh phục vụ khách hàng, thể hiện thái độ coi thường quy định của pháp luật.


Để rộng đường dư luận, báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng phòng luật sư Danh Chính, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này.

Luật sư Cường cho biết: "Về chủ trương làm sạch đô thị, lập lại trật tự đô thị, lòng đường, dành lại vỉa hè cho người đi bộ của UBND TP Hà Nội, Luật sư Chu Mạnh Cường cho rằng, về cơ bản đã đạt được thành quả. Đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, và đã nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân."

"Tuy nhiên, khi do tính đặc thù của Hà Nội, cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là những người nghèo phụ thuộc nhiều vào vỉa hè, nhiều gia đình diện tích sinh hoạt chật hẹp … nên cùng với việc thực hiện chủ trương lập lại trật tự đô thị, làm sạch vỉa hè, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn." - Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó tạo điều kiện cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân, có như vậy thì mới giải quyết được tận gốc của vấn đề, tránh tình trạng tái lấn chiếm sau này.

Để thực hiện chủ trương này về lâu dài, cần sự ra quân đồng bộ, thống nhất, cương quyết của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” như đã từng xảy ra trước đây.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính
Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính

Theo Luật sư Cường, pháp luật quy định những trường hợp ngang nhiên sử dụng diện tích vỉa hè, lòng đường cũng như các không gian công cộng để phục vụ cho lợi ích riêng của tập thể, cá nhân sẽ bị xử lý theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

“Điều 12 quy định về các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, theo đó tuỳ tính chất, mức độ, và hành vi vi phạm cụ thể, mức phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm có thể từ 100.000 đồng đến 40.000.000 đồng”, Luật sư Chu Mạnh Cường cho biết.

“Theo quy định tại điều 36 Luật giao thông đường bộ quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 35 của luật này. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Căn cứ quy định của pháp luật, trong trường hợp cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có thể làm đơn đến UBND cấp có thẩm quyền để được xem xét, phê duyệt”, Luật sư Chu Mạnh Cường giải thích về những thủ tục, quy trình nếu muốn buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Hiện nay, có hàng loạt các cửa hàng, hộ kinh doanh vẫn bất chấp tuân thủ cũng như chỉ thị của chủ tịch Thành phố đã đề ra. Đặc biệt trong đó có chuỗi cửa hàng Cộng Cà Phê đã sử dụng trái phép vỉa hè làm nơi kinh doanh. Quan điểm của luật sư về việc này như thế nào?

Luật sư Cường cho biết thêm: "Theo Điểm a, khoản 2 điều 35 Luật giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành vi “họp chợ, mua bán trên đường bộ”. Vỉa hè là một phần của kết cấu đường bộ, dành cho người đi bộ, do đó có thể thấy hành vi lấn chiếm, sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, mua bán là trái pháp luật, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông."

Chủ trương lập lại trật tự đô  thị, dành lại vỉa hè cho người đi bộ là một chủ trương đúng đắn, và cần thiết, được sự đồng tình của đại bộ phận nhân dân. 

Đối với các trường  hợp cố tình không tuân theo quy định, các cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Như vậy, theo các thông tin nói trên, việc chuỗi cửa hàng có tiếng Cộng cà phê bất chấp quy định của TP Hà Nội để lần chiếm vỉa hè làm “của riêng” là hoàn toàn sai quy định. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này.

Báo PLVN tiếp tục cập nhật thông tin./.

Trước đó, ngày 23/3, phóng viên báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Công ty TNHH Cộng cà phê. Trả lời về vấn đề này, đại diện của công ty Cộng cà phê cho biết: “Về chủ trương dẹp vỉa hè của Chủ tịch TP, chúng tôi rất tiếc là hôm đó phóng viên lại ghi nhận được những hình ảnh như vậy. “Chắc là” chúng tôi đang trong quá trình đưa chủ trương này xuống các cửa hàng”.

“10/3 mới ra quân toàn thành phố, các cửa hàng cũng mất vài ngày để kịp bố trí và thu xếp. Bên Cộng cà phê cũng rất tuân thủ, điển hình như tại Hoàng Cầu vỉa hè rất thênh thang và không để gì cả. Cộng cà phê cũng có văn bản chỉ đạo xuống để nhắc nhở khi có sự việc trên” – đại diện chuỗi cửa hàng này khẳng định.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, đến ngày 27, 28/3 nhiều cơ sở Cộng Cà Phê vẫn ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe, làm nơi kinh doanh phục vụ khách hàng.

Đọc thêm