Góc khuất đằng sau nghề “khoe chuyện ăn uống”

(PLVN) - Mukbang - nghề “khoe chuyện ăn uống” đang là một công việc có thể đem lại tiếng tăm và thu nhập cao, khiến không ít bạn trẻ lao đầu vào. Nhưng đằng sau công việc này còn nhiều điều đáng nói.
Vlogger Quỳnh Trần JP biểu diễn ăn uống trước mâm thức ăn “ngồn ngộn” trong  clip phát sóng.
Vlogger Quỳnh Trần JP biểu diễn ăn uống trước mâm thức ăn “ngồn ngộn” trong clip phát sóng.

“Ăn thùng uống chậu” lấy tiếng tăm

Mới đây, các kênh giải trí châu Á đưa tin, một Mukbang người Trung Quốc phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau một thời gian dài ăn uống vô độ những món ăn dầu mỡ, thậm chí nuốt chửng thức ăn do đòi hỏi của nghề nghiệp. Đây cũng không phải trường hợp nhập viện đầu tiên vì hệ quả của nghề này. Vậy Mukbang là gì?

Mukbang là từ kết hợp trong tiếng Hàn, trong đó “ăn” là mukja, “phát sóng” là bangsong. Mukbang là hình thức vừa ăn uống vừa ghi hình, có thể được ghi hình trước đó rồi phát sóng hoặc ghi hình trực tiếp. Những người hoạt động trong nghề Mukbang thường vừa ăn vừa trò chuyện, tương tác cùng với người xem tạo nên sự giao lưu.

Sau khi phổ biến ở nước ngoài trong những năm gần đây, nghề “ăn thùng uống chậu” cũng du nhập vào Việt Nam và trở thành một trong những nghề hot của giới trẻ. Tại Việt Nam, hiện có khoảng gần chục Mukbang đình đám. Có thể kể đến những cái tên mà rất nhiều người biết đến như Quỳnh Trần JP, Thánh Ăn, Nana Liu, Ninh Nito...

Một số Vlogger đánh vào sự tò mò của người xem về những món ăn nước ngoài, cuộc sống xa xứ đã khá thành công, như Quỳnh Trần JP với kênh Cuộc sống ở Nhật, Vinh Nguyen Thi với kênh Cuộc sống Mỹ. Có những vlogger chuyên về các món bình dân, đường phố, ngon bổ rẻ, có người biểu diễn ăn các món cao cấp, đắt đỏ và có người thì hướng đến các món lạ, độc đáo, thậm chí đáng sợ. Như có vlogger nuốt trọn bạch tuộc sống, ăn sâu, bọ sống…

Điểm chung của các kênh Mukbang này đều là ngồi trước mâm bàn ngồn ngộn, ăn nhồm nhoàm với số lượng thức ăn nhiều, phong phú, kích thích cảm giác thèm thuồng của người xem với âm thanh phát ra thật to khi ăn. Riêng Bà Tân và một số người tương tự thì tuy không đặc tả ăn uống nhồm nhoàm, nhưng chọn cách nấu thức ăn với lượng khổng lồ, đập vào mắt người xem. Hình thức này gọi là Cook-bang.

Những Vlogger nói trên đều đang nổi đình nổi đám tại Việt Nam, ngoài lượng người theo dõi cao, còn có lượng fan hâm mộ khổng lồ. Như Quỳnh Trần JP, cách đây hơn một năm tổ chức họp fan tại Việt Nam, con số tham gia còn lớn hơn nhiều sao nổi tiếng trong showbiz. Đi cùng với sự nổi tiếng là thu nhập cao ngất.

Có người trong số này đạt con số thu nhập hàng tháng trên 1 tỉ, doanh thu từ Youtube, tiền quảng cáo, quay chương trình… Ít nổi tiếng hơn, nhưng nhiều Vlogger mảng này cũng thu nhập vài chục triệu đến vài trăm triệu mỗi tháng.

Không ít người trẻ đã chấp nhận từ bỏ những nghề nghiệp văn phòng, chuyên môn, thậm chí bỏ học đi theo con đường Mukbang. Nhiều Youtuber đang khá ổn định với lĩnh vực khác, cũng chuyển hướng sang Mukbang vì thấy “ngon lành”.

Những cay đắng của nghề

Trong năm qua, người ta chứng kiến không ít cuộc nhập viện, thậm chí tử vong của không ít Vlogger biểu diễn ăn uống của Trung Quốc, Hàn Quốc. Có người viêm loét bao tử vì lượng thức ăn quá tải gây tăng huyết áp, người bị hội chứng sợ hãi thức ăn. Mới đây, một Mukbang Trung Quốc đột tử vì ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, lượng lipid trong máu tăng cao.

Nhiều người, nếu theo dõi những Mukbang Việt Nam sẽ thấy mức độ ăn “khủng khiếp” của họ. Người nào cũng ngồi ăn với một mâm thức ăn lớn, phải đến 4-5 người ăn mới hết. Có Vlogger, cùng lúc vừa tương tác, vừa ăn vài kí hải sản, cả con gà nướng, rồi bao thứ rau củ quả khác. Có người biểu diễn uống một lúc 20 loại trà sữa khác nhau, ăn hàng chục ổ bánh mì.

Cạnh đó còn món sống, món cay xé lưỡi... Cách biểu diễn ăn uống này khiến một bộ phận người xem thích thú, tán thưởng, nhưng một bộ phận khác thì… e ngại thay cho người biểu diễn. Bởi lượng thức ăn quá nhiều nạp vào cơ thể một lúc, trong một thời gian dài, thì nguy cơ cho sức khỏe là tất yếu. 

Đó là còn chưa kể đến việc, vì câu view, nhiều Vlogger còn phải liên tục nghĩ ra chiêu trò, các món ăn lạ, những cách ăn kì quái câu khách. Từ đó, dẫn đến những hành vi câu view rẻ tiền, phản cảm. Như trường hợp con trai bà Tân cho vào nồi nấu cả con gà sống chưa vặt lông để ăn, thậm chí có những Vlogger ăn sống cả rắn rết, thạch sùng, gián… chỉ để tăng tương tác.

Cạnh đó, cái nghề được giới trẻ hưởng ứng này cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề nhận thức trong ăn uống của một bộ phận người dân. Như tại Hàn Quốc, Bộ Y tế nước này cũng từng nhấn mạnh việc xây dựng những phương hướng phát triển cho chương trình phát sóng trên Internet về Mukbang để cải thiện hành vi ăn uống của người dân và xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ hơn.

Trước đó, ngành công nghệ Mukbang phát triển đã góp phần tăng tỉ lệ người béo phì tại Hàn Quốc.  Tại Việt Nam, nguy cơ này không phải là không có, đã có không ít phụ huynh phàn nàn con mình đòi ăn những “món khủng”, món chiên rán bắt mắt liên tục vì thích thú với những video clip biểu diễn ăn uống. 

Lo ngại ảnh hưởng đến nhận thức về ăn uống lành mạnh 

 “Mukbang, Mukbang ARSM là những thuật ngữ đang dần phổ biến với người dùng mạng trên thế giới. Loại hình video này dùng sự bắt mắt, hấp dẫn và lượng thức ăn khổng lồ tác động vào thị giác, đồng thời dùng những âm thanh khi ăn như tiếng húp sột soạt, ăn rồn rộn để tác động đến thính giác người xem.

Thực ra, các kênh biểu diễn ăn uống hay nấu ăn số lượng lớn tồn tại, lý do đơn giản là nó đáp ứng thị hiếu của người xem, khiến người xem thích thú, có những giây phút thư giãn, vui vẻ. 

Bản thân các kênh ấy, nếu chỉ để cho vui, không phản cảm và không vi phạm pháp luật thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nhiều kênh vì muốn thu hút người xem đông, kiếm tiền nhiều đã trở nên bất chấp với những hành vi ăn uống vô chừng, ăn những món kinh dị, món sống, nguy hiểm cho sức khỏe.

Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân người làm nghề này, mà còn có nguy cơ tác động không hay đến nhận thức về ăn uống lành mạnh, ăn uống an toàn. Cạnh đó còn là ảnh hưởng đến phong cách, thẩm mỹ trong thưởng thức của khán giả, nhất là trẻ em và người trẻ”.

Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga

Đọc thêm