Gỡ khó trong xây dựng chợ an toàn thực phẩm

(PLVN) - Hiện nay, trên toàn quốc đã xây dựng được 66 chợ (ở 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) an toàn thực phẩm (ATTP). Dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu chợ ATTP hiện diện ở tất cả các tỉnh, thành. 
Khó khăn trong xây dựng chợ ATTP sắp được tháo gỡ?
Khó khăn trong xây dựng chợ ATTP sắp được tháo gỡ?

Đó là thông tin bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương, vừa diễn ra ngày hôm qua (6/11).

Vướng mắc nguồn vốn đầu tư 

Bà Nga cho biết, công tác ATTP được sự tham gia chỉ đạo từ tất cả các cấp, thậm chí đã đặt vấn đề phải đảm bảo ATTP để đảm bảo nòi giống Việt Nam. Do đó, khi tham gia các công tác liên quan đến ATTP, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều chỉ đạo để phát triển thị trường trong nước với mục tiêu đảm bảo ATTP, đồng bộ các nhóm giải pháp như vận động khối doanh nghiệp tăng cường sản xuất và cung ứng các sản phẩm ATTP. 

“ATTP đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững tất cả các mục tiêu của Việt Nam nên chúng tôi đã luôn hướng đến đích tất cả các sản phẩm kinh doanh lưu thông trong thị trường đều đảm bảo ATTP. Hiện đã xây dựng được chuỗi ATTP qua các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi. Riêng việc tổ chức mô hình thí điểm chợ ATTP đã gặp những khó khăn nhất định do nguồn kinh phí đầu tư vẫn chưa rõ ràng”. 

Tuy thế, mục tiêu xây dựng chợ ATTP vẫn được Bộ Công Thương thực hiện ở khắp các tỉnh, thành. Có những tỉnh, thành còn xây dựng thí điểm ở 2 cấp (tỉnh và huyện quản lý). Ví dụ Đà Nẵng, từ năm 2018 UBND TP Đà Nẵng đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, đến nay, thành phố này mới chỉ có 8 chợ được thẩm định, công nhận chợ đạt “Mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Và kể cả chợ đã đạt chuẩn mô hình chợ ATTP nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 80% các tiêu chí do điều kiện hạ tầng gây khó cho chuyển đổi. 

Vướng mắc lớn nhất trong việc xây dựng mô hình chợ ATTP chính là nguồn vốn đầu tư khi trong suốt thời gian vừa qua không được sử dụng ngân sách nhà nước trong việc đầu tư mở rộng cải tạo hệ thống chợ thương mại. “Nhưng từ năm 2021, khi Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về việc được dùng ngân sách để đầu tư xây dựng chợ thì các vấn đề cải tạo, sửa chữa, xây dựng chợ ATTP sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Trước đây vốn ngân sách chỉ được dùng trong xây dựng các chợ đầu mối và chợ nông thôn” - bà Nga tiết lộ. 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bày tỏ lo lắng khi hiện nay chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn còn thu hút được 40% người tiêu dùng mua sắm nên việc cần nguồn vốn để cải tạo các chợ này thành chợ ATTP rất lớn. Trong khi đó lại vô cùng khó khăn trong cơ chế chính sách vì không được dùng ngân sách nhà nước đầu tư.

Tuy thế, Hà Nội vẫn thuyết phục được một số nhà đầu tư chấp nhận bỏ vốn đầu tư xây dựng được 2 chợ ATTP ở quận Long Biên dù họ không được bất kỳ một ưu đãi nào, kể cả vấn đề về mặt bằng. Bà Lan hy vọng, khi Nghị quyết được thông qua, từ năm 2021, các chợ dân sinh sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc xây dựng, cải tạo chợ ATTP sẽ có kết quả nhanh hơn. 

Hộ sản xuất nhỏ lẻ gặp khó

Ngoài vướng mắc về nguồn vốn, thì hiện nay, việc cung ứng các sản phẩm ATTP cũng gặp khó khăn do đa phần các hộ sản xuất kinh doanh đều là các hộ nhỏ lẻ. Bà Nga cho biết, bình thường, ở các nước khác, đa phần các hộ kinh doanh lớn là các hộ cung cấp hàng ATTP nhưng ở Việt Nam, mảng thực phẩm an toàn hiện nay đều bắt nguồn từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ở các địa phương, các vùng sâu, vùng xa nên khó khăn hơn do thiếu tiềm lực. 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Nội cũng cho biết, hiện nay các hộ nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc kiểm nghiệm các sản phẩm ATTP vì vướng tiềm lực vốn. Đa phần bà con, hợp tác xã sản xuất các mặt hàng thô, ít các sản phẩm chế biến trong khi kinh phí kiểm nghiệm cũng khá cao nên việc các hộ sản xuất nhỏ, lẻ có giấy kiểm nghiệm ATTP còn ít, khiến cho việc cung ứng hàng vào các siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh và chợ ATTP còn nhiều rào cản. 

Đồng tình với ý kiến về khó khăn của các hộ sản xuất nhỏ lẻ, PGS.TS Lê Hồng Thảo (Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia) cho biết, trước đây các nhà sản xuất và hộ nhỏ lẻ chưa để ý đến nhưng hiện nay họ cũng đã cập nhật nhiều và hiểu được để bắt tay vào sản xuất đảm bảo ATTP. Có thể họ chưa tiến hành kiểm nghiệm nhưng với việc được tư vấn quy trình sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm an toàn trong quá trình sản xuất cũng đã tạo được niềm tin sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.