Đã đến lúc bỏ suy nghĩ “thị trường Trung Quốc là chợ biên giới”

(PLVN) - Tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Liên tiếp những thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu trong thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam gặp khó ở thị trường Trung Quốc, vốn từ trước đến nay vẫn được đánh giá là dễ tính.
Xe chở nông sản Việt Nam xếp hàng chờ thông quan tại một cửa khẩu giáp Trung Quốc.
Xe chở nông sản Việt Nam xếp hàng chờ thông quan tại một cửa khẩu giáp Trung Quốc.

Cần bỏ tâm lý coi Trung Quốc là thị trường dễ tính

Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, những thay đổi từ phía Trung Quốc cho thấy, đã đến lúc các DN không thể chậm trễ mà phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh ngay từ hôm nay, vì bất kỳ thị trường nào cũng có những hàng rào kỹ thuật dựng lên  liên quan đến an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ coi thị trường Trung Quốc là chợ biên giới, chỉ cần mang hàng lên biên giới bán những gì mình có rồi tìm người mua mà không quan tâm thị hiếu, nhu cầu người mua.

“Cần thay đổi tư duy, giảm dần tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; sản xuất phải theo quy hoạch, căn cứ, nhu cầu dung lượng của thị trường, mùa vụ”, bà Oanh nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay do phía Trung Quốc thực hiện hàng loạt biện pháp kiểm soát hàng hóa như kiểm nghiệm, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm...; phải có mã số doanh nghiệp; yêu cầu cách bảo quản, đóng gói hàng hóa và tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ đường biên giới nhằm ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu trên. 

“Đã có thời điểm hàng hoá NLTS của ta bị ứ đọng cục bộ không xuất khẩu sang phía bạn do hàng hoá chưa đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu”, ông Khắng nêu thực tế.

Cũng theo ông Khắng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều DN vẫn có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, hàng hoá từ nội địa ra cửa khẩu biên giới là có thể xuất khẩu ngay được.

“Mặc dù Quảng Ninh đã có thông báo về việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản nhưng các DN, hộ dân còn chủ quan, chưa thực hiện; chưa kịp thời cập nhật thông tin, chưa kịp đáp ứng với yêu cầu nhưng vẫn đưa hàng ra cửa khẩu, dẫn tới thiếu thủ tục, không có bao gói, nhãn mác nên không thông quan được.

Bên cạnh đó, chưa áp dụng quy trình nuôi trồng để đảm bảo các điều kiện chất lượng nên khi thông quan, phía Hải quan Trung Quốc kiểm dịch lại và trả lại hàng dẫn đến thiệt hại và nguy cơ DN được cấp mã có lô hàng thông quan đó sẽ bị đưa vào “danh sách đen”. Thậm chí, còn có hiện tượng giả mạo nơi cấp chứng thư với một số hàng hóa nhập khẩu”, ông Khắng nói.

Nâng dần xuất khẩu chính ngạch 

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2019 vải thiều Bắc Giang tiếp tục có một mùa vụ thành công, sản lượng toàn tỉnh đạt 147.000 tấn, tiêu thụ thuận lợi cả thị trường trong và ngoài nước. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã chủ động triển khai xúc tiến thương mại với nhiều hình thức ở các thị trường trọng điểm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 6 quốc gia (Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore) và đang xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp tại một số nước khác. Như vậy nếu tiến một bước chuyên nghiệp hóa sản xuất và thương mại có thể thu về giá trị cao ngay tại thị trường láng giềng.

TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhìn nhận: “Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu”.

Theo ông Bùi Văn Khắng, cả nông dân, DN và cơ quan quản lý cần phải chuyển đổi để bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và có giải pháp quy hoạch vùng nuôi trồng, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản. 

Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần quy hoạch và định hướng lại sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị thông suốt, ngành chức năng và các địa phương cần hướng dẫn đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường, định hướng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

“Phải nhìn nhận, những thay đổi của thị trường Trung Quốc là xu thế tất yếu để hướng đến sự kiểm soát đồng bộ về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin đây sẽ là cơ hội để các DN chuyển mình, tự đổi mới để thích ứng với những đòi hỏi mới của thị trường”, ông Hải nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Trước hết, phải khẳng định, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam, là một thị trường khổng lồ nếu chúng ta biết đáp ứng các yêu cầu mới của phía bạn. Việt Nam có lợi thế trong sản xuất nông sản, cũng không có những nhóm nông sản xung đột với Trung Quốc, đây chính là lý do khiến kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên trong năm 2018 đạt con số 9 tỷ USD”.

Ông Cường cho rằng, những thay đổi từ phía thị trường này cho thấy đã đến lúc phải thay đổi tư duy, đừng giữ mãi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch. “Nhìn từ bài học xuất khẩu vải của Bắc Giang, nhãn của Sơn La hay Hưng Yên, nếu làm chuẩn, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu của họ, sẽ thắng, thắng lớn”, ông Cường nhấn mạnh. 

Đọc thêm