Cục phó Cục Chăn nuôi lên tiếng về chất cấm trong heo của Công ty Anco và CP?

(PLO) -  “Việc sử dụng chất tạo nạc đang gia tăng ở mức độ báo động, cả ở phạm vi sử dụng và đối tượng sử dụng”.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)  (Ảnh: TBKTSG)
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: TBKTSG)
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN&PTNT), trong cuộc trao đổi với PV trước việc thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lợn khu vực phía Nam sử dụng chất cấm ?
- Thời gian gần đây việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi  hay còn gọi là chất tạo nạc đang có gia tăng ở mức độ báo động cả ở phạm vi sử dụng, nhất là các tỉnh phía Nam, lẫn đối tượng sử dụng cũng phức tạp hơn. Trước kia chỉ xuất hiện trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng vừa rồi qua kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện có trong cả các trang trại, hơn nữa có cả các cơ sở buôn bán, sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung cũng đã sử dụng.
Xin ông nói rõ hơn về chất tạo nạc bị cấm này?
-Chất Salbutanol thuộc nhóm beta-agonist là chất bị cấm, Việt Nam cấm cũng rất nghiêm ngặt và cũng đã có các quy định về pháp luật rất chặt chẽ để quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo thông tin trên báo chí, chất tạo này này được nhập từ Trung Quốc, điều này có đúng không, thưa ông?
-Chất Salbutanol là một chất chỉ định được dùng trong y tế về điều trị hen suyễn nên chúng tôi cũng phải kiến nghị Bộ Y tế tăng cường quản lý loại thuốc này, còn nhập từ đâu về thì chúng tôi cũng chưa rõ. Trong y tế có salbutanol được chỉ định điều trị hen suyễn nhưng với liều rất nhỏ, cơ quan y tế cũng phải vào cuộc để kiểm soát được nguồn nhập, theo nhu cầu đến đâu ta nhập đến đấy và phải quản lý thật chặt để tránh thất thoát ra bên ngoài.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
-Trong nghị định 119 Chính phủ đã quy định nếu hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm thì có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng, hộ trang trại từ 10 – 20 triệu đồng, còn các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay thuốc thú y mà có chất cấm thì phạt từ 70 triệu đến 100 triệu, đối với nhà máy hay tổ chức nâng mức phạt gấp đôi.
Bên cạnh đó có hình thức phạt bổ sung nữa là buộc phải tiêu hủy toàn bộ các loại vật tư có chất cấm, đồng thời tiếp tục nuôi, giữ đàn lợn, (chủ yếu là lợn có thể có cả bò thịt) đến khi nào phát hiện trong nước tiểu âm tính với chất cấm thì lúc đó mới được xuất bán. Nếu tái phạm lần 2 thì buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn hay đàn trâu, bò đó.
Đồng thời, thông tin lên các phương tiện đại chúng về các cơ sở, các hộ đã sử dụng chất cấm để nhân dân tẩy chay, lên án hành vi này vì đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà đây còn là hành vi vi phạm đạo đức của con người, anh kinh doanh mà làm cho sức khỏe cộng đồng nguy hại như thế thì rõ ràng anh là người không có lương tâm và đã làm cho hình ảnh VN xấu đi.
Sản phẩm chăn nuôi trong nước bị người tiêu dùng tẩy chay thì ngành chăn nuôi cũng sẽ bị phá sản, chính người chăn nuôi mà vô trách nhiệm, vô lương tâm đã làm hại cả ngành chăn nuôi chứ không phải chỉ có người tiêu dùng.
Mức xử phạt như vậy là rất lớn, chúng ta có làm được thế hay không? Quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và địa phương đặc biệt là 4 ngành: Nông nghiệp, Công thương, Y tế và ngành Công an thì chúng ta mới kiểm soát được tình hình này, phải tổ chức tuyên truyền thật mạnh trên các phương tiện thông tin báo, đài về sự nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với sức khỏe cộng đồng, với nòi giống người Việt và với hình ảnh của ngành chăn nuôi VN, phát động dư luận xã hội tẩy chay, tố giác các hành vi thì sẽ kiểm soát được tình hình.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có chỉ thị gửi cho tất cả 63 Chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị vào cuộc và hành động đồng loạt kiểm tra các chất cấm này ở tất cả các khâu, từ khâu sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đến cơ sở giết mổ và cả cơ sở buôn bán thực phẩm, lấy mẫu kiểm tra để phát hiện kịp thời.
Phải xử lý thật mạnh, hết khung xử phạt hành chính, vì ngoài khung xử lý hành chính ra có một quy định hình sự có thể áp dụng được đó là điều 155 trong Bộ Luật Hình sự có quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi tàng chữ, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt từ 10 – 50 triệu, phạt tù từ 6 tháng – 5 năm hoàn toàn có thể áp dụng với trường hợp này bởi đây là hàng cấm, hàng có chất cấm là hàng cấm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tôi cho rằng nếu trường hợp tái phạm và cố tình vi phạm có thể hình sự hóa, về lâu dài chúng tôi cũng kiến nghị cụ thể hơn trong bộ luật hình sự để dễ áp dụng, dễ truy tố những hành vi tái phạm hoặc cố tình vi phạm này.
Thông báo đến người tiêu dùng biết mức độ như thế nào để tránh, để tẩy chay nhưng cũng đừng hoang mang quá mà quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi của VN nhất là thịt lợn, bây giờ 70% các sản phẩm chăn nuôi là lợn nếu mà chúng ta không ăn lợn trong nước nữa thì người chăn nuôi còn đâu cơ hội để mà phát triển tồn tại được, mà lâu dài thì chúng ta không có thịt bán.
Đợt thanh tra vừa qua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn phát hiện ra chất cấm cả trong những lô heo của các công ty lớn như CP và heo có nguồn gốc từ Anco, xin ông nói rõ hơn về việc này?
Công ty CP và Anco là hệ thống chăn nuôi cung cấp cho họ. Với Công ty CP có hai trại chăn nuôi của doanh nghiệp này là người chăn nuôi hai trại này người ta cố tình đưa vào. Công ty CP cũng bất ngờ với việc này, vì người ta cũng quy định là không được dùng chất cấm. Hai chủ trang trại của CP họ tự sử dụng chứ trong cám của CP không bao giờ có. Chúng tôi cũng nhắc nhở CP và yêu cầu CP tăng cường kiểm soát việc này.
Chúng tôi cũng đang tiến hành đơn giản kỹ thuật kiểm tra, như bây giờ là phải lấy mẫu, đưa về các phòng thì nghiệm (lấy mẫu nước tiểu hoặc mẫu thịt) để kiểm tra vừa lâu và phát sinh chi phí. Cục Chăn nuôi hiện đang phối hợp với các nhà khoa học thẩm định có một phương pháp dùng que thử, giống như que thử thai, đưa vào nước tiểu trong vòng 5 phút sẽ biết có hay không có chất cấm, chúng tôi cho rằng đây là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng để cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa cũng làm được, thậm chí người chăn nuôi người ta tự kiểm tra con heo của mình có hay không, chúng tôi sẽ phổ biến kỹ thuật đó. Hi vọng sẽ kiểm soát được tình hình này một cách tốt hơn.
Vậy người tiêu dùng có thể làm thế nào để phân biệt thịt sử dụng chất cấm và không sử dụng chất cấm, thưa ông?
Người tiêu dùng thực ra cũng rất là khó phân biệt, thịt có chất cấm hay không có chất cấm phải qua phân tích, nhưng cũng có vài mẹo nhỏ để hạn chế vấn đề này cho người tiêu dùng như phải lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm tin cậy cho mình, thêm nữa khi mua nên quan tâm đến màu sắc thịt, nếu sử dụng chất cấm màu sắc của thịt tươi thẫm hơn đó chính là sự khác thường, nếu phát hiện có sự khác thường thì nên cẩn trọng.
Thứ hai nữa, nếu thịt toàn có nạc không thì phải xem xét, thì dù có nuôi tốt đến mấy thì thịt nạc vẫn có một ít mỡ dắt, như thịt chân giò cũng có mỡ dắt, nhưng nếu dùng chất cấm thì nó tẩy hầu như cơ bản hết mỡ, chỉ còn rất nhiều nạc, nên nếu như thịt nạc quá cũng cần phải cảnh giác.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm