Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Cần phải có “bàn tay sạch”

(PLO) - Phát biểu tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống buôn lậu - giải pháp trong những tháng cuối năm” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều qua (14/11), Đại tá Nguyễn Xuân Bắc - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, một trong những đòi hỏi trong công tác phòng chống buôn lậu là phải có “bàn tay sạch”.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm
Các đại biểu tham gia Tọa đàm

Đồng quan điểm này, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cũng cho rằng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới phải tập trung kiểm tra đánh giá để đảm bảo “trên chỉ đạo, dưới phải hành động”; ngoài việc khen thưởng thì cũng phải kịp thời xử lý nghiêm cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc đồng lõa, bao che, tiếp tay cho buôn lậu

Buôn lậu vẫn phức tạp

Các đại biểu tham gia tọa đàm đều thống nhất cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn biến phức tạp. Thông tin cụ thể hơn, ông Đàm Thanh Thế cho biết, năm 2016 cho thấy tình hình buôn lậu cả trên tuyến đường bộ, đường biển, đường không… rất phức tạp. Ví dụ như ở buôn lậu biên giới phía Bắc thì có ma túy, đồ điện tử… Phía Tây Nam thì có thuốc lá, đường… Buôn lậu đường hàng không thì có các sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, ma túy, vũ khí… Buôn lậu đường biển thì đặc biệt có xăng dầu…

Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện 172.000 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại (tăng 2% số vụ việc so với năm 2015), truy thu tiền nộp ngân sách nhà nước khoảng 13.000 tỷ đồng.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng nhận định, tình hình buôn lậu vẫn rất phức tạp, trong đó có buôn lậu thuốc lá. Theo ước tính thì mỗi năm có khoảng 10.000 bao thuốc lá chuyển lậu vào Việt Nam. Lực lượng công an được huy động để phát hiện đấu tranh với buôn lậu thuốc lá, mỗi năm bắt giữ được khoảng 4000 vụ với khoảng 9 triệu bao thuốc lá.

Đánh giá về thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, Trung tướng Đồng Đại Lộc cho biết, thủ đoạn tương đối phổ biến là tiến hành tập kết hàng ở ngoại biên, sau đó lợi dụng đường nhỏ, sông ngòi để vận chuyển hàng qua biên giới rồi đưa sâu vào nội địa. Thực tế đã có nhiều vụ việc, các đối tượng chuẩn bị vũ khí, công cụ để sẵn sàng chống trả, uy hiếp lực lượng chức năng để cướp lại hàng hóa và có cán bộ đã phải hy sinh. Việc buôn lậu hiện đã hình thành các đường dây móc nối từ nước ngoài vào Việt Nam và có khả năng còn có móc nối với một số người trong lực lượng chức năng.

Vỏ quýt dày, liệu móng tay đã nhọn?

Phản bác ý kiến cho rằng “vỏ quýt dày nhưng móng tay chưa nhọn”, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho rằng, trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu hiện nay có các lực lượng như Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hải quan, Quản lý thị trường (QLTT), Thuế…Vì vậy, dù các đối tượng có dùng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì vẫn bị đánh bại bởi các lực lượng mạnh mẽ này. Tuy vừa qua đã có đồng chí cán bộ QLTT hy sinh nhưng với sự quyết liệt của các lực lượng thì công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn sẽ thu được kết quả lớn.

Thông tin về một số vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả bị phát hiện gần đây như vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả của Cty Slim, vụ buôn lậu 2,7 tấn ngà voi… ông Đàm Thanh Thế đánh giá cao sự phối hợp giữa của các lực lượng trong công tác phòng chống buôn lậu, nhất là những vụ có tính chất liên tỉnh, liên tuyến.

Tuy nhiên, ông Thế cũng thẳng thắn nhìn nhận, vụ việc một cán bộ quản lý thị trường bị hy sinh ở Long An vừa qua cho thấy việc nắm tình hình chưa tốt, phối hợp còn bị động, không nhận định được khả năng chống đối quyết liệt của một lực lượng đông. Việc phân định trách nhiệm, địa bàn thì Chính phủ đã có quy định rõ nhưng tới đây Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có quy chế nhằm hướng dẫn công tác phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có việc đề cao công tác nắm tình hình và trao đổi lẫn nhau. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, nếu Hải quan, QLTT thấy lực lượng chưa đủ thì cần phối hợp với BĐBP, Công an

Thông tin về công tác phòng chống buôn lậu trong lực lượng BĐBP, Đại tá Nguyễn Xuân Bắc cho biết, thời gian qua, BĐBP đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó có công tác tuần tra bảo vệ biên giới, tập trung ở những khu vực trọng điểm; tăng cường hoạt động nghiệp vụ phát hiện chủ đầu lậu. Ngoài việc phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an, lực lượng BĐBP còn thường xuyên phối hợp, tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương để tuyên truyền cho nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu…

Xử lý nghiêm hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu

Cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ rất phức tạp, ông Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng BCĐ 389 quốc gia đã tham mưu BCĐ thành lập đoàn công tác liên ngành đi khảo sát toàn tuyến biên giới để xác định các vấn đề nổi cộm, các sơ hở, thiếu sót cần quan tâm để xây dựng kế hoạch đấu tranh, đề xuất giải pháp chống buôn lậu một cách có hiệu quả nhất, trong đó cần tập trung vào các loại hàng như pháo, ma tuý, vũ khí, công cụ hỗ trợ…Tuy nhiên, vấn đề chính là phải kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện để đảm bảo “trên chỉ đạo, dưới phải hành động”.

Lãnh đạo phải trên cơ sở thực tế tình hình, phải mắt thấy, tai nghe, tay sờ mới chỉ đạo được. Ngoài việc tổ chức triển khai thì phải tập trung kiểm tra đánh giá khen thưởng cũng như phê bình, xử lý nghiêm cá nhân thiếu trách nhiệm, đồng lõa bao che hoặc tiếp tay cho buôn lậu…

Đối với lực lượng BĐBP, Đại tá Nguyễn Xuân Bắc cho biết, hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán tới, tập trung vào các giải pháp cụ thể như giao trách nhiệm cho từng đồn biên phòng, huy động lực lượng địa phương, dân quân cùng phối hợp tuần tra khép chặt biên giới; tăng cường biện pháp nghiệp vụ cơ bản nắm chủ các đường dây buôn lậu mở chuyên án triệt phá; ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ các lực lượng chức năng của các nước láng giềng; tham mưu cấp uỷ địa phương huy động quần chúng biên giới không tiếp tay cho buôn lậu, phát triển kinh tế - xã hội địa phương để tạo công ăn việc làm cho bà con

 Đại tá Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh, chống buôn lậu phải có bàn tay sạch. Chúng tôi luôn gắn trách nhiệm người đứng đầu. Ở địa bàn nào xảy ra điểm nóng về buôn lậu thì người đứng đầu đơn vị, người phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng Bộ Tư lệnh, trước pháp luật…

Trong khi đó, Trung tướng Đồng Đại Lộc cũng cho biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng công an sẽ tổ chức đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm buôn lậu.  Ngoài việc làm tốt công tác nghiệp vụ để nắm các đường dây buon lậu để  lập chuyên án đấu tranh thì cơ quan điều tra sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án hoặc mở rộng các vụ án để làm rõ các đối tượng phạm tội. Đồng thời sẽ tập trung xử lý, xác minh các nhiều thông tin tố giác liên quan các tổ chức, đường dây hoặc cá nhân có dấu hiệu buôn lậu…

Đọc thêm