Đẩy mạnh nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ ở Bạc Liêu

(PLVN) - Nuôi tôm theo hướng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cho năng suất và chất lượng cao giúp nông dân Bạc Liêu vô cùng phấn khởi. Mô hình này dần lan tỏa và được tỉnh khuyến khích người dân ứng dụng để thúc đẩy phát triển ngành tôm ở địa phương, xứng đáng là “thủ phủ” tôm của cả nước.

Những con số “biết nói”…

Từ lâu, người dân đã quen với cách nuôi tôm truyền thống hiệu quả không cao lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong xu thế nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì việc nuôi tôm theo “lối mòn” sẽ không mang lại hiệu quả cao. Theo đó, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế.

Hệ thống bể nuôi tôm siêu thâm canh
Hệ thống bể nuôi tôm siêu thâm canh

Có thể nói, sau hơn một năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ về việc xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước, nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu đã có bước phát triển đáng kể, kỹ thuật nuôi được nâng lên một bước, các kỹ thuật tiên tiến đã được người nuôi mạnh dạn áp dụng nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, hạn chế rủi ro do bệnh dịch và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, hiện Bạc Liêu có 140.000ha nuôi tôm, trong đó nuôi siêu thâm canh 1.845 ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22 ha, với 1.575 ao hồ nuôi. Trong đó, đa phần là ao lót bạc, chỉ có khoảng 240 hồ nổi tròn.

Thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được nhân rộng. Không chỉ các Công ty, doanh nghiệp ứng dụng mô hình này mà nhiều hộ dân nuôi cá thể cũng áp dụng để tăng năng suất và chất lượng.

Bạc Liêu hiện có nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ gia đình nuôi tôm đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản đầu tiên trong cả nước như: Cty CP Việt Úc - Bạc Liêu, Cty TNHH MTV Hải Nguyên...

Bạc Liêu có 1.845ha nuôi tôm siêu thâm canh với 13 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp và 324 hộ dân.
Bạc Liêu có 1.845ha nuôi tôm siêu thâm canh với 13 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp và 324 hộ dân.

Điển hình, Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu đã áp dụng công nghệ nhà màng Israel và nhà thép của Lysaght Agrished, công nghệ xử lý nước tuần hoàn của Đức và Hoa kỳ. Chi nhánh tại xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) có tổng diện tích trên 315ha, năng suất bình quân đạt 38,4 tấn/ha /vụ (115,2 tấn/ ha/ năm 3 vụ). Chi nhánh tại huyện Hòa Bình có tổng diện tích 52 ha; thả nuôi tôm 16,7ha (trong đó 9,5 ha nuôi trong nhà màng với 144 ao và 7,2 ha trải bạt nuôi ngoài trời), sản lượng thu được 468 tấn, năng suất bình quân 28 tấn/ha đất canh tác/năm.

Năng suất tăng cao

Ông Nguyễn Việt Khởi (ấp Cây Giang, xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đã mạnh dạn đầu tư 10 hồ nuôi tôm. mỗi hồ rộng từ 250 - 500m2. Theo ông Khởi, đầu tư ban đầu rất tốn kém vì đều sử dụng công nghệ cao. Bù lại giảm chi phí nhân công, điện, nước và rất thuận tiện cho việc chăm sóc và cho năng suất cao hơn khoảng 35% so với nuôi truyền thống trong ao đất. Mới đây, ông Khởi vừa thu hoạch xong vụ tôm lãi vài tỷ đồng.

Còn ông Tạ Đức Nghĩa từng có 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm theo cách truyền thống cũng vừa chuyển sang nuôi theo hình thức siêu thâm canh. Ông Nghĩa đã đầu tư nuôi 7 ao, mỗi ao 2.500m2, tổng diện tích 4ha. Theo ông Nghĩa, nuôi tôm trong bể tròn có rất nhiều cái hay, “chống ô nhiễm, nhân viên không đi trên bờ nên không lây nhiễm bệnh giống như mô hình nuôi trong ao lót bạc. Đồng thời, ít lội dưới ao nên đáy ao rất tốt. Không những thế còn lợi điện, lợi nước và quản lý cũng dễ”, ông Nghĩa chia sẻ.

Bên cạnh đó, để nước thải không ảnh hưởng đến môi trường, nhiều người dân còn nghĩ ra cách tận dụng nước thải của tôm nhờ qua hệ thống lắng lọc để làm phân bón cho cây trồng hoặc lọc, xử lý nước thải qua nhiều ao rồi dùng nuôi cá.

Nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất cao hơn khoảng 35% so với nuôi truyền thống trong ao đất

Nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất cao hơn khoảng 35% so với nuôi truyền thống trong ao đất

Ông Nguyễn Phương Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết: Nuôi tôm siêu thâm canh có nhiều lợi thế, có khả năng ứng phó với thời tiết cực đoan, ít dịch bệnh nên những năm gần đây tỉnh khuyến khích phát triển rất nhiều.

“Đây là mô hình ít bị tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, các chỉ số môi trường ao nuôi được duy trì ổn định do áp dụng hệ thống tuần hoàn khép kín, hạn chế tiếp xúc nguồn nước bên ngoài trong quá trình nuôi. Hiện, đây được xem là mô hình lý tưởng tại địa phương, bởi đã giải quyết được cơ bản những khó khăn tồn tại trong nghề nuôi tôm và đạt hiệu quả kinh tế cao”, ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, mô hình này, còn giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm, tăng năng suất, tăng số vụ nuôi/năm, một năm có thể nuôi 3-4 vụ. Đồng thời, không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, ít tác động xấu đến môi trường.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nuôi thành công rất cao, chiếm 68,83 % số hộ nuôi. Năng suất, sản lượng tôm nuôi giữa các mô hình không có nhiều khác biệt, đạt trung bình 4,5 - 5 tấn/ 1.200 m2 ao nuôi lót bạt/vụ (cao nhất đạt 9,2 tấn/ 1.200 m2/ vụ, thấp nhất đạt 3 tấn/ 1.200 m2/ vụ) và 3 – 3,2 tấn/ hồ tròn 500 m2/ vụ. Với những ưu điểm trên, chỉ sau hơn một năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 13 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp và 324 hộ dân đã, đang thực hiện mô hình này.

Đọc thêm