Dừng triển khai gói bảo hiểm Covid-19: Đảm bảo quyền lợi người đã mua

(PLVN) - Đó là khẳng định của ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) với PLVN xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không triển khai gói bảo hiểm (BH) Covid-19.

Ông có ý kiến thế nào về chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16/CT-TTg về nội dung “yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BH không giới thiệu và triển khai gói BH liên quan đến BH đối với bệnh Covid-19?

- Cần hiểu rằng, các gói BH mà các DNBH đang bán sẽ chi trả quyền lợi BH không trùng với những quyền lợi điều trị miễn phí do Nhà nước chi trả cho người bệnh. Người nằm viện điều trị bao nhiêu ngày, DNBH sẽ thanh toán cho người được BH một khoản tiền cụ thể tương ứng với số ngày nằm viện, hoặc khoảng thời gian nằm viện; trường hợp không may tử vong, DNBH sẽ chi trả số tiền BH lớn vài trăm triệu đồng, giúp người phụ thuộc người được BH có nguồn tài chính duy trì cuộc sống khi người được BH nằm viện hay tử vong, với một mức phí rất phù hợp.

Ở một số nước, các DNBH cũng triển khai bán các loại sản phảm tương tự và Chính phủ rất hoan nghênh, coi như một kênh bảo vệ quan trọng của người dân trước dịch bệnh.Về kênh bán BH, đối với gói BH đơn giản này, nhiều DNBH triển khai bán online, không cần gặp mặt trực tiếp…

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Thủ tướng đã chỉ đạo thì đương nhiên các DNBH phải tuân thủ. Thủ tướng có cái nhìn từ đại cục, bảo đảm thành công chung của việc chống dịch. Nhiều ngành nghề kinh doanh cũng chịu sự hy sinh. Với quyết định của Thủ tường, ngành BH thật ra cũng không ảnh hưởng nhiều, vì doanh thu phí bán các gói BH Covid-19 cực kỳ nhỏ…

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký IAV
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký IAV

Nhưng thưa ông, BH cho Covid-19 chắc phải có “vấn đề” gì thì Cục Quản lý giám sát BH (Bộ Tài chính) mới có Công văn 128 ngày 24/3/2020 nhắc nhở các DNBH phi nhân thọ và sau đó Thủ tướng yêu cầu dừng bán? 

- Hai vấn đề khác nhau. Công văn 128 nhắc nhở việc DNBH phải đăng ký và được Bộ Tài chính phê chuẩn mới được bán các sản phẩm BH Covid-19 (vì thuộc loại hình BH sức khỏe, theo quy định DNBH phải đăng ký và được phê chuẩn mới được bán). Hiện các sản phẩm BH Covid-19 các DN BH phi nhân thọ đang bán đa số đều đã đăng ký và được Bộ Tài chính phê chuẩn, tuy nhiên cũng có DNBH đã đăng ký nhưng chưa nhận được sự phê chuẩn của Bộ Tài chính đã quảng cáo, chào bán cho người dân. Công văn của Cục Quản lý Giám sát BH nhắc nhở là ý đó. Còn Thủ tướng yêu cầu dừng bán tôi đã phân tích ở trên. Không có gì là lừa đảo ở đây cả.

Có chuyên gia BH cho rằng các nhà nhận tái BH không nhận chi trả rủi ro Covid-19, nên giờ chỉ có các DNBH Việt Nam ôm rủi ro với nhau, khi dịch bùng phát không kiểm soát nổi thì các DNBH không có tiền chi trả quyền lợi BH?

- Thông tin này là sai. Các nhà nhận tái BH phải thực hiện nghĩa vụ chi trả quyền lợi BH theo hợp đồng tái BH đã ký với các DNBH Việt Nam. Rủi ro dịch bệnh (bao gồm cả đại dịch Covid-19) nếu không ghi rõ loại trừ trong hợp đồng BH thì đương nhiên người được BH sẽ được hưởng quyền lợi BH khi không may gặp rủi ro, kể cả khi Tổng Giám đốc DNBH có gửi thông báo xác nhận quyền lợi BH cho khách hàng hay không, theo tư vấn của các “chuyên gia” cho người mua BH (và tôi khẳng định đa số hợp đồng BH nhân thọ, BH sức khỏe DNBH đang bán ở Việt Nam đều BH rủi ro này). Có thể có sự nhầm lẫn khi đọc thông tin về việc các DNBH, tái bảo hiểm trên thế giới nói không BH cho rủi ro gián đoạn kinh doanh, mất lợi nhuận của khách hàng do dịch Covid-19.

Đối với chi trả quyền lợi BH do Covid-19, Công ty tái BH Munich Re – công ty tái BH lớn nhất thế giới, ước tính họ sẽ phải chi trả quyền lợi BH các hợp đồng nhận tái BH nhân thọ, sức khỏe rủi ro Covid-19 toàn cầu khoảng 1,4- 1,5 tỷ USD. Số này với họ không phải là lớn, chỉ tương đương số tiền chi trả một thảm họa thiên tai có quy mô trung bình, tần suất 200 năm và không có ảnh hưởng đáng kể đối với  Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh hay Bảng cân đối tài sản của họ năm 2020 (tin từ Tạp chí BH châu Á).

Vậy thưa ông, quyền lợi của khách hàng khi đã mua các hợp đồng BH Covid-19 có bị ảnh hưởng không?

- Không có ảnh hưởng gì lớn tới hoạt động kinh doanh của DNBH. Thực ra, doanh thu từ các gói BH Covid- 19 chiếm tỷ trọng cực kỳ nhỏ trong cơ cấu doanh thu phí BH của DNBH. Còn quyền lợi của khách hàng đã mua BH Covid-19 của DNBH, tôi khẳng định, hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì…

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2020, BH phi nhân thọ vẫn tăng 8%; BH nhân thọ tăng 16%, trong khi các ngành kinh tế khác đều bị ảnh hưởng. Xem ra ngành BH không bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19?

- Đối với hoạt động kinh doanh BH, ảnh hưởng tiêu cực là việc cách ly xã hội khiến tư vấn viên BH không có nhiều cơ hội tiếp xúc, tư vấn BH cho khách hàng; các tổng đại lý không tổ chức được các hội thảo giới thiệu BH…; nhưng điểm tích cực là nhận thức và nhu cầu của người dân về bảo vệ sức khỏe, gia đình, về vai trò của BH… đối với BH sức khỏe, nhân thọ; ngoài ra, dịch Covid-19 nên ít tổn thất do tai nạn giao thông đối với BH xe cơ giới…

Nhưng ảnh hưởng lớn nhất đối với các DNBH có thể không phải là hoạt động BH gốc, mà là hoạt động đầu tư. Trong tình hình thị trường tài chính, chứng khoán suy giảm như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động đầu tư của DNBH. Đây mới là vấn đề chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2020 của DN BH...

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm