Giảm hóa đơn tiền điện bằng điện mặt trời áp mái

(PLVN) - Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời (ĐMT), nhất là ĐMT áp mái. Nhiều người đã từng kỳ vọng, tương lai mỗi nhà dân sẽ là một… nhà máy điện, tự sản tự cung nguồn điện cho gia đình và bán lên điện lưới, nếu không sử dụng hết. 
Hệ thống ĐMT áp mái tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm
Hệ thống ĐMT áp mái tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm

Tận dụng mọi địa điểm để lắp đặt

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, trong những năm gần đây, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời được đánh giá là rất có triển vọng tại Việt Nam. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành Điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Ông Thắng cũng cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái là một phát minh lớn của thế giới trong điều kiện các nguồn nguyên liệu sản xuất điện ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc triển khai lắp các nhà máy ĐMT cũng tốn nhiều thời gian, công sức và suất đầu tư lớn nên ĐMT áp mái như một bài toán có thể giải quyết sớm những vấn đề khó khăn nêu trên. 

Do đó, EVNHANOI đã cho triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái tại trụ sở Tổng Công ty, Trung tâm sửa chữa điện nóng (Hotline), Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, các trạm biến áp 110-220 kV… “Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” - ông Thắng khẳng định.

Nhờ vào việc tận dụng diện tích mái nhà tại các Công ty Điện lực trên địa bàn Hà Nội, EVNHANOI đã triển khai lắp đặt giảm chi phí và lượng điện năng tiêu thụ tại trụ sở và các Trạm biến áp, góp phần giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội. Đồng thời, khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái sẽ che được việc chiếu nắng trực tiếp từ mặt trời vào các tòa nhà, công sở.

Vị này cũng cho rằng, khách hàng tại Thủ đô lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà sẽ giảm sự lệ thuộc vào hệ thống năng lượng phổ thông như lưới điện quốc gia. Nhờ đó, có nhiều phương án lựa chọn khi hệ thống điện có sự cố ngắn hạn trong những ngày thời tiết nắng nóng cực đoan. 

Ngoài ra, ĐMT còn giúp giảm chi phí năng lượng về tầm nhìn lâu dài cho doanh nghiệp, các hộ gia đình. Cuối cùng là chung tay góp sức vì một xã hội sử dụng năng lượng sạch, giảm bớt gánh nặng cho các nhà máy điện khi mà các nguồn tài nguyên như than đá, thủy điện đang dần cạn kiệt. 

Luôn đảm bảo điện sử dụng trong mọi trường hợp

Đại diện EVNHANOI cho biết, EVNHANOI đã sẵn sàng tư vấn thực hiện các trình tự đăng ký mua bán ĐMT áp mái, cung cấp biểu mẫu đăng ký căn cứ Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện áp dụng cho các dự án ĐMT và Thông tư 05/2019 ngày 11/3/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân là khách hàng đang mua điện trực tiếp của đơn vị điện lực, có lắp hệ thống ĐMT trên mái nhà có nhu cầu bán lượng điện dư cho Công ty Điện lực. Tuy nhiên, khi đăng ký nhu cầu, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt của ĐMT áp mái, mã khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang mua điện của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam) để EVNHANOI thuận tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.

Bà Nguyễn Thị Hòa, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà bà đã lắp hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Sau khoảng 2 tháng, nhiều gánh nặng chi tiêu trong gia đình bà đã được giảm bớt. Trước khi lắp hệ thống ĐMT áp mái, gia đình bà phải chi trả số tiền điện là hơn 1 triệu đồng, hiện tại chỉ phải trả khoảng 600-700 nghìn đồng/tháng đối với điện sinh hoạt trong gia đình. Đây có thể là cách để giúp nhiều gia đình giảm áp lực tiền điện, đặc biệt trong những tháng nắng nóng cao điểm. 

Chia sẻ về sự hoạt động và mối liên quan giữa hệ thống ĐMT áp mái và hệ thống điện hiện hành, đại diện EVNHANOI cho biết, với hệ thống ĐMT hòa lưới, nếu điện năng tạo ra bằng nhu cầu tiêu thụ của tòa nhà, tòa nhà sẽ nhận điện hoàn toàn từ năng lượng mặt trời này. Khi công suất từ nguồn ĐMT nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ, tòa nhà sẽ nhận thêm nguồn điện từ lưới. Nếu công suất ĐMT lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được phát lên lưới điện quốc gia. Trong trường hợp mất điện lưới thì hệ thống ĐMT hòa lưới sẽ tự động được cách ly để đảm bảo an toàn cho lưới điện.

Đọc thêm