Dừng đăng kiểm phương tiện chưa nộp “phạt nguội”: Không đúng quy định pháp luật!

(PLO) - Tiếp tục bình luận về cơ sở pháp lý liên quan đến việc dừng đăng kiểm phương tiện giao thông khi chủ phương tiện chưa chấp hành nộp “phạt nguội”, Luật sư (LS) Nguyễn Đào Tơ cho rằng, cơ quan đăng kiểm có chức năng, nhiệm vụ kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp giấy phép chứng nhận cho phương tiện được lưu hành. Vì vậy, việc cơ quan này tạm dừng đăng kiểm trong trường hợp trên là không đúng.
Thực hiện đăng kiểm phương tiện giao thông. Ảnh minh họa
Thực hiện đăng kiểm phương tiện giao thông. Ảnh minh họa

Xuất phát từ việc xác định rõ phạm trù từng hoạt động, LS. Nguyễn Đào Tơ nhận định, đăng kiểm phương tiện giao thông là quá trình cơ quan chuyên ngành kiểm định chất lượng phương tiện xem có đạt tiêu chuẩn hay không. Nếu xe đạt yêu cầu, sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm (CNĐK) hoặc gia hạn và cho phép xe được lưu thông trên đường. Trong trường hợp xe chưa đạt yêu cầu, chủ xe cần sửa chữa đến khi đạt mới được cấp giấy chứng nhận.

Còn “phạt nguội” là hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường, có ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới trong kiểm định được phân thành 3 mức như sau: “a) Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MINOR DEFECTS - MiD) là hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới vẫn được cấp Giấy CNĐK.

b) Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS - MaD) là hư hỏng có thể gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp Giấy CNĐK, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại.

c) Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS - DD) là hư hỏng gây nguy hiểm trực tiếp và tức thời khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp Giấy CNĐK, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại”.

“Vì vậy, có thể nói, chỉ trong trường hợp phương tiện bị khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm thì phương tiện không được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Còn khi người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ là lỗi của người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định Luật Giao thông đường bộ theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ” – LS. Nguyễn Đào Tơ nói.

Mặt khác, tại khoản 6 Điều 2 Quyết định số 862/QĐ-BGTVT ngày 04/05/2013 của Bộ GTVT  quy định: Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ quyền hạn trong việc “tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các phương tiện, thiết bị khác (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá)”. 

Trong 12 nội dung cụ thể của hoạt động này, có: “Thẩm định các thiết kế để sản xuất, sửa chữa, hoán cải phương tiện, thiết bị GTVT và các phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển”, “Kiểm tra công nhận kiểu loại, phạm vi hoạt động theo mức độ an toàn cho phép của các phương tiện, thiết bị GTVT và các phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển”, “Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, nhập khẩu và khai thác sử dụng các loại phương tiện và thiết bị GTVT”, “Kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển, các phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan đến an toàn hàng hải mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập”, “Đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho hệ thống quản lý an toàn, hệ thống an ninh, kế hoạch an ninh tàu biển Việt Nam theo quy định của Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế và Bộ luật An ninh cho tàu biển và cảng biển” “Đánh giá và cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường theo yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, “Hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức đăng kiểm trong nước và nước ngoài thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện, thiết bị GTVT”, “Tổ chức thu phí, lệ phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật”...

LS Tơ nhận định, Cục Đăng kiểm Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông và phương tiện khác. Vì vậy trong trường hợp phương tiện giao thông đủ cơ sở để cấp giấy CNĐK mà Cục Đăng kiểm Việt Nam không cấp giấy CNĐK cho phương tiện thì Cục Đăng kiểm chưa thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

LS cũng cho rằng, việc nộp phạt khi bị xử phạt vi phạm về giao thông đường bộ và đăng kiểm phương tiện giao thông là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Việc phát hiện và xử lý vi phạm giao thông thuộc chức năng của lực lượng Cảnh sát giao thông. Thẩm quyền về việc phát hiện và xử lý vi phạm giao thông được thực hiện theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/05/2016 quy định rõ về thẩm quyền xử phạt của các cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. Hay nói cách khác, việc “phạt nguội” đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát giao thông. 

Còn Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp giấy phép chứng nhận cho phương tiện được lưu hành. “Vì vậy, khẳng định rằng việc tạm dừng đăng kiểm chưa nộp “phạt nguội” là không đúng quy định của pháp luật” – LS. Nguyễn Đào Tơ nói. 

Đọc thêm