Dư thừa xi măng: Xuất khẩu cũng không dễ dàng!

(PLO) - Hiện nay, cung xi măng trong nước đã  quá dư thừa so với cầu và xuất khẩu ra bên ngoài được coi là “cứu cánh” cho ngành xi măng nhưng khe cửa này cũng đang ngày càng khép dần lại…
Xuất khẩu là “cứu cánh” cho tình trạng dư thừa xi măng trong nước nhưng khe cửa này cũng ngày càng gặp khó. 
(Ảnh minh họa)
Xuất khẩu là “cứu cánh” cho tình trạng dư thừa xi măng trong nước nhưng khe cửa này cũng ngày càng gặp khó. (Ảnh minh họa)

Sẽ dư thừa trên 40 triệu tấn

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), đến năm 2016 tổng công suất thiết kế của ngành Xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, những nhà máy xi măng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn. 

Trong khi đó, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước đến năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn. Cũng theo VNCA, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2016 ghi nhận đạt khoảng 60 triệu tấn, dự báo từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng 5-6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80-82 triệu tấn. Vì thế, sự dư thừa này có thể bắt đầu từ năm 2017 và áp lực cạnh tranh tiêu thụ nội địa tiếp tục gia tăng. 

Theo PGS.TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng, cung xi măng hiện tại đã thừa so với cầu. Trong khi còn có 5 dự án đang xây dựng và sẽ đi vào trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bổ sung thêm nguồn cung 12,7 triệu tấn, nâng tổng công suất đến năm 2020 đạt mức 101 triệu tấn. 

“Quy hoạch dự báo nhu cầu xi măng trong nước đến lúc đó đạt khoảng 95 triệu tấn, nhưng theo tôi con số sẽ không đạt mức đó được. Bởi năm ngoái mới chỉ đạt mức 60 triệu tấn và bốn năm nữa nhu cầu không thể tăng đột biến như vậy” - ông Long nhận định.

Viện trưởng Viện VLXD cũng cho rằng,  việc dư cung xi măng đến nay sở dĩ chưa gây ra hậu quả gì lớn bởi các nhà sản xuất đã ứng phó nhanh, chủ động tìm kiếm các thị trường nước ngoài có nhu cầu để xuất khẩu. Tuy nhiên, “cánh cửa” này cũng đang ngày càng khép dần lại…

Xuất khẩu khó đủ đường

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2017 Việt Nam xuất khẩu được 4,8 triệu tấn xi măng (tăng gần 10% về lượng và tăng 5,9% về trị giá so với quý I/2016). Xi măng được xuất khẩu sang 10 thị trường, nhưng xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines và Bangladesh, riêng 2 thị trường này đã chiếm 67,5% trong tổng lượng xuất khẩu xi măng và clinhker của cả nước và chiếm gần 70% trong tổng kim ngạch. 

Tuy nhiên, theo VNCA, Việt Nam đã từng lọt vào các nước xuất khẩu xi măng và clinker cao của thế giới (khoảng 20 triệu tấn) nhưng sau năm 2014, tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam bắt đầu giảm sút. Năm 2015 chỉ xuất được 16,2 triệu tấn, giảm 18% so với năm 2014. Và năm 2016 xuất khẩu xi măng và clinker thấp hơn năm 2015 khoảng 2%. 

Xi măng xuất khẩu không chỉ giảm về khối lượng mà giá xuất khẩu cũng giảm do cạnh tranh của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu xi măng đang khó lại càng khó hơn khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Theo VNCA, từ ngày 1/7/2016 Nghị định 100/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 209/2013/NĐ-CP) tại khoản 11 Điều 3 quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Còn từ ngày 1/9/2016 Nghị định 122/2016/NĐ-CP tại phụ lục 1 - biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế ở mục 21 quy định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Theo ông Nguyễn Hoàn Cầu, Tổng Thư ký VNCA, khi hai nghị định trên được thực thi, các DN xi măng cho rằng chi phí xuất khẩu tăng lên làm giảm sức cạnh tranh của xi măng Việt và xuất khẩu khó khăn sẽ khiến thị trường xi măng trong nước bị ảnh hưởng lớn.

Trong khi nhiều DN sản xuất xi măng thản thở đang phải đối mặt với tình trạng ngưng sản xuất hoặc có nguy cơ phá sản thì VNCA cho hay các nhà máy xi măng trong nước buộc phải hoạt động cầm chừng, hệ số sử dụng công suất đang giảm mạnh, chỉ ước đạt 80% tổng công suất thiết kế. 

“Trước khó khăn của ngành, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tạm thời hoãn việc thi hành 2 nghị định nêu trên nhưng đến nay kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được chấp thuận”- ông Cầu cho biết. 

Sắp trình dự thảo quy hoạch xi măng mới 

Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, đầu tháng 5 sẽ chính thức trình dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến 2035. Trước đó, từ tháng 9/2016 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức rà soát việc thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 19/8/2011, trên cơ sở đó  tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ bản quy hoạch mới định hướng đến năm 2035.

Đọc thêm