Giả trá phải trả giá

(PLO) - Xã hội đương đại, nơi con người liên tục phải đối diện với sự giả trá, từ trong đối xử xã giao đến hàng hóa tiêu dùng, từ các dịch vụ sinh hoạt đến thuốc thang chữa bệnh, từ mua một gói tăm đến nguyên căn biệt thự,... đều có thể bị dối lừa.
Giả trá phải trả giá

Đương nhiên, sự lừa dối có chủ đích và nghệ thuật ấy dẫn dắt người ta cho đến lúc sập bẫy thì mới phát hiện mình bị lừa. Cái quyết định là khi sự giả dối đã bị phơi bày thì cần đến bàn tay xử lý của pháp luật nhằm bảo vệ xã hội thì dường như bị cho qua, nhắm mắt làm ngơ khiến nạn nhân càng thêm uất ức và môi trường cho sự giả dối lại tiếp tục được mở ra.

Sự giả dối được che đậy bằng những mỹ từ đã đành, nhưng khi bị bóc trần rồi thì người ta vẫn tìm cách khoác cho nó một tấm áo có vẻ lành lặn hơn. Ví dụ rõ nhất là thuốc chống lao giả một trăm phần trăm thì những người bảo vệ cái giả này cũng không dám khẳng định đây là thuốc thật và cũng không thừa nhận là thuốc giả mà coi là “kém chất lượng”, tức “thật” nhưng chất lượng không thật mà thôi. Tương tự, vụ Thuận Phong sản xuất phân bón bị cho là giả, những người ủng hộ Công ty này cũng tìm ra một thuật ngữ trung dung là phân bón này chỉ “kém chất lượng”. Dư luận buồn cười về cách lý giải ngây ngô đó nhưng họ sẽ im cười ngay khi biết rằng “kém chất lượng” chỉ bị xử lý hành chính thôi, chứ “giả” thì vào tù là cái chắc, các nhà quản lý của chúng ta chẳng ngây ngô gì đâu, giả thật gì cũng không qua được mắt họ, quan trọng là họ nghiêng về bên nào, giả hay thật hoặc tìm cách nấp ở giữa “kém chất lượng”.

Từ cái vụ “ruột China, da Hoàng Khải”, người ta có dịp nhìn lại một chặng đường phá hoại thương hiệu Việt. Đủ các thứ hàng tàu dán mác Việt Nam lưu hành tại thị trường nội địa: Tơ lụa, gốm sứ, dệt may, hoa quả, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Cái giả luồn sâu, nấp kín mang bộ mặt thân thiện đồng bào, sự nhiệt tình ủng hộ “người Việt dùng hàng Việt” càng làm cho hàng Tàu tiêu thụ được nhiều hơn. Xăng dầu bị làm giả, cân điêu rồi cũng dám giở chiêu bài “hàng Việt” ra thì quả là coi thường lòng yêu nước của dân ta!

Cái giả đã lan tới cả thị trường sắc đẹp khi nhiều người nhận thấy hoa hậu không... đẹp, có cái gì sai sai ở đây, có thể do cái mũi độn sụn chăng? Hay tiêu chí đánh giá cái đẹp đã khác đi, hay người đẹp đại dương phải có những nét kiêu sa của cá ngão,...? 

Cái giả cũng len lỏi vào sân cỏ và chễm chệ lên vai vua ở đấu trường V-Leagua, đến nỗi cứ đến kỳ quyết liệt của mùa giải lại phải một trọng tài ngoại cầm còi. Thật đáng xấu hổ cho việc thất bại của chủ trương “người Việt dùng hàng Việt” trong bóng đá!

Giả trá tất phải trả giá, đương nhiên phải thế. Không tin, cứ nhìn vào bộ mặt của người đàn ông khóc trong vành ngựa thì buộc phải tin luật nhân quả là có đấy! 

Đọc thêm