Du lịch “về quê” còn thiếu công nghệ

(PLVN) - Du lịch giáo dục về nông thôn được đánh giá có tiềm năng ở Việt Nam nhưng chưa phát triển xứng tầm. Nhiều vùng nông thôn còn không điện, không Internet… khiến không ít du khách e ngại.
Du lịch “về quê” được đánh giá nhiều tiềm năng.
Du lịch “về quê” được đánh giá nhiều tiềm năng.

Đưa lớp học về quê 

Tại huyện Củ Chi (TP HCM), Khu sinh thái giáo dục Về Quê - Tour nông trại là một trong những dự án du lịch giáo dục “sáng giá” nhất hiện nay. Được thiết kế theo mô hình học tập kết hợp với vui chơi, tour trải nghiệm ở đây đa dạng hoạt động phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh.

Những hoạt động hướng đến tăng cường kỹ năng sống cho trẻ, các trò chơi rèn luyện sức khỏe, tinh thần tập thể, phát triển sự sáng tạo cũng được đưa vào trải nghiệm. Mang đúng nghĩa tính chất về quê, học sinh khi tham quan tại đây sẽ hiểu rõ công việc của nhà nông, từ ươm giống cây trồng, chăm sóc cây theo mùa vụ cho thích hợp đến những kỹ năng chăm sóc vật nuôi sao cho hiệu quả.

Không chỉ hướng đến những trải nghiệm hay hoạt động vui chơi, giải trí đơn thuần, các chương trình tham quan được xây dựng hướng đến các chủ đề có nội dung gắn sát với chương trình học.

Các tour theo chủ đề dành cho đoàn học sinh tham quan nổi bật như: Cây lúa nước và nền văn minh lúa nước của Việt Nam từ cổ xưa đến đương đại, Thảo dược và văn hóa chữa bệnh của dân tộc, Kiến trúc và quang cảnh truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam… Mục tiêu chương trình hướng học sinh vào các chủ đề văn hóa bản sắc dân tộc, từ đó bồi dưỡng kiến thức và tư duy của học sinh. 

Ở phía bắc, một trong những địa điểm nổi bật của du lịch giáo dục có thể kể đến tour nông trại Trang trại Đồng quê Ba Vì. Học sinh cũng được trải nghiệm các hoạt động như tham quan làng sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu đời xung quanh trang trại, thưởng thức các đặc sản thiên nhiên tươi lành trong khung cảnh gia đình ấm cúng. 

Người tham quan còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam như: cấy lúa, bắt cá, cua, ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn…

Nông thôn hấp dẫn hơn nhờ công nghệ

Trước đây, nhắc đến du lịch giáo dục, nhiều người sẽ liên tưởng tới những khoá học giao lưu, trao đổi ở nước ngoài, những trại hè Anh ngữ sáng tạo kết hợp với thiện nguyện và công tác xã hội, những hội thi nghệ thuật và khoa học…

Tuy nhiên, những năm gần đây khi cơ sở hạ tầng các vùng nông thôn phát triển hơn, nhiều nhà trường đã đưa học sinh tham quan trải nghiệm những tour du lịch về quê, đáp ứng nhu cầu mang lại nhiều trải nghiệm bổ sung cho kiến thức học tập của học sinh.

Trong các trải nghiệm du lịch giáo dục tại vùng đồng quê hiện nay yêu cầu phải bao hàm các giá trị văn hoá dân tộc vùng miền, hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt sử dụng nền tảng công nghệ sáng tạo. 

Dù Việt Nam có tài nguyên đa dạng để phát triển loại hình du lịch giáo dục này, nhưng khoảng cách về trình độ phát triển ở các vùng làng, xã nông thôn so với các khu đô thị lại phần nào gây khó khăn khi thu hút các nhà đầu tư.

Mặt khác, dù nhiều trường học tại các địa phương rất có nhu cầu muốn đưa học sinh của mình đi tham quan trải nghiệm tại vùng quê, nhưng không phải địa phương nào cũng có tiềm năng khai thác loại hình du lịch này; một phần do chưa có những trang trại đủ rộng lớn và đủ tiện ích cơ bản, một phần do tư duy làm du lịch của người dân địa phương vẫn còn manh mún, thiếu hiểu biết về ứng dụng công nghệ.

Khu vực miền núi rộng lớn cũng là nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều giá trị văn hoá đa dạng, thiên nhiên nguyên sơ, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch giáo dục về nông thôn.  Nhưng nhiều điểm đến còn thiếu điện nước, chưa có sóng điện thoại di động, chưa có Internet… làm phần đông du khách ái ngại, đặc biệt khi khách du lịch còn là học sinh, sinh viên.

Bởi lẽ, bên cạnh các bài học thu nhận được từ trải nghiệm, tính tiện ích, an toàn cũng là yếu tố quan trọng được các phụ huynh, nhà trường, công ty du lịch cân nhắc kỹ lưỡng.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, trong xu hướng chuyển đổi số của ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung, công nghệ là chìa khoá then chốt “mở” ra cơ hội cho các ngành nghề phát triển. Không chỉ đơn thuần là những hoạt động tham quan, trải nghiệm, du lịch giáo dục còn hướng đến bồi dưỡng những giá trị về văn hóa dân tộc, về cội nguồn và bản sắc mà cha ông để lại.

Phát triển hoạt động du lịch giáo dục cần phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước và con người bản địa; trong đó cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào nghiên cứu, thống kê phục vụ du lịch giáo dục về các vùng nông thôn, làng xã. 

Đọc thêm