Du lịch Tết: Doanh nghiệp mong sự chia sẻ của du khách

(PLVN) - Để phòng dịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng… đã phải tạm dừng hoặc huỷ, hoãn các chương trình dịp Tết. Đối với những hành trình đã được đặt trước, các doanh nghiệp đồng loạt kêu gọi du khách thông cảm, bình tĩnh trong khi tất cả đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục và giảm thiểu thiệt hại. 
Chương trình thực cảnh Hội An Show bị thông báo hoãn.
Chương trình thực cảnh Hội An Show bị thông báo hoãn.

Du lịch Tết đảo lộn

Thị trường du lịch Tết Tân Sửu 2021 vừa mới có những dấu hiệu khởi sắc cho tới khoảng cuối tháng 1/2021, khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) du lịch đưa ra các tour du xuân hấp dẫn, giá cả ưu đãi, thu hút du khách. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến những kế hoạch này “ngấp nghé” trước nguy cơ không thể thực hiện được. 

Đơn cử, TP.Hội An tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng thực hiện phố đi bộ và xe không động cơ, đồng thời tạm hoãn các chương trình văn hoá – du lịch trên địa bàn. Trong đó có chương trình thực cảnh “Hội An Show” tái diễn về câu chuyện lịch sử phố Hội do UBND TP Hội An, Hiệp hội Du lịch cùng cộng đồng doanh nghiệp phối hợp tổ chức với sự tham gia của hàng trăm diễn viên.

Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản đề nghị các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tạm dừng các lễ hội có quy mô lớn như: lễ hội cướp phết Bàn Giản, lễ hội chọi trâu Hải Lựu, lễ hội rước nước đền Ngự Dội...; tạm dừng tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí để tránh tập trung đông người không cần thiết. Còn tại TP. Đà Nẵng, khu du lịch sinh thái Suối Hoa vừa ra thông báo hoãn lịch tổ chức lễ hội Toom Sara Fest để  đảm bảo an toàn cho du khách sau khi dịch bùng phát lại tại các tỉnh phía Bắc.

Công văn số 365/BVHTTDL-VHCS về việc thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ VHTTDL vào ngày 29/01/2021 yêu cầu các địa phương có dịch Covid-19 bùng phát phải tạm ngừng các hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hóa tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, ngành du lịch cả nước lại “lao đao” lần nữa khi ca nhiễm Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Trước diễn biến khó lường này, nhiều du khách cũng ngay lập tức liên hệ với các công ty du lịch, đơn vị lưu trú huỷ tour, huỷ phòng đã đặt trước. Theo đại diện từ Công ty Tricolour Travel, gần 80% khách thông báo hủy tour dịp Tết sắp tới, 20% còn lại chờ diễn biến tình hình của dịch bệnh mới quyết định. Hầu hết các công ty, đơn vị làm du lịch đều đang “nín thở” chờ diễn biến của dịch. Một số chủ đầu tư các khu du lịch ở Hội An vẫn chưa đưa ra quyết định hủy các lễ hội tết xưa do đã chuẩn bị hàng tháng trời, đầu tư nhiều tiền của.

Gồng mình vượt khó

Việc hoãn, hủy hàng loạt chương trình, lễ hội mùa tết tại các tỉnh, thành không chỉ gây hụt hẫng cho du khách, thiệt hại lớn cho đơn vị sản xuất mà hàng loạt khách sạn, nhà hàng và đơn vị tổ chức tour du lịch cũng khốn đốn. Dù các khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành cùng đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan hơn.

Ngành du lịch kêu gọi du khách cảm thông, bình tĩnh chờ diễn biến của dịch rồi mới hủy tour, hủy phòng.
Ngành du lịch kêu gọi du khách cảm thông, bình tĩnh chờ diễn biến của dịch rồi mới hủy tour, hủy phòng.

Do đó, nhiều DN du lịch, lữ hành và cơ sở lưu trú... đang nỗ lực đàm phán với đối tác, khách hàng đề nghị chia sẻ khó khăn, chấp nhận thay đổi thời gian đi tour... để giảm bớt thiệt hại do đã đầu tư lớn cho mùa kinh doanh tết. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, chia sẻ: “Du khách nên bình tĩnh theo dõi tình hình và khuyến cáo của cơ quan chức năng trước khi quyết định đặt hoặc đổi tour. Bởi việc hủy phòng vào thời điểm này càng đẩy các khách sạn đến bờ vực”. 

Trên thực tế, sau khi trải qua nhiều lần dịch bệnh tái bùng phát, nhiều du khách dễ đồng cảm với các công ty, đơn vị du lịch hơn. Chị Trần Hương Thảo (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay khi tôi cùng nhóm bạn vừa đặt phòng ở Hải Phòng thì thành phố này bùng dịch, chúng tôi quyết định chuyển sang Sóc Sơn thì tối hôm đó nhận được tin có ca nhiễm. Sau đó, chúng tôi đã liên hệ bên khách sạn và thống nhất dời lịch sang sau Tết, tùy vào diễn biến của dịch. Khách sạn hỗ trợ đổi ngày miễn phí và ưu tiên giữ phòng cho chúng tôi, còn chúng tôi cam kết sẽ không hủy phòng”. 

Trong khi đó, ngành y tế trên toàn quốc đều đang nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh để người dân có thể an tâm ăn Tết, du xuân đầu năm. Đơn cử, Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế sẵn sàng trang thiết bị và nhân, vật lực đề phòng dịch quay lại, giữ lại bệnh viện dã chiến Tiên Sơn đến sau Tết Nguyên đán. TP.HCM yêu cầu hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội để phòng dịch...

Cùng với đó, ngành du lịch cũng đưa ra hàng loạt giải pháp để đảm bảo du xuân an toàn. Ví như, nhiều DN lữ hành tại Nha Trang đã thiết kế các đoàn ít người, rút ngắn tour theo yêu cầu của khách, tặng “combo” quà an toàn là khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và vitamin tăng sức đề kháng... Nhiều khách sạn đã cho khách thanh toán qua mã QR để hạn chế tiếp xúc giữa khách và nhân viên, xe đưa đón khách sau mỗi chuyến đi đều sẽ được khử khuẩn.

Có thể thấy, ngành du lịch đang nỗ lực cao độ để vừa đem đến trải nghiệm an toàn, thú vị cho du khách vừa giảm thiểu thiệt hại cho các nhà đầu tư, DN, người kinh doanh… Tình hình du lịch Tết bao giờ có thể khởi sắc trở lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, sự thông cảm và chia sẻ của du khách có thể góp phần giúp ngành công nghiệp không khói “gồng mình” vượt qua đợt bùng dịch này.  

Đọc thêm