Giá lợn hơi tăng cao, thịt lợn nhập khẩu ồ ạt tràn về

(PLVN) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trở lại trong khi cả nước ước tính đã tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn. Giá lợn hơi đang lên cao, nguy cơ thiếu thịt lợn hiển hiện khi dự báo cuối năm có thể thiếu tới 200.000 tấn…
Theo dự báo, thị trường trong nước có nguy cơ thiếu 200 ngàn tấn thịt lợn vào cuối năm 2019.  Ảnh minh họa: IT
Theo dự báo, thị trường trong nước có nguy cơ thiếu 200 ngàn tấn thịt lợn vào cuối năm 2019. Ảnh minh họa: IT

Giá lợn hơi tăng cao

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNN, giá lợn hơi ngày 27/10 tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì ở mức cao và không có nhiều biến động. 

Cụ thể, tại Ninh Bình, lợn hơi đang được thu mua ở mức 62.000 đồng/kg; tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đang dao động từ 61.000 - 63.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Hà Nam, nơi được coi là có đàn lợn lớn nhất miền Bắc, giá đang dao động quanh mức 59.000 - 63.000 đồng/kg. Khu vực Hà Nội, thương lái cho biết đang thu mua lợn hơi trong dân với giá bình quân 60.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại, giá phổ biến từ 58.000 - 60.000 đồng/kg.

Đánh giá từ các điểm bán, với giá thành hiện nay, các hộ chăn nuôi có thể lãi từ 1,5- 2 triệu đồng/tạ lợn xuất chuồng. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có lợn để bán dẫn đến tình trạng phải nhập từ các địa phương lân cận như An Giang, Thái Bình, Quảng Ninh...

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do DTLCP vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi, còn người chăn nuôi không dám tái đàn và phải mất thời gian rất lâu nữa mới có thể khôi phục trở lại.

Thiếu khoảng 200.000 tấn vào cuối năm

Bộ Công Thương nhận định, DTLCP làm cho sản lượng lợn thịt năm 2019 thấp hơn rất nhiều so với năm 2018. Theo đó, thời điểm cuối năm 2019 sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm khoảng 200.000 tấn so với năm 2018. Hiện  các khu vực trang trại chăn nuôi lớn và những khu vực chăn nuôi đã an toàn dịch bệnh đang được khuyến khích tăng đàn. Bên cạnh đó, để bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, sản lượng các loại thịt khác như bò, gà… tăng khá. Dự báo này cũng trùng khớp với dự báo của Bộ NN&PTNN khi nguồn cung trong nước không đủ nhu cầu.

Ở một diễn biến khác, lượng thịt lợn nhập khẩu (NK) từ đầu năm đến nay cũng tăng một cách đột biến. Theo thống kê mới nhất của Cục Hải quan TP HCM, NK thịt lợn qua các cửa khẩu hải quan tại TP trong gần 10 tháng tăng 155% về lượng và 154% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. 

Cụ thể, trong thời gian này, tổng lượng thịt lợn NK vào TP HCM đạt 10.820 tấn, trị giá hơn 21,3 triệu USD. Brazil, Ba Lan, Mỹ, Bỉ, Tây Ban Nha… là 5 thị trường đang dẫn đầu về lượng và kim ngạch xuất khẩu (XK) thịt lợn sang Việt Nam. Trong đó, Brazil giữ vị trí số 1, chiếm hơn 50% tổng lượng lẫn kim ngạch (hơn 5.685 tấn và 11,4 triệu USD). Được biết, thịt lợn NK chủ yếu dùng trong chế biến và tiêu thụ ở kênh quán ăn, bếp ăn. 

Trao đổi với PLVN bên lề hội nghị giao ban quý III/2019 của Bộ NN&PTNN, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, lượng thịt NK tăng đột biến có thể do các doanh nghiệp (DN) lo ngại sẽ thiếu hụt đáng kể nguồn thịt lợn do DTLCP.

Ông Dương cho rằng, việc các DN NK thịt lợn nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhất là các tháng cuối năm vào dịp Tết Nguyên đán sẽ có nhu cầu lớn là hoạt động kinh doanh bình thường. “Quan điểm của tôi là không khuyến khích NK thịt lợn. DTLCP đã gây thiệt hại rất lớn đến các hộ chăn nuôi. Chúng ta mua giá thịt lợn cao hơn một chút cũng nhằm chia sẻ với người nuôi đã rất vất vả thời gian qua. Dù thời gian qua giá có tăng nhưng cũng không bù đắp được những thiệt hại mà các hộ chăn nuôi đã gặp phải. Thời điểm này, người tiêu dùng trong nước cần ủng hộ thịt lợn trong nước nhằm giúp ngành chăn nuôi sớm hồi phục” - ông Dương bày tỏ.

Ở góc độ khác, đánh giá về hồi phục chăn nuôi lợn, ông Dương đưa ra nhận định khả quan: “Dù chúng ta đã tiêu hủy đến 6 triệu con lợn, nhưng cả nước vẫn còn 22 triệu con, trong đó có 2,7 triệu con nái. Đây là báo cáo từ 56 tỉnh chứ chưa hoàn toàn 63 tỉnh, nên việc hồi phục là hoàn toàn có thể. Đó là chưa kể khoảng 150.000 con lợn cụ kị, ông bà mà nhiều địa phương vẫn duy trì được…”.

Đọc thêm