Du lịch khủng hoảng vì virus Corona

(PLVN) - Sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch nước này nói riêng và toàn cầu nói chung. Bởi lẽ, quốc gia 1,4 tỷ người này hiện là thị trường nguồn lớn trên thế giới cho du lịch quốc tế.
Biển báo cấm người Trung Quốc tại Nhật Bản.
Biển báo cấm người Trung Quốc tại Nhật Bản.

Các thủ phủ du lịch đìu hiu 

Khi Bắc Kinh thông báo đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài kể từ ngày chủ nhật 28/1/2020, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề.

Đơn cử, ngành du lịch Thái Lan dự báo sẽ sụt giảm 2 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2020, gây thiệt hại khoảng 50 tỷ baht (1,6 tỷ đô la Mỹ) trong 3 tháng tới. Được biết, trong năm 2019, tổng chi tiêu của du khách Trung Quốc tại Thái Lan đã chiếm một phần tư tổng doanh thu từ du khách quốc tế của nước này.

Hiện nay, các hãng lữ hành, hàng không, lưu trú, khách sạn đến các dịch vụ kinh doanh ăn uống, doanh nghiệp bán lẻ tại các thủ phủ du lịch như Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp), London (Anh)… đều đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Nguồn gốc là bởi Trung Quốc hủy các tour du lịch nước ngoài và chính quyền nhiều quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới để chặn dịch virus Corona. Hiệp hội Liên minh các ngành nghề du lịch Pháp Umih cho biết, nếu bệnh dịch kéo dài, tác động kinh tế sẽ là quan trọng, trước hết là đối với ngành khách sạn và kinh doanh đồ xa xỉ, khiến hàng trăm nghìn người có thể rơi vào cảnh “thất nghiệp tạm thời”. Theo Ngân hàng UBS, khách hàng Trung Quốc mua đến 1/3 đồ xa xỉ toàn cầu hàng năm hiện nay.

Các hãng hàng không như British Airways (Anh), Cathay Pacific (Hong Kong= Trung Quốc), American Airlines (Mỹ), Lufthansa Cargo (Đức)... đồng loạt ngừng hoặc giảm số chuyến bay tới và đi khỏi Trung Quốc. Điều này không chỉ gián đoạn hệ sinh thái kinh doanh của các hãng hàng không lâu đời này, còn khiến cổ phiếu của các hãng này tụt giảm nghiêm trọng.

Tại Macau (Trung Quốc), số lượng du khách từ Trung Quốc đại lục sụt giảm 82% trong dịp Tết Nguyên đán so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các sòng bạc ở Macau, nhân viên bảo vệ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt từng vị khách, khiến hoạt động ở đây phần nào mất đi sức hút. 

Khách du lịch Trung Quốc đối mặt với nạn kỳ thị dân tộc khi đến các quốc gia khác.
Khách du lịch Trung Quốc đối mặt với nạn kỳ thị dân tộc khi đến các quốc gia khác.

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt: “Không chỉ thiệt hại về tour Trung Quốc, ngay cả các tour đi  nước ngoài (outbound) hoặc đi trong nước (inbound) cũng bị hủy.

Cho tới nay, số lượng khách hủy tour đã lên tới hơn 50%. Đây là một con số chưa từng có trong ngành du lịch. Đối với một công ty lớn như chúng tôi, gần 500 nhân viên ngồi chơi vì hầu như không có khách mà vẫn phải trả lương.

Chúng tôi không có ý định cho nhân viên nghỉ việc mà ban lãnh đạo công ty vẫn động viên nhân viên cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”

Ông Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc công ty du lịch Tân Đại Quang: “Việc dời tour hoặc hủy tour của khách hàng hiện đã lên tới 60-70%.

Có một điều là tiền mua tour có thể hoàn lại cho khách hàng, nhưng tiền vé máy bay, nếu hãng máy bay hoàn tiền lại cho công ty du lịch thì công ty du lịch mới hoàn lại cho khách hàng được.

Nếu tình trạng này kéo dài 3 tháng thì sẽ cực kỳ khó khăn cho các công ty du lịch”

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang - DN lữ hành chuyên khai thác thị trường Trung Quốc: “Việc tạm thời đóng cửa du lịch đối với khách Trung Quốc là dịp tốt để cải tổ, sàng lọc đối tượng khách, chấn chỉnh tình trạng “tour 0 đồng” tại nhiều địa phương thời gian qua.

Không còn xô bồ quá đông khách Trung Quốc, các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh… sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách nội địa và khách quốc tế đến từ các quốc gia khác.

Nhân cơ hội này, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược để “hâm nóng”, chăm sóc lại các thị trường khách truyền thống khác để tránh tình trạng mất khách Trung Quốc khiến hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ đóng cửa, phá sản”

TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam: “Tổng cục Du lịch cần ngay lập tức có kế hoạch cụ thể, chi tiết để đối phó với sự sụt giảm mạnh của thị trường khách Trung Quốc, bù đắp lại cả về số lượng và chất lượng”

Đỗ - Hà (tổng hợp)

Cơ quan Du lịch Nhật Bản lo ngại nước này sẽ không đạt được đủ mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch trong năm 2020 của Thủ tướng Shinzo Abe. Theo chuyên gia kinh tế Yuki Masujima, ngành du lịch Nhật Bản sẽ lao đao vì Trung Quốc hủy các tour du lịch ra nước ngoài.

Nếu tình hình nghiêm trọng như hồi dịch SARS, nền kinh tế Nhật Bản có thể thiệt hại 611 tỷ yên (5,6 tỷ USD). Còn tại Hàn Quốc, du khách Trung Quốc chiếm 35% tổng du khách nước ngoài; trong đó chi tiêu của họ chủ yếu là vào hàng miễn thuế và các sòng bạc. 

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, nhiều chuỗi khách sạn đã báo động tình trạng các đoàn du khách Trung Quốc hủy tour và đặt phòng. Đơn cử, trong thời gian ngắn, tại Philippines, 30 khách sạn thông báo du khách Trung Quốc đã hủy đặt 600 phòng ở Manila. Mới đây, chính quyền Philippines cho biết sẽ ngừng cấp visa tại cửa khẩu cho các đoàn du khách Trung Quốc và vừa buộc 634 du khách Trung Quốc trở lại Vũ Hán. 

“Cơn gió ngược” của ngành du lịch quốc tế

Theo dữ liệu thống kê được công bố bởi GlobalData (Anh), năm 2009, Trung Quốc là thị trường nguồn lớn thứ tư trên thế giới, với 47,7 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm. Nhưng đến năm 2019, đất nước tỷ dân này đã vượt lên vị trí số một, với 159 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, chiếm 12,2% tổng số khách du lịch quốc tế trên toàn cầu. Không những thế, tổng mức chi tiêu từ du khách Trung Quốc trong năm 2019 đạt 275 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 trên thế giới.

Những con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với ngành du lịch và là một cảnh báo rõ ràng về tác động kinh tế mà dịch bệnh từ virus Corona có thể gây ra.

Thực tế đang cho thấy, thay vì chào đón khách du lịch từ các thị trường nguồn lớn nhất của họ, nhiều điểm đến đang làm điều ngược lại, từ các khuyến cáo người dân không đi du lịch vùng bệnh dịch đến việc dừng các chuyến bay đến và đi Trung Quốc, hạn chế về thị thực, quản lý chặt chẽ lịch trình của du khách Trung Quốc, thậm chí là không phục vụ du khách Trung Quốc… 

Nhưng không chỉ đối với Trung Quốc hay du khách người Trung Quốc, sự bùng phát của dịch bệnh cũng khiến cho nhu cầu du lịch nói chung giảm sút đáng kể. Các chuyên gia du lịch trên toàn cầu đều cho rằng ngành du lịch quốc tế đang phải đối mặt với một số “cơn gió ngược”, bao gồm cả việc nước Anh rút ra khỏi EU (Brexit) và dịch bệnh nCoV. Những tín hiệu này cho thấy năm 2020 có thể là một năm khó khăn với ngành du lịch nói chung.

Cách đây không lâu, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), với tư cách là cơ quan chuyên trách về du lịch của Liên Hợp quốc, đã bày tỏ sự lạc quan cho năm 2020 về sự gia tăng nhu cầu du lịch. Tuy nhiên, sau những tín hiệu đáng lo ngại trong thời gian qua, dự báo của tổ chức này có thể thay đổi.

UNWTO bày tỏ quan điểm: Trong thời kỳ khủng hoảng, du lịch phải sống theo trách nhiệm của mình như một phần không thể thiếu của xã hội, đó là phải đặt người dân và phúc lợi của họ lên hàng đầu. Sự hợp tác của ngành du lịch sẽ rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus và hạn chế tác động của nó đối với người dân và cộng đồng.

Khách du lịch cũng có trách nhiệm thông báo cho mình trước khi họ đi du lịch để hạn chế nguy cơ lây truyền, họ nên tuân theo các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan y tế quốc gia của chính họ. 

Đáng chú ý, mới đây, WHO cho biết họ đã tổ chức hội nghị từ xa với các đại diện ngành công nghiệp du lịch, lữ hành để thảo luận, đưa ra những khuyến nghị về cách bảo vệ cho các đoàn bay và có thể nối lại các chuyến bay tới Trung Quốc. 

Du lịch Việt Nam đối diện khó khăn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019, tổng lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm khoảng một phần ba tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam và có chiều hướng tăng mạnh so với năm 2018.

Trong khi một số thị trường khác như Campuchia hay Lào, con số này có dấu hiệu giảm thì lượng du khách Trung Quốc vẫn tăng ổn định. Đây vốn là điều được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tạo nên những hướng đi mới cho ngành du lịch nước ta. 

Tuy nhiên, kể từ khi dịch viêm phổi cấp do virus Corona khởi phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cho đến nay đã lan ra thành đại dịch có nguy cơ toàn cầu, WHO cũng đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp thì mọi hoạt động du lịch đón khách từ Trung Quốc tại nước ta trong thời điểm này gần như đều bị ngưng trệ.

Du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Corona. Ảnh Zing.vn
 Du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Corona. Ảnh Zing.vn

Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều tour du lịch chuyên đón khách Trung Quốc đã ngừng hoạt động nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó, nhiều địa điểm lưu trú cho khách du lịch cũng từ chối nhận khách là người Trung Quốc do sợ nhiễm virus Corona. Các dịch vụ du lịch hướng đến đối tượng là khách Trung Quốc cũng gần như đóng cửa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. 

Các chặng bay từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng bị hạn chế khi Bộ GTVT cũng yêu cầu dừng tất cả các chuyến bay từ trung tâm khởi phát dịch virus Corona đến Việt Nam. Cùng với đó là hàng nghìn du khách quốc tế huỷ tour đến Việt Nam, du khách Việt Nam huỷ tour ra nước ngoài. Điểm đến chủ yếu bị huỷ là các tour du lịch Trung Quốc.

Khi du khách bị phân biệt đối xử

Tại các quốc gia châu Âu, nạn kỳ thị khách du lịch đến từ Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung đang tăng cao kể từ khi bùng phát dịch virus Corona. 

Theo chia sẻ của một người Pháp gốc Việt, cô đã nghe được người ta nói rằng: "Cẩn thận, người Trung Quốc đó đang tiến lại gần mình". Tại Ý, có ý kiến chia sẻ rằng những người du lịch da vàng bị người dân ở đây phân biệt, thậm chí bị cô lập. 

Sự kỳ thị trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế khi tờ nhật báo hàng đầu tại Pháp - Courrier Picard đã xuất bản ấn phẩm với nội dung nổi bật trên trang nhất “Coronavirus Chinois – Alerte Jaune” (Virus corona Trung Quốc – Báo động Vàng), sau đó là bài viết có tiêu đề “Nguy hiểm màu vàng” ám chỉ tới màu da của người châu Á. Trang này sau đó đã đăng tải lời xin lỗi và thừa nhận việc đặt tiêu đề không phù hợp.

Mặt khác, Justin Kong, Giám đốc điều hành chi nhánh Toronto của Hội đồng quốc gia Trung Quốc - Canada, cho biết người Canada gốc Á đã trở thành mục tiêu cho những bình luận mang tính bài ngoại trên mạng lẫn ngoài đời trong thời gian qua. Cả hai hình thức tấn công trên internet và cô lập, cách ly với người da vàng tại các nước châu Âu đều trở nên nặng nề hơn trong thời điểm này. 

Tuy nhiên, đối với nhiều người, họ đã khá quen với tình trạng này bởi đây dường như là điều mà khách du lịch đến từ châu Á phải chịu đựng khi họ trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc: “Tôi chẳng đợi đến khi virus Corona xuất hiện mới phải chịu đựng những phản ứng kỳ thị này”, một cô gái Việt du lịch ở Pháp chia sẻ.

Nhưng không chỉ ở các nước phương Tây, nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… cũng đang dấy lên một làn sóng phân biệt du khách. Đơn cử, tại Singapore, một kiến nghị cấm cửa du khách Trung Quốc trên trang Change.org đã thu thập được hơn 118.000 chữ ký chỉ sau 3 ngày. 

Tại Việt Nam, trường hợp một khách sạn tại Đà Nẵng nhất định không nhận đoàn khách Trung Quốc mặc dù đã đặt cọc tiền từ trước. Khi được hỏi nguyên nhân họ đã khảng khái trả lời: “Nếu khách Trung Quốc tới đây lỡ lây bệnh, phải đóng cửa luôn thì thiệt hại đó ai chịu”. 

Tại Khánh Hòa, một số nhà hàng đã cấm hoàn toàn khách du lịch đến từ đất nước này, các cửa hàng dịch vụ cũng từ chối tiếp đón khách Trung Quốc, nhiều gia đình cũng hạn chế cho con cái ra những khu vực có nhiều người Trung Quốc như trung tâm thương mại, siêu thị,…

Mặt khác, một số điểm tham quan du lịch tại Ninh Bình và Quảng Ninh cũng không tiếp đón khách Trung Quốc do lo sợ lây bệnh. Tuy nhiên, việc tự ý phân biệt đối xử với du khách như vậy có thực sự ngăn chặn được bệnh dịch khi mà tinh thần đoàn kết cùng chung tay phòng, chống và đẩy lùi bệnh dịch đã và đang là khẩu hiệu của rất nhiều tổ chức trên thế giới. 

Đọc thêm