Độc đáo phiên chợ không có gian thương

(PLVN) - Phiên chợ ra đời giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa, làm quen cách đưa sản phẩm ra thị trường; nên chắc chắn phiên chợ này không thể có gian thương.
Một góc phiên chợ chiều 5.000 đồng ở vùng cao Tây Giang ngày cuối năm.
Một góc phiên chợ chiều 5.000 đồng ở vùng cao Tây Giang ngày cuối năm.

Từ bó rau, mớ củ đến rổ quả… đều đồng giá 5.000 đồng. Ai mua thì bán, không nhiều lời mời chào ép giá. “Chợ chiều năm ngàn” rất thu hút người dân đến mua và tạo nên điểm đặc sắc trong mua bán, giao thương ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam. Những ngày cận Tết, chợ càng đông khách, đủ màu sắc từ sản vật cho đến các tấm thổ cẩm, gùi mây…  

Món gì cũng chỉ 5.000 đồng

Khi cái lạnh bớt “cắt da cắt thịt”, rừng đỗ quyên trên đỉnh núi cao Tây Giang khoe sắc, cũng là lúc trai bản Cơ Tu bắt đầu lôi từng chai rượu Tà vạt, Ba kích ra đong đầy; buộc chặt lồng heo mọi, lủng lẳng những buồng chuối với lá dong, dây lạt… chất đầy trên xe đạp, xe máy. Trong khi đó, các chị các mế sửa soạn gùi rau, măng rừng… rồi dắt nhau theo nắng xuân ấm áp xuôi xuống “chợ chiều năm ngàn”.

“Chợ chiều năm ngàn” vùng cao Tây Giang nằm ở đường số 4 (thôn A Grồng, xã A Tiêng), cách trung tâm UBND huyện Tây Giang chỉ vài phút chạy xe máy. Chợ bắt đầu mở từ khoảng 11h trưa, kết thúc 17h hàng ngày, mua bán, trao đổi toàn nông sản sạch của đồng bào địa phương tự trồng hoặc lấy ở rừng.

Lựa chọn thoải mái, đồng giá 5.000 đồng.
Lựa chọn thoải mái, đồng giá 5.000 đồng.

Thú vị ở chỗ, các “tiểu thương” không chỉ phụ nữ, mà các bé gái đến người già, và cả thanh niên trai tráng của đồng bào Cơ Tu xưa nay chân lấm tay bùn cũng tham gia. Nhiều người trong họ chưa học hết lớp Năm, có người không biết chữ, có người không nói được tiếng phổ thông nhưng đã mạnh dạn tự mình đem các sản vật từ rừng đi bán. Lần đầu còn bỡ ngỡ nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày thành quen. Mỗi mặt hàng, bà con theo một quy ước chung giá chỉ 5.000 đồng, không hơn, không kém; ai có nhu cầu đến mua chứ không mời chào nhiều, không ép giá...  

Những ngày Tết, chợ có khi tan muộn hơn, đủ màu sắc từ sản vật cho đến các tấm thổ cẩm, gùi mây. Rất nhiều đoàn khách thập phương khắp nơi cũng tìm về với phiên chợ Tết 5.000 đồng ở vùng cao Tây Giang để trải nghiệm thú mua sắm độc đáo. Nếu ai đã từng đến huyện miền núi Tây Giang, thăm khu làng văn hóa Cơ Tu, thăm nhà Gươl, nhất định phải ghé “chợ chiều năm ngàn” để cảm nhận được nét văn hóa mộc mạc, bình dị và đầy thú vị của bà con đồng bào nơi đây; nhiều du khách nhận xét như vậy sau lần ghé thăm huyện vùng cao cận biên giới Việt- Lào này.

Cụ A Lăng Liên (thôn Agrồng, xã A Tiêng) nay đã bước sang tuổi 80, nhưng vẫn đều đặn theo con cháu đến phiên chợ; có khi chỉ để bán vài bó sả, vài củ sắn, nải chuối hay các loại nông sản được mang về từ rẫy. “Xưa nay bà con mình làm ra hạt lúa, củ sắn, bó rau chỉ để ăn, nhiều quá mới đem biếu bà con, họ hàng. Nay người Cơ Tu mình học theo Atụt (người Kinh). Sản phẩm làm ra nhiều mình đem ra chợ đổi tiền mua sắm thứ khác. Mùa xuân, rau rừng nhiều, mình vẫn tranh thủ hái về mang ra chợ bán. Nhờ thế, mình mua mắm, muối, đổi được tấm áo cho các cháu nội ngoại”, cụ nói. 

 
Phiên chợ thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa cho bà con vùng cao.
 Phiên chợ thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa cho bà con vùng cao.

Nét văn hóa chỉ có ở Tây Giang

Một khách hàng của phiên chợ chiều 5.000 đồng, anh Tạ Công Bính (ngụ TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ, một lần do có chuyến công tác tại huyện Tây Giang, vô tình phát hiện ra “chợ năm ngàn”. Khi về ăn Tết với gia đình, anh đóng nguyên một xe rau quả, nông sản sạch, hàng chục cân thịt heo rừng mang về làm quà. 

Anh Bính cho hay, nhất định các lần sau sẽ đến đây mua vì giá rẻ hơn ngoài chợ huyện, các mặt hàng của đồng bào Cơ Tu luôn đảm bảo sạch, không hóa chất. Ngoài mua về dùng, anh Bính còn được bạn bè ở phố nhờ mua đặc sản vùng cao rau, sắn, măng rừng vì lạ và rất ngon, mặt khác cũng giúp bà con bán đắt hàng hơn, có nguồn thu nhập.

Tại những phiên chợ này, ông Alăng Tối, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Giang thường xuyên có mặt. Alăng Tối là “đồng tác giả” khu chợ chiều 5.000 đồng này. Ông chia sẻ, chợ ra đời nay đã được gần ba năm. Thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay đã chính thức được xem như nơi giao thương không thể thiếu của tộc bào Cơ Tu. 

Đặc biệt những ngày Xuân như mấy hôm nay, bên cạnh không gian các sản vật của đồng bào miền núi, phiên chợ này còn dành riêng khu vực bày bán các mặt hàng ẩm thực, hoa quả, quần áo… phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.  

Hơn ba năm trước đây, trước nhu cầu buôn bán ngày càng nhiều của bà con, chính Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Giang đã tham mưu cho UBND huyện chọn vị trí, mặt bằng thuận lợi để xây chợ nhằm khuyến khích bà con tiếp cận dần nghề mới, tăng thu nhập. Đặc biệt, phiên chợ ra đời còn giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa, làm quen cách đưa ra thị trường. Khi làm ra sản phẩm nông nghiệp bán được, có tiền sẽ trở thành nguồn động viên khuyến khích mọi người ham làm giàu chính đáng.

 

Mới đây, nhằm giúp bà con có chỗ buôn bán, đặc biệt sau các đợt lũ vừa qua ở miền Trung, UBND huyện Tây Giang đã tiến hành xây chợ kiên cố cho bà con. Nền chợ được bê tông hóa, mái vòm lợp tôn, khung sắt kiên cố, tổng diện tích trên 100m2, đủ chỗ cho trên 50 hộ buôn bán.

Huyện cũng có chủ trương sẽ đem một số mặt hàng đặc sản địa phương bán tại chợ này như củ đẳng sâm, ba kích, mật ong, củ cun, nấm lim xanh, nấm ngọc cẩu và bán cả các mặt hàng thủ công như các loại áo, quần truyền thống Cơ Tu, gùi, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương như mây, tre, đan lát, cuốc, rựa… do chính bà con làm.

Huyện thống nhất lấy tên “Chợ chiều năm ngàn”.
Huyện thống nhất lấy tên “Chợ chiều năm ngàn”.

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, huyện đã thống nhất đặt tên chợ “Chợ năm ngàn” và giá bán này sẽ không thay đổi. Huyện đã cùng với Chi cục Thuế thống nhất không thu thuế buôn bán của bà con, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con làm ăn. 

“Chợ chiều năm ngàn ra đời đã thu hút sự tò mò chú ý của nhiều người và nó đã dần trở thành một thương hiệu riêng của Tây Giang. Không chỉ thu hút khách du lịch, kích thích ngành dịch vụ phát triển và điều ý nghĩa nhất, đã làm thay đổi dần tư duy của đồng bào Cơ Tu từ thói quen chỉ biết làm nương rẫy sang một ngành nghề mới nhưng thu nhập cao hơn”, ông Bhing Mia nói. 

Đọc thêm