Gạo Việt “cải trang” thành gạo Thái: đã đến lúc Việt Nam cần có thương hiệu gạo quốc gia

(PLO) - Tâm lý sính hàng ngoại, không tin tưởng sản phẩm nội địa, thậm chí nhiều người tiêu dùng cho rằng các loại gạo ngon/gạo thơm đã được xuất khẩu hết… là những lý do mà người Việt đang “quay lưng” với gạo nội mà tìm mua gạo gắn mác ngoại – chủ yếu là gạo Thái, Nhật. 
Gạo Việt “cải trang” thành gạo Thái: đã đến lúc Việt Nam cần có thương hiệu gạo quốc gia

Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, gắn nhãn thương hiệu gạo quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt hơn một năm qua nhưng hệ quả nhãn tiền, người tiêu dùng vẫn tìm mua gạo nước khác. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, chiếm hơn 20% thị phần thương mại gạo toàn cầu, nhưng người tiêu dùng trong nước đang có xu hướng chuộng gạo gắn “mác” ngoại. Điều này là một nghịch lý bất thường. Và bất thường hơn nữa là phần lớn các loại gạo gắn mác Thái này không phải là gạo nhập khẩu mà là gạo được sản xuất tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Phải gắn “mác” như vậy để dễ bán hơn, thu hút hơn sự quan tâm của người tiêu dùng.

Vì đâu nên nỗi như vậy? Ngày càng nhiều hàng hóa Thái vào Việt Nam, gạo Thái tràn vào Việt Nam thông qua những kênh phân phối chính ngạch lớn, người Thái chiếm lĩnh thị trường Việt bằng cách mua đứt nhiều chuỗi siêu thị lớn để thông qua đó quảng bá sản phẩm của đất nước họ, tổ chức các phiên chợ hàng Thái thu hút đông đảo người tiêu dùng… Điều này mặc định trong suy nghĩ người mua về một khối lượng hàng hóa, nông sản Thái đa dạng, chất lượng, giá cả phải chăng.

Trong khi hạt gạo của Việt Nam, so sánh với cách thức tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại vào các quốc gia khác, thậm chí ngay tại thị trường nội địa, không khó để nhận ra cách làm của chúng ta manh mún hơn nước bạn, chủ yếu chỉ chọn các phân khúc thị trường nhỏ, lẻ, thị trường nông thôn với những cái tên gạo 5%, 25% tấm rất khó hấp dẫn người mua khi đứng trước những sự đa dạng trong chọn lựa. 

Trước thực trạng như vậy, việc “cải trang” gạo Việt thành gạo Thái cho dễ bán có lẽ cũng là điều dễ hiểu trong tình cảnh hiện nay.

Thiết nghĩ chúng ta nên có giải pháp xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, hoạch định chính sách nông nghiệp, mà muốn được như vậy thì phải cần phối hợp, sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan ban ngành. Tuy nhiên, phối hợp như thế nào, cần làm những gì để thực hiện theo Đề án phát triển thương hiệu gạo quốc gia lại là một bài toán có lẽ không quá khó, nhưng lại rất khó làm ngay đối với các doanh nghiệp, người nông dân và các cơ quan ban ngành.

Đơn cử như kế hoạch phân chia gạo thành các nhóm để quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng loại gạo. Việc này được dự kiến đến năm 2017 các tiêu chí này mới được ban hành. Theo đó, có khoảng 4 nhóm gạo được phân cấp. Nhóm thứ nhất là nhóm đặc sản gạo thơm. Nhóm thứ hai là nhóm gạo trắng hạt dài. Nhóm thứ ba là nhóm gạo chất lượng trung bình. Nhóm thứ tư là nhóm gạo đặc thù như: Gạo nếp, gạo hạt tròn, hữu cơ… Từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng trong từng khu vực. Ví dụ, khu vực Đông Bắc Á thích gạo hạt tròn dẻo; khu vực Trung Đông thích hạt dài, khô, xốp, không dính; Trung Quốc thích gạo thơm, có mùi hương..

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất để quản lý về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất. Các doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu phải có vùng trồng bảo đảm tiêu chuẩn. Từ đó, với việc kết hợp các kênh truyền thông quảng bá về thương hiệu, các ngành cần tăng cường các khâu liên quan đến kiểm định chất lượng một cách công khai, uy tín, minh bạch giống như các quốc gia khác đang áp dụng rất bài bản – để lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng cũng như uy tín của hạt gạo Việt Nam trên thị trường.

Như vậy, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt nhằm định vị giá trị, tạo dựng hình ảnh nông sản từ đó gia tăng thị phần và sức cạnh tranh các sản phẩm gạo của Việt Nam là cần thiết. Nhưng thương hiệu tự thân nó không thể “giải bài toán kinh tế” của ngành, mà rất cần “trợ lực” bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành. Và việc này thì không thể một sớm một chiều là xong. Và trong khi chờ đợi những động thái quyết liệt của 3 nhà – nhà nông, doanh nghiệp và nhà nước, thì gạo Việt vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận lại thị trường.

Để xây dựng thương hiệu thì bắt buộc các doanh nghiệp, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhau để có vùng nguyên liệu tập trung. Đây là việc không đơn giản đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đối với nông dân, nhưng để nâng cao tính cạnh tranh và gia tăng giá trị thì gạo Việt Nam phải xây dựng được các thương hiệu gạo riêng. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ giúp người tiêu dùng nhận diện rõ các loại gạo, hơn nữa, gạo có thương hiệu còn giúp tăng cường xuất khẩu vào các thị trường quốc tế.

Có như vậy thì may ra người nông dân mới có thể sống được nhờ vào việc trồng lúa, các doanh nghiệp có thể kiếm lợi mà không cần phải đi "cải trang" cho gạo Việt nữa!

Đọc thêm