Ghi nhãn hàng hóa thế nào để khách hàng dễ nhận diện?

(PLVN) - Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, quy định về ghi nhãn hàng hóa được nêu tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP không chỉ tiện cho quản lý, thông thoáng  cho doanh nghiệp mà còn phải dễ dàng cho khách hàng nhận diện.
VCCI đề xuất, nếu đối tượng hàng hóa là cả bao bì ngoài hoặc bán lẻ đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn hàng hóa cho bao bì trực tiếp. Ảnh minh họa
VCCI đề xuất, nếu đối tượng hàng hóa là cả bao bì ngoài hoặc bán lẻ đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn hàng hóa cho bao bì trực tiếp. Ảnh minh họa

Nhãn hàng phải gắn trực tiếp với sản phẩm

Khoản 2 Điều 3 Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa quy định về vị trí nhãn hàng hóa trong trường hợp hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài. Theo đó, nếu đối tượng mua bán là cả bao bì ngoài hoặc đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp lưu ý rằng, nếu hàng hóa có thể bóc ra để bán lẻ từng đơn vị hàng hóa thì việc quy định hàng hóa phải ghi nhãn cả với bao bì ngoài là điều không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thể hiện hình thức của bao bì ngoài.

Ví dụ, sản phẩm hộp bánh trung thu thường gồm 4 bánh trung thu nhỏ, trong đó các đơn vị bánh trung thu này đều được bọc bao bì trực tiếp và thực hiện việc ghi nhãn với bao bì này. Bao bì ngoài là hộp bánh chủ yếu mang tính hình thức.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng xem các thông tin được ghi ở bao bì trực tiếp. Vì vậy, việc quy định phải ghi nhãn cho bao bì ngoài có thể khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thể hiện hình thức cho bao bì ngoài.

Từ lý do trên, góp ý với Bộ Khoa học và Công nghệ về dự thảo nói trên, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị sửa quy định trên theo hướng: “Nếu đối tượng hàng hóa là cả bao bì ngoài hoặc bán lẻ đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn cho bao bì trực tiếp”, đồng thời bỏ quy định tại khoản 3 Điều 3.

“Nhãn gốc” được xác định như thế nào?

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP giải thích: “Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa”.

Tuy nhiên, trong văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý dự thảo, đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, trên thực tế có trường hợp doanh nghiệp in nhãn tiếng Việt tại nước ngoài thì nhãn đó cần được coi là nhãn gốc.

Cụ thể, với các công ty đa quốc gia thường sản xuất tại một nước xuất khẩu đi nhiều nước với những ngôn ngữ, nội dung ghi nhãn khác nhau tại các thị trường khác nhau. Khi doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã nộp nhãn tiếng Việt (nhãn tiếng Việt đó được in ở nước ngoài) nhưng cơ quan quản lý lại yêu cầu doanh nghiệp nộp cả nhãn gốc (bằng tiếng nước ngoài) thì doanh nghiệp không thực hiện được.

“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định: “Nhãn gốc bao gồm cả nhãn tiếng Việt được in tại nước ngoài” – VCCI cho ý kiến.

VCCI cũng đề nghị sửa đổi nội dung về “Thông tin cảnh báo” là không bắt buộc đối với Thực phẩm và Đồ uống (trừ rượu) vì không phải tất cả các mặt hàng thuộc loại này đều có tác động đến sức khỏe con người. 

Đọc thêm