Đi chợ sao cho an toàn?

(PLVN) - Nhìn chung trên cả nước người dân có ý thức chung tay dập dịch Covid-19 mọi thứ hiện tại đã tốt hơn. Nhưng còn một nỗi lo là làm sao đi chợ, siêu thị - nơi tập trung đông người - sao cho an toàn.

Đeo khẩu trang khi đi chợ phần nào hạn chế lây nhiễm Covid-19.
Đeo khẩu trang khi đi chợ phần nào hạn chế lây nhiễm Covid-19.

Nhìn chung trên cả nước người dân có ý thức chung tay dập dịch Covid-19 mọi thứ hiện tại đã tốt hơn. Nhưng còn một nỗi lo, một phương án nan giải là việc đi chợ, siêu thị của người dân. Chợ, siêu thị là nơi sẽ tập chung đông người, thế nhưng người dân cũng không thể không đi chợ. Thống kê sơ bộ, các chợ dân sinh hiện cung cấp khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân bởi yếu tố tiện lợi, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân.

Nhưng chợ dân sinh cũng là nơi tập trung đông người từ nhiều nơi khác nhau, do đó nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất cao. Để phòng chống dịch bệnh, các tiểu thương cũng như người mua hàng đã có ý thức trang bị đồ bảo hộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan, coi thường dịch bệnh.

Tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội (Long Biên, Kim Liên, Nam Đồng, Hà Đông…) và một số chợ ngoại thành (Kim Bài, Thạch Bích (Thanh Oai), chợ Vân Đình (Ứng Hòa), chợ Đục Khê (Mỹ Đức) cho thấy, hầu hết người dân mua sắm và tiểu thương kinh doanh đều đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Bên cạnh đó vẫn còn những hộ kinh doanh và người dân chủ quan, coi thường dịch bệnh. Tại các chợ nhiều tiểu thương đã có ý thức trang bị khẩu trang để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, họ chỉ đeo một lúc rồi lại tháo ra. Lý do được đưa ra là chưa quen với việc đeo khẩu trang cả ngày, thời gian đeo lâu khó chịu.

Tại chợ dân sinh Nhân Mỹ, Mỹ Đình, một số tiểu thương không đeo khẩu trang dù biết đã có quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại chợ Đông Vệ, TP Thanh Hóa, sáng ngày 29/3 vẫn có đông tiểu thương không đeo khẩu trang khiến người dân lo lắng.

Có nhiều người cho rằng việc họp chợ, mua bán hàng hóa là thiết yếu, thế nhưng cần có những biện pháp phòng chống để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Có ý kiến cho rằng ban quản lý chợ cũng như chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền tại các khu chợ, tìm cách để nới rộng khoảng cách giữa các tiểu thương.

Và một điều khá quan trọng là nên rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang và nếu có thể thì sát khuẩn trước khi vào chợ. Một ví dụ điển hình về tinh thần chống dịch của các tiểu thương tại chợ xã Quảng Trường, Thanh Hóa trước cổng chợ có bàn phát khẩu trang miễn phí, rửa tay sạch sẽ trước khi vào chợ.

Chia sẻ với báo chí, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế,  Tổ chức Y tế thế giới đã tổng kết, người mắc Covid-19 chủ yếu lây qua giọt bắn. Giọt bắn là dịch nhầy được tiết ra từ mũi, miệng của người bị nhiễm virus SARS-COV-2 (Covid-19).

Do đó ông khuyến cáo, cả người đi chợ và người bán hàng cần phải đeo khẩu trang. Đặc biệt đối với người bán hàng cũng cần phải được đeo găng tay. Các quầy hàng cần được bố trí giữ khoảng cách ngồi xa nhau, tránh ken đặc. Giữa người mua với người bán, người bán với người bán cần giữ khoảng cách trên 2m.

“Khi về nhà rửa tay với xà phòng 6 bước ngay. Trong điều kiện như thế này, các bà nội trợ không nên đi chợ hàng ngày, thay vào đó có thể mua nhiều lên đủ lượng thực phẩm trong vài, ba ngày đến một tuần bảo quản trong tủ lạnh. Điều này nhằm hạn chế việc ra đường, tránh phải đi lại, tiếp xúc với nhiều người, hạn chế thấp nhất rủi ro lây nhiễm Covid- 19. Đặc biệt, người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Đọc thêm