Dấu hiệu lừa dối người dùng khi quảng cáo bán thực phẩm Rockman

(PLVN) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo về một số website quảng cáo sản phẩm Rockman có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn tiếp tục được quảng cáo “có tác dụng chữa bệnh trên một số website”.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo một số website quảng cáo sản phẩm Rockman có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo một số website quảng cáo sản phẩm Rockman có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Ngày 2/9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thông tin, website viensui-rockman.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) Rockman đang vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm, sử dụng hình của bác sĩ và cơ sở, đơn vị y tế để quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Được biết, sản phẩm thực phẩm BVSK Rockman  được Công ty CP Nori Organic (địa chỉ số 6 ngách 61, ngõ 1002 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Đối với sai phạm trên, Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rockman trên website nêu trên.

Theo tìm hiểu, sản phẩm thực phẩm BVSK Rockman do Công ty CP Dược phẩm Fresh Life (địa chỉ tại KCN Hoà Xá, xã Mỹ Xá, TP Nam Định) sản xuất và Công ty CP Nori Oganic phân phối độc quyền. Sản phẩm này được Công ty CP Nori Oganic sử dụng một chiến dịch quảng cáo “hoành tráng” từ lễ ra mắt tới việc sử dụng các phương tiện truyền thông. 

Trong một bài viết có tiêu đề “Trứng kiến gai đen: Thần dược quý cho sức khỏe, hệ thần kinh và sinh lý nam giới” quảng cáo về sản phẩm Rockman được đăng tải trên một tờ báo điện tử, bạn đọc được dẫn đến một trang website: https://www.rockman1h.net để mua sản phẩm Rockman chính hãng. 

Lần theo địa chỉ website này, người dùng lạc vào một ma trận quảng cáo sản phẩm Rockman khi tất cả các thông tin đưa ra đều gây hiểu lầm sản phẩm này là thuốc chữa bệnh. Cụ thể, trang website này đã đăng tải các video quảng cáo về sản phẩm Rockman có logo của các Đài Truyền hình Hà Nội, kênh truyền hình VTC 14 để tăng độ tin cậy tới người dùng. 

Đáng chú ý, tại một video quảng cáo với nội dung về “Lễ ra mắt sản phẩm mới Rockman” được gắn logo của Đài Truyền hình Hà Nội, Thầy thuốc ưu tú – PGS. TS Lê Lương Đống, nguyên quyền Vụ trưởng Viện Y học Cổ truyền liên tục gọi sản phẩm này là thuốc. 

“Dựa trên cái công thức của y học cổ truyền là công thức đã bao gồm tất cả các thành phần bổ thận dương, có các chất bổ dưỡng cho nội tạng trong cơ thể. Bài thuốc này thì hiện nay ta thấy được ứng dụng thêm các thành tựu của khoa học y học hiện đại, ta thấy có thể thành viên sủi… Xét về góc độ tâm lý nào đó thì người ta uống nhanh, uống gọn và cũng không mang tiếng là uống thuốc nữa. Đấy là chúng tôi cho rằng viên thuốc này nó vừa có tính chất hiện đại, vừa có hy vọng đạt hiệu quả đáng tin cậy và rất tiện dụng”, PGS. TS Lê Lương Đống nói. 

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, việc sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo về sản phẩm BVSK Rockman đã vi phạm vào khoản c khoản d Điều 7 Điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 50 – 70 triệu đồng theo khoản 4  Điều 23 tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. 

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các video quảng cáo có gắn logo của các Đài Truyền hình có uy tín, Công ty CP Nori Oganic còn thực hiện kênh thời sự trái phép có logo “RMTV” để giới thiệu sản phẩm. Clip này chạy dòng chữ “Thời sự” phía sau lưng người dẫn chương trình. Phía dưới, góc trái màn hình có logo 24h gần giống chương trình “chuyển động 24h” của Đài Truyền hình Việt Nam.

Tương tự như các video quảng cáo khác, nội dung chương trình này cũng liên tục gọi sản phẩm Rockman là “thuốc chữa bệnh”, có phỏng vấn giám đốc công ty, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế trong một hội thảo.

Ngoài ra, tại các video này đều không có khuyến cáo bệnh nhân: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” dưới bất cứ hình thức và vị trí nào trên hai trang website nói trên. 

Hành vi này đã vi phạm điểm b khoản 3 Điều 5 về Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại  Nghị định 181/2013/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Với hành vi vi phạm này, công ty có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng theo khoản 1 Điều 23 tại Nghị định 115/2018/NĐ - CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. 

Đọc thêm