Du lịch TP HCM làm gì để 'cất cánh'?

(PLVN) - Năm 2020 được mệnh danh là “năm Covid” khi dịch bệnh hoành hành, nhưng đầu tàu phía Nam vẫn có tăng trưởng dương về du lịch nhờ những nỗ lực không ngừng. Năm 2021 mở ra một cơ hội mới để TP HCM tiếp tục vượt khó và cất cánh.
Người dân tham quan tại đường hoa Nguyễn Huệ trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu.
Người dân tham quan tại đường hoa Nguyễn Huệ trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu.

Đã sẵn sàng các kịch bản phát triển du lịch

Theo báo cáo tổng kết cuối năm, trong năm 2020 khách quốc tế đến TP HCM là 1.303.750 lượt, giảm 84,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020. Khách du lịch nội địa đến thành phố là 15.879.000 lượt, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 46,7% kế hoạch năm 2020. Tổng thu du lịch đạt 84.512 tỉ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 57,4% so với kế hoạch năm 2020.

Năm 2021, TP HCM đã sẵn sàng những kế hoạch mới nhằm khắc phục khó khăn trong năm cũ, tạo đà cho sự bứt phá. Cụ thể, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, nghiên cứu, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, kiến trúc trên địa bàn như: Du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), ẩm thực, du lịch đường sông… 

Cạnh đó, TP HCM tiếp tục đầu tư các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch, như Lễ hội Tết Việt năm 2021; Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 8; Ngày hội Du lịch TP HCM. Đặc biệt, năm 2021 TP HCM đẩy mạnh chùm tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” với các trải nghiệm thực tế tại những di tích hoạt động của biệt động Sài Gòn xưa, kết hợp quảng bá du lịch với lịch sử hào hùng của thành phố…

Hiện, thành phố đã quyết định thông qua nhiều dự án lớn, nhỏ nhằm chỉnh trang đô thị, thu hút khách du lịch. Dự kiến, sắp tới TP sẽ có 7 công viên sẽ được hoàn thành trong năm nay nhằm tăng mảng xanh, tạo cảnh quan đẹp cho thành phố. Trong số đó có dự án công viên lớn được làm dọc kênh rạch kết hợp với bến đường thủy, phát triển du lịch đường sông, hứa hẹn nhiều điểm đến hấp dẫn. 

Cạnh đó, một số dự án về chợ đêm, khu ẩm thực, phố đi bộ mới tại Hồ con rùa quận 3, khu vực quận 10 cũng dự kiến hoạt động mạnh trong năm 2021, tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố và du khách.

Bước vào năm 2021, TP HCM cũng đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với đại dịch nhằm phát triển du lịch trong năm, bao gồm kịch bản dành cho khách quốc tế và khách trong nước, với 3 trường hợp đại dịch chấm dứt, đại dịch được kiểm soát tốt và đại dịch chưa được kiểm soát. Mục tiêu thành phố đặt ra trong năm 2021 là 33 ngàn tỉ đồng, tầm nhìn đến năm 2030, TP HCM sẽ trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.

Cần sự nỗ lực của doanh nghiệp lẫn chính quyền

Cuối năm 2020, các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố đẩy mạnh quảng bá, mong muốn một mùa Tết bội thu, bù đắp những mất mát trong năm qua. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lại một lần nữa khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lỗ nặng vì khách hủy tour hàng loạt. Nhiều doanh nghiệp phải hoàn lại tiền cọc, dời ngày vô thời hạn trong khi đã phải chi số tiền lớn ứng cho đơn vị cung ứng.

Trong suốt năm qua, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, nhà hàng, khách sạn rơi vào tình trạng điêu đứng, nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản. Hiện, còn rất nhiều doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, khách sạn chỉ cầm cự và bù lỗ. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó cũng là một nội dung quan trọng mà TP HCM hướng đến.

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch TP HCM đã gửi các kiến nghị đến Chính phủ với các đề xuất xem xét miễn, hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021.

Cạnh đó, Hiệp hội còn kiến nghị miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022, chậm nộp bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%, để giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi…

Tuy nhiên, sự hỗ trợ về chính sách thuế, vay vốn… cũng chỉ là giải pháp nhằm “cứu nguy” nhất thời. Để giúp doanh nghiệp “vượt khó” thực sự, đồng thời tạo nền tảng để bứt phá, đi xa hơn, cần có những chính sách hỗ trợ kiểu “cần câu”.

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, hiện đang có tình trạng “lệch pha” giữa các doanh nghiệp kinh doanh các mảng khác nhau trong ngành du lịch, giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và doanh nghiệp tổ chức du lịch… Điều này cần đến sự đứng ra tổ chức xúc tiến, kết nối của cơ quan chủ quản.

Đồng thời, cơ quan quản lý về du lịch cũng cần có những khảo sát, đánh giá về nhu cầu du lịch của du khách, những xu thế du lịch mới hiện nay để có sự tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp ngành này. Cùng với đó là những nỗ lực kết nối vùng trong du lịch, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng môi trường du lịch nội thị, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh TP HCM đến người dân trong nước và quốc tế.

Như vậy có thể thấy cần có sự góp sức, nỗ lực của doanh nghiệp du lịch cùng với sự hỗ trợ tích cực của thành phố thì ngành du lịch TP HCM mới có thể khởi sắc, cất cánh bay lên.

Đọc thêm