Cua nhện Thái Lan hút hồn "dân chơi" thủy sinh

(PLO) - Cua nhện thủy sinh đủ màu sắc có giá 50.000 đồng/con đang là thú chơi mới của giới trẻ.
Cua nhện Thái Lan hút hồn "dân chơi" thủy sinh
 Trong vài năm gần đây, nuôi động vật thủy sinh trong nhà đang là niềm đam mê của nhiều người Việt. Thú chơi này xuất phát từ Nhật Bản, rồi dần dần sang các nước trong khu vực châu Á.  Do đó, các loài động vật thủy sinh gây sốt chủ yếu đến từ Nhật Bản. Theo sau tảo cầu Marimo, gần đây giới đam mê thủy sinh lại chuộng nuôi cua nhện. 
Cua nhện thủy sinh là một loài cua siêu nhỏ có chân giống loài nhện. Chúng sống hoàn toàn ở dưới nước ngọt và được tìm thấy ở các dòng suối chảy mạnh ở Thái Lan. Được biết, cua nhện luôn nằm trong “top” những động vật thủy sinh được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản. 
Ở Việt Nam, người kinh doanh động vật thủy sinh chủ yếu bán cua nhện nhập khẩu từ Thái Lan (được gọi nhiều với cái tên Thai micro crab) với giá khoảng 30 – 50 nghìn đồng/con. So với nhiều nước ở châu Âu, cua nhện ở Việt Nam được bán với giá rẻ hơn, trên Ebay loài này được rao bán 4 bảng Anh (khoảng 130 nghìn đồng/con).
Việc nuôi cấy giống rất khó khăn nên hiện nay loài cua này chủ yếu bị đánh bắt hoang dã. Chúng được giới thủy sinh thích thú săn lùng vì ngoại hình đẹp mắt. Họ cho rằng cua nhện thủy sinh là phiên bản thu nhỏ của cua nhện khổng lồ Nhật Bản. Nhìn bề ngoài, loài cua này khá dữ dằn, nhưng trên thực tế chúng rất thân thiện. 
Trên thị trường hiện nay có 4 loài cua nhện phổ biến (đen, trắng, nâu vàng, xám) với kiểu mai hình lục giác. Ngoài ra, loài này còn có một số con cá biệt có mai hình tam giác thường có giá đắt gấp nhiều lần mai lục giác thông thường và kích thích người chơi lùng mua, sưu tập. 
Thanh Cường (sn 1995, Ba Đình, Hà Nội), một người đam mê thủy sinh cho biết: “Nếu như nuôi thú cưng nhập ngoại như chó cảnh, thằn lằn, gà tre phải tốn khá nhiều tiền của thì động vật thủy sinh lại khác. Em chỉ cần bỏ ra 20 – 50 nghìn là có thể sở hữu một thú cưng cho mình. Tuy nhiên, không như việc nuôi cá đơn thuần, nghệ thuật thủy sinh hướng đến việc tạo môi trường sống hài hòa, chú trọng vào “trồng trọt” hơn “chăn nuôi”." 
Do đó, các thú cưng thủy sinh không hẳn là “ngôi sao” trong một bể thủy sinh mà môi trường sống của chúng mới là điểm nhấn. Hơn nữa, để nuôi cua nhện người chơi cần trồng nhiều cây trong bể. Cua nhện là loài thích bám vào cây. Loài cua này khá nhút nhát. Trong suốt một ngày dài, chủ nhân sẽ khó có thể thấy mặt chúng vì chúng trốn sau các cây thủy sinh. Vào sáng sớm hoặc buổi tối, chúng mới chui ra khỏi nơi trú ẩn.  
Đến với thú chơi này, người chơi phải có kiến thức nhất định về việc tạo môi trường sống thủy sinh bài bản, chăm sóc thú cưng, nhân giống đúng cách... Việc đầu tư cho môi trường sống của cua nhện nói riêng và thủy sinh nói chung khá tốn kém. Một bể thủy sinh đạt chuẩn để nuôi cua nhện phải có kính dày ít nhất 8mm. 
Trong bể cũng phải có nền trồng cây thủy sinh xung quanh, bao gồm đất có phân và sỏi, đèn “mặt trời” tạo ánh sáng tự nhiên giúp cây thực hiện quá trình quang hợp. Bộ lọc nước, bình CO2 để duy trì sự sống cho cây và động vật thủy sinh trong bể cũng không thể thiếu. 
Ngoài việc phải sắm đủ đồ dùng cần thiết, người chơi còn phải nắm rõ những quy định nghiêm ngặt về thời gian mở đèn, lượng CO2 cần thiết để nuôi động, thực vật thủy sinh. Với cua nhện, môi trường sống lý tưởng là nước sạch, nhiệt độ ổn định ở mức 25-31 độ C. Chúng đặc biệt thích bám vào rong rêu và ăn những loại rêu bé xíu hoặc tảo nhỏ mềm. Nhìn vào bể, cua nhện nổi bật lên giữa rong rêu, các loài tép cảnh, trông rất thích mắt”.
Không giống nhiều loài động vật thủy sinh khác khó nuôi kết hợp, cua nhện tí hon có thể chung sống hòa bình với các loài tôm, tép cảnh cùng cỡ. Bên cạnh đó, loài thân cua, chân nhện này chỉ ăn rong tảo nhỏ mà không gây hại rêu cảnh nên có thể tạo nên môi trường thủy sinh sống động, phong phú. Việc sở hữu một không gian thiên nhiên mang phong cách trang trí thủy sinh giúp những người trong gia đình cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn. 
Tuy nhiên, nhược điểm của loài này là khó gây giống. Ngọc Quý (sn 1987, Hà Nội), một bạn trẻ kinh doanh nhện thủy sinh chia sẻ: “Loài nhện thủy sinh không chỉ “hot” với ở Nhật Bản mà ở Việt Nam, Thái Lan cũng rất ưa chuộng, con nào có hình tam giác giá trị càng cao. Tuy nhiên, theo mình biết loài cua này hình như hiện giờ chưa ai có thể cho sinh sản, ngay cả chính những người bán ở Thái Lan cũng nói rằng chưa cho sinh sản trong điều kiện nhân tạo được.  
Mình có nuôi 20 em, có 3 màu tất cả đen tuyền, trắng, xám và đều đã cố gắng gây giống cho chúng. Do vậy, người mua không nên quá kỳ vọng vào việc có thể gây giống cua nhện tí hon, mà chỉ coi đây là một trong những vật thủy sinh thú vị, nên có trong “bộ sưu tập đại dương” của mình”.

Đọc thêm