Đà Nẵng thiếu hàng nghìn lao động dịp đầu năm

(PLO) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, rất nhiều doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, khu chế xuất Đà Nẵng có nhu cầu tuyển hàng nghìn lao động, nhưng nguồn cung lại không đủ cung cấp cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Các KCN Đà Nẵng vẫn thiếu hàng nghìn lao động mỗi năm.
Các KCN Đà Nẵng vẫn thiếu hàng nghìn lao động mỗi năm.

Doanh nghiệp trong các KCN, Chế xuất Đà Nẵng đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường sau Tết, nhưng lượng lao động lại trở nên thiếu hụt so với trước Tết. Một lượng lớn công nhân ở các tỉnh lân cận sau khi ăn Tết xong đã không trở lại làm việc hoặc chuyển nơi làm việc từ KCN này qua KCN khác khiến cho lực lượng lao động của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, một số doanh nghiệp không thể hoạt động hết công suất do thiếu hụt công nhân.

Ông Phạm Việt Hùng – Trưởng ban Quản lý các KCN, Chế xuất Đà Nẵng cho biết: “Hoạt động sản xuất trong KCN sau Tết khá ổn định, không có trường hợp đình công của người lao động, tình hình an ninh trật tự trong KCN, Chế xuất được đảm bảo, các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Trước Tết số lượng lao động trong các KCN trên 76,5 nghìn người, sau Tết trở lại làm việc là 72,5 nghìn người”

Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Khu công nghiệp Đà Nẵng, trong năm 2016 tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất Đà Nẵng thiếu khoảng 7.000 lao động, trong đó có khoảng 4.000 lao động đã qua đào tạo và 3.000 lao động phổ thông.

Đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp trong KCN, Chế xuất Đà Nẵng đã bước vào kế hoạch sản xuất quý I được gần 2 tháng, tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra. Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thiếu trên 4.000 lao động, chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất như dệt may, giày da, lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo, hàn... trong đó, công nhân may, công nhân ngành cơ khí không đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp.

Thành phố Đà Nẵng được Chính phủ chấp thuận phê duyệt thành lập 06 KCN, kết thúc năm 2016 đã có 436 dự án, doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc thiếu hụt những lao động lành nghề và lao động qua đào tạo.

Theo đánh giá, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp trong các KCN, Chế xuất Đà Nẵng tương đối hấp dẫn, đóng góp đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động, có chế độ nghỉ phép, lương tháng 13 và thưởng lễ, Tết... nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều lao động đến làm việc.

Một trong những nguyên nhân khiến cho lao động thiếu hụt là do mức thu nhập của công nhân chưa cao, dao động từ 4 – 8 triệu đồng/người/tháng, cùng với đó là hệ thống nhà ở công nhân, trường học dành cho trẻ nhỏ tại các KCN, Chế xuất còn thiếu, nên chưa thể thu hút và níu kéo người lao động gắn bó lâu dài. Cùng với đó là lực lượng lao động ở các vùng nông thôn chỉ tham gia lao động trong các nhà máy theo thời vụ, thời gian còn lại vẫn tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động.

Bên cạnh đó, tâm lý của người lao động muốn chuyển đổi công việc vào những công ty có mức lương và đãi ngộ cao hơn nên dẫn đến tình trạng xáo trộn và mất cân bằng lao động giữa các KCN. Từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp trong KCN, Chế xuất Đà Nẵng có nhu cầu tuyển lao động làm việc mới với số lượng lớn, như: Công ty TNHH May mặc Tristar có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân may công nghiệp, Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh thiếu khoảng 500 công nhân may có tay nghề, Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Đà Nẵng cần tuyển dụng thêm gần 500 công nhân may, Công ty CP Keyhinge Toys cần tuyển 500 công nhân, Công ty CP Dệt may 29-3 cần tuyển 500 công nhân...

Với tình trạng thiếu lao động như hiện nay, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần phải có những cơ chế thiết thực hơn dành cho người lao động, đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư vào hệ thống hạ tầng dân sinh tại các Khu, Cụm công nghiệp như: xây dựng các khu nhà ở công nhân, trường học, trạm xá khám chữa bệnh... để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với nhà máy, xí nghiệp.

Đọc thêm