Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu - Ta, Tây cùng mếu!

(PLVN) - Bức tranh hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và thương hiệu Việt nói riêng có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi hàng hóa của chúng ta đến với bạn bè quốc tế. Nhưng bên cạnh đó thương hiệu ngoại cũng có những câu chuyện khóc dở mếu không kém…
Các mẫu áo mang nhãn hiệu "FUCT". "FUCT" là chữ viết tắt của cụm từ "Friends U Can't Trust"
Các mẫu áo mang nhãn hiệu "FUCT". "FUCT" là chữ viết tắt của cụm từ "Friends U Can't Trust"

“LỢN”, “LỚN” và “LON”

Ngày 20/11/1992, nhãn hiệu “LON” của chủ đơn ECHELON CORPORATION có địa chỉ tại 4015 Miranda Avenue, Palo Alto., California 94304, Mỹ được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam đối với các sản phẩm mạch điện tử và linh kiện mạch điện dùng cho mạng cung ứng sự nhận dạng, thụ cảm truyền tin và điều khiển, chương trình máy tính sử dụng trong việc triển khai các chương trình máy tính; các hướng dẫn thuộc nhóm này được bán kèm cho tất cả các sản phẩm nói trên. 

Như chúng ta đã biết và vẫn thường hay biết, đây là một từ dễ gây nhầm lẫn với một từ thô tục trong tiếng Việt, có thể được đánh giá là vi phạm thuần phong mỹ tục cho nên phải bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ ngay từ đầu nếu chiếu theo quy định tại quy chế thẩm định nhãn hiệu nhưng vẫn đăng ký thành công.

Nguyên nhân có thể là do thời điểm năm 1992, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn chưa ra đời, tất cả những khái niệm về nhãn hiệu tại Việt Nam gần như còn chưa hình thành một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất (Luật Sở hữu trí tuệ ra đời năm 2005, quy chế thẩm định nhãn hiệu ban hành năm 2007). Hiện tại nhãn hiệu này vẫn còn thời hạn bảo hộ đến tận ngày 18/05/2022.

Nhãn hiệu "ZIP LON" của YKK CORPORATION - Nhật Bản
Nhãn hiệu "ZIP LON" của  YKK CORPORATION - Nhật Bản

Ngày 28/11/2005, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2006, tuy chưa có quy chế thẩm định nhưng đã xác định được những cơ sở đầu tiên cho việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhãn hiệu của chủ đơn Công ty thương mại và chăn nuôi An Phú nộp ngày 13/10/2004 với tên nhãn hiệu là “CHAT LUONG CAO LON NHANH SIEU NAC” đã bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ ngày 05/06/2006.

Tuy vậy, năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và đã được cấp văn bằng bảo hộ ngày 25/08/2014. Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cấp văn bằng bảo hộ cho nhiều nhãn hiệu có chứa yếu tố “LON” khác của chủ đơn nước ngoài như: ‘S’-lon; ZIP LON;SEE-LON. Vô hình trung, các nhãn hiệu mà chủ đơn không phải là doanh nghiệp nhà nước hay chủ đơn nước ngoài thì sẽ không được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu có chứa các từ dễ gây nhầm lần với từ thô tục. 

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy khi các nhãn hiệu trên đều có tên có chứa dấu hiệu gây nhầm lẫn với từ thô tục? Câu hỏi này xin dành lại cho cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền giải đáp. Với sự suy diễn này, nhãn hiệu Việt, thương hiệu Việt của doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị mất quyền trên chính sân nhà, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn vốn là một mặt hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. 

“FUCT” VÀ “FCUK”

Năm 2011, nhãn hiệu FUCT của Erik Brunetti đăng ký cho nhóm sản phẩm quần áo thời trang đường phố tại Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO). FUCT sau đó đã bị cơ quan này từ chối cấp văn bằng bảo hộ với lý do: “Vô đạo đức và/hoặc dễ gây tai tiếng” (Khiến người tiêu dùng liên tưởng đến từ thô tục trong tiếng Anh). Theo quan điểm của USPTO, từ “fuct” là từ ngữ không phù hợp trong lãnh thổ nước Mỹ. 

Không bằng lòng với quyết định trên, chủ sở hữu nhãn hiệu quyết tâm theo kiện suốt gần 10 năm vừa qua. Các Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đồng ý với quan điểm của USPTO về nhận định cách phát âm của nhãn hiệu này “Vô đạo đức và/hoặc dễ gây tai tiếng”.

Chỉ có Toà tối cao Mỹ, vào phiên xử mới nhất tháng 1 năm 2019, đã chấp thuận ý kiến của chủ sở hữu với quan điểm: “Cơ quan chức năng không nên quyết định số phận cấp nhãn hiệu dựa trên những gì họ tự cho là quá “tai tiếng” và “vô đạo đức”. Đó chỉ là quan điểm của cơ quan chức năng”.

“FCUK” của French Connection Limited cũng là nhãn hiệu được đăng ký cho các sản phẩm quần áo và các sản phẩm tương tự đã được bảo hộ tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản.... Trong khi đây là một từ dễ gây nhầm lẫn hơn cả với từ thô tục trong tiếng Anh. Tuy vậy, “FCUK” lại không được bảo hộ tại Anh, Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác. 

Nhãn hiệu "CHAT LUONG CAO LON NHANH SIEU NAC" của Công ty thương mại và chăn nuôi An Phú - Việt Nam
Nhãn hiệu "CHAT LUONG CAO LON NHANH SIEU NAC" của Công ty thương mại và chăn nuôi An Phú - Việt Nam

Đây là một điều khá đặc biệt vì giống như “LON” được coi là thô tục trong tiếng Việt khó có khả năng được bảo hộ tại Việt Nam, thì “FCUK” bị coi là tượng tự với từ thô tục trong tiếng Anh lại được bảo hộ tại Việt Nam nhưng bị từ chối tại các quốc gia nói tiếng Anh. 

Có thể thấy, quan điểm về việc bảo hộ nhãn hiệu đối với yếu tố thô tục trong từng ngôn ngữ lại khác nhau. Thô tục hay không thô tục, nhầm lẫn như thế nào với các từ thô tục chung quy cũng chỉ là ý chỉ chủ quan của thẩm định viên và cơ quan đăng ký nhãn hiệu. 

“ZA RA” và “ZARA” 

Sự mâu thuẫn như trên diễn ra rất phổ biến trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Ví dụ sau đây là một trong vô vàn ví dụ về nhãn hiệu sản phẩm của một quốc gia gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

ZARA là một thương hiệu quần áo và phụ kiện của Tây Ban Nha trụ sở tại Arteixo, Galicia. Công ty được thành lập năm 1975 bởi Amancio Ortega và Rosalía Mera. Nó là thương hiệu chính của tập đoàn Inditex, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Tập đoàn thời trang này cũng sở hữu những thương hiệu như Massimo Dutti, Pull and Bear, Bershka, Stradivarius, Oysho, Zara Home, và Uterqüe.

Mức độ nổi tiếng toàn thế giới của ZARA như thế nào có lẽ không cần nhắc lại. Theo đó, nhãn hiệu ZARA cũng được bảo hộ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên tại Việt Nam, năm 2018, nhãn hiệu Dệt thổ cẩm Cơ Tu ZA RA - Nam Giang đã được nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Việc nộp đơn của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara Nam Giang gây đau đầu cho các thẩm định viên tại Cục vì thổ cẩm là sản phẩm quyền thống của dân tộc Cơ Tu, cần được nhà nước bảo hộ để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam. Nhưng nếu bảo hộ cho nhãn hiệu ZA RA Nam Giang tức là đã vi phạm luật chơi của chính mình và luật chơi quốc tế. 

Phương án khả dĩ nhất ở thời điểm hiện tại là các cơ quan ban ngành cần vào cuộc để tư vấn cho Hợp tác xã thay đổi thương hiệu và xây dựng thương hiệu của mình sao cho vừa phù hợp với pháp luật quốc tế mà Việt Nam đang hội nhập, vừa bảo tồn gìn giữ và phát triển được sản phẩm truyền thống của dân tộc. 

KẾT

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, việc vận dụng có tính sáng tạo từ ngữ để quảng bá cho sản phẩm/dịch vụ nhằm để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí khách hàng là một việc cần thiết và nên làm của các doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng cần tự có ý thức đối với nhãn hiệu hay sản phẩm quảng cáo của chính mình để không đi quá giới hạn, tránh thô tục đến mức gây khó chịu cho người tiêu dùng. 

Ở chiều ngược lại, ngoài việc phù hợp với pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền cần thiết phải đánh giá các nhãn hiệu hay rộng hơn là các sản phẩm và cách quảng cáo các sản phẩm một cách khách quan hơn. Không thể áp đặt tư duy theo chiều hướng thô tục khi đánh một nhãn hiệu hay phương thức quảng cáo. Có như vậy nhãn hiệu mới được bảo hộ trọn vẹn trên lãnh thổ Việt Nam, thúc đẩy sự sáng tạo và tiến ra quốc tế những cũng không đánh mất đi bản sắc văn hóa thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đọc thêm