Đường quê 'oằn mình' vì… trạm thu phí

(PLO) - Sức “nóng” của các trạm thu phí BOT giao thông dường như ngày càng tăng khi sự việc ở trạm Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã qua nhiều ngày nhưng vẫn chưa thể yên trở lại. Trong khi các ban, ngành liên quan đang ngồi lại tìm giải pháp khắc phục những hạn chế từ các trạm thu phí thì có một thực tế là không ít đường liên xã, liên huyện ngày càng xuống cấp. 
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vấp phải phản ứng dữ dội của người dân.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vấp phải phản ứng dữ dội của người dân.

Đường làng tan nát vì trạm thu phí

Một báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội chỉ ra rằng, quy định các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km. Tuy nhiên, qua kiểm tra 79/88 trạm thu phí BOT có khoảng cách dưới 70km (tương đương với 90% số trạm). Cá biệt có thời điểm, những cung đường như Hà Nội - Thái Bình: 4 trạm/100km; Kiến Xương (Thái Bình): 2 trạm/200m. Nhiều trạm đặt không đúng vị trí, người dân không đi vẫn phải trả tiền, hay làm đường một nơi lại thu phí một nẻo. 

Dẫn như vậy để thấy rằng, hiện công tác bố trí, xây dựng các trạm thu phí BOT đã và đang tồn tại những bất cập. Hệ lụy nhãn tiền là, ở nhiều địa phương sau khi các trạm thu phí đi vào hoạt động, không ít xe lớn, xe nhỏ tìm cách tránh né bằng cách luồn lách đi đường nhỏ, đường vòng. Trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Bắc Giang là một ví dụ. 

Theo đó, ngay khi trạm thu phí này đi vào hoạt động, nhiều tài xế đã rỉ tai nhau cách “né” trạm. Trên một diễn đàn chuyên về ô tô, để tiết kiệm 35.000 đồng/lượt phí qua trạm, cánh tài xế đã công khai hướng dẫn nhau chạy qua cung đường Phù Đổng – đường trục khu công nghiệp Vsip – cầu Đồng Thép – đường trục khu công nghiệp Vsip – cầu Phù Đổng. Dĩ nhiên, do đi đường vòng nên mỗi tài xế sẽ mất thêm 25 phút chạy xe. 

Theo tìm hiểu thực tế, tuyến đường tránh mà cánh tài xế đồn thổi là đoạn đường đê qua địa bàn xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Theo quan sát, tuyến đường rộng khoảng 3m, nhiều đoạn đã xuống cấp, xuất hiện “ổ voi, ổ gà”. Đáng nói, tuyến đường trên xuống cấp khiến việc tham gia giao thông của người dân địa phương gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân xã Phù Đổng bức xúc: “Để né trạm thu phí nhiều xe men thường theo đường đê ra cầu Trạc, chạy tiếp đường 179 qua xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đến cầu vượt Đại Đồng ra cao tốc. Các xe len lỏi vào đường làng khiến đường giao thông bị hư hại nhiều”. 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại tuyến tỉnh lộ 316G chạy qua địa phận xã Thượng Nông (Phú Thọ). Theo phản ánh của nhiều người dân sống tại khu 1, xã Thượng Nông số lượng xe ô tô lưu thông qua địa bàn gần đây tăng vọt khiến tỉnh lộ xuất hiện hiện tượng xuống cấp, nhiều đoạn bị vỡ, lõm. Được biết, đây là một lối tắt giúp nhiều tài xế né trạm thu phí BOT đặt tại Km 67+300 trên quốc lộ 32, đoạn qua huyện Tam Nông. 

Đâu là giải pháp?

Khách quan nhìn nhận, việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đã giúp diện mạo hệ thống giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, từ thực tế cũng cho thấy, căn nguyên khiến các tài xế “né” trạm thu phí chủ yếu xuất phát từ chất lượng cung ứng dịch vụ và khó khăn trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp dự án BOT. 

Mổ xẻ vấn đề này, mới đây trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” cũng chỉ rõ, đã và đang có hiện tượng trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”.

Ngoài ra, công tác thu phí cũng như khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí đang có hiện tượng thiếu công khai, minh bạch. Chia sẻ quan điểm trong cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: “Như ở Cai Lậy, lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ nộp tiền phí dẫn đến tắc đường. Vì vậy, cần phải làm rõ thêm nguyên nhân tại đâu? Kiểm tra, kiểm toán như thế nào? Ở đây cần vai trò của các cơ quan trong thanh, kiểm tra của Nhà nước để xử lý nghiêm vi phạm”.

Trở lại câu chuyện nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ tan nát vì tài xế “né” trạm thu phí. Trong khi chờ đợi các ban, ngành chức năng có những giải pháp xử lý cụ thể, thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm thực trạng trên ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, qua đó xử lý nghiêm những trường hợp chạy không đúng tuyến quy định.

Đọc thêm