Đổi tiền lẻ tại Phủ Tây Hồ, chặt chém ngang nhiên như chỗ không người?

(PLO) -Tại Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội), dọc đường vào phủ, hàng chục quầy đổi tiền lẻ với đủ mệnh giá bày la liệt. Bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra, chặt chém công khai như chỗ không người.

Tại Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội), dọc đường vào phủ, hàng chục quầy đổi tiền lẻ với đủ mệnh giá bày la liệt. Bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai như chỗ không người.

Dù đã có lệnh cấm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng với sự vào cuộc của các ban ngành, cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, nhưng không vì thế mà dịch vụ đổi tiền lẻ giảm nhiệt, họ không cần phải thoắt ẩn, thoắt hiện "mồi" người đổi mà ngang nhiên dựng quầy tại cổng chùa, cổng chợ, trên các website, các trang mạng xã hội...

Tại các đền, chùa những ngày cận Tết Bính Thân, lượng tiền lẻ mệnh giá dưới 2.000 đồng không hề "giảm nhiệt". Tại phủ Tây Hồ... dịch vụ đổi tiền vẫn tấp nập mặc lệnh cấm. Càng gần dịp lễ tết, lượng tiền lẻ, tiền đẹp mệnh giá từ 1.000 - 100.000 đồng "đổ" về đây với số lượng càng lớn hơn. Nhiều quầy đổi tiền "di động" mọc lên như nấm.

Theo một chủ đổi tiền lẻ ở phủ Tây Hồ cho biết: "Nhà nước cấm nhưng do nhu cầu đi lễ tết của người dân rất lớn, mà đã đi lễ ai ai cũng muốn có tiền lẻ để kính lễ nên chúng tôi vẫn phục vụ". Khi được hỏi về nguồn tiền "dồi dào" này lấy ở đâu, bà chủ này bảo: "Tiền lấy ở khắp nơi, ở ngân hàng, ở...chùa" (!?).

Theo ghi nhận của PV, mức phí trao đổi khá đắt đỏ. Tại phủ Tây Hồ - với tiền mệnh giá 500 đồng, phí chênh lệch ở mức cao nhất: 20% (100 nghìn đồng chỉ đổi được 80 nghìn đồng); tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng phí chênh lệch ở mức 20-30%, tùy vào hình thức tiền còn mới hay cũ.

Trước đó tại buổi họp báo ngày 12-1, tại Hà Nội về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động của các máy rút tiền (ATM) trong dịp Tết Bính thân 2016, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho hay năm 2016, NHNN tiếp tục chủ trương sử dụng tiền mặt mệnh giá nhỏ lẻ một cách hợp lý tiết kiệm trong dịp tết như ba năm trước đã làm.

Theo như số liệu của Ngân hàng Nhà nước thống kê, riêng chi phí tổ chức in ấn tiền mệnh giá 5.000 đồng trở xuống tiết kiệm được trong bốn năm thực hiện chủ trương này có thể lên tới 1.500 tỉ đồng. Con số này chưa kể đến chi phí xã hội khác như chùa chiền bỏ công sức đếm, ngân hàng thương mại điều xe đến nhận tiền lại, chuyển tiền, gửi vào ngân hàng. Trong khi đó, lượng tiền mệnh giá nhỏ in mới này chủ yếu chỉ phục vụ cho các hoạt động lễ hội, chùa chiền, không phản ánh đúng chức năng của đồng tiền và đa số các nhà sư đều cho rằng việc này cần điều chỉnh lại./.

Đọc thêm