Hà Nội: Cận tết vẫn ngổn ngang gà sống, chết lẫn lộn ở chợ Hà Vỹ

(PLO) - Chợ gia cầm Hà Vỹ thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, nơi được mệnh danh là “kinh đô gia cầm của miền Bắc”, thế nhưng sẽ không quá khó để có thể bắt gặp nhiều con gà bị chết, hoặc ủ rũ nằm lăn lóc ở các gian hàng trong chợ. Điều đáng nói là số gà này đã được bộ phận kiểm dịch “cấp phép” cho vào chợ.
Hà Nội: Cận tết vẫn ngổn ngang gà sống, chết lẫn lộn ở chợ Hà Vỹ
Chợ Hà Vỹ được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 1,7ha với 162 kiot, phục vụ cho người dân buôn bán gia cầm được thuận tiện. Gia cầm vào chợ đến từ nhiều nơi, đa phần là các tỉnh miền Bắc, số ít từ miền Nam. Mặc dù hiện nay đã là những ngày giáp Tết Nguyên đán, thế nhưng theo những cán bộ làm việc trong chợ cho biết, số lượng gia cầm vào chợ trung bình chỉ đạt khoảng 45-47 tấn/ ngày, giảm khoảng 20 tấn/ngày so với những tháng trước đó.
Gia cầm ở khu chợ này chủ yếu được các lái buôn vận chuyển đến các khu vực trong địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, để làm nguồn thực phẩm cho người dân. Nhưng sẽ khó để có thể biết được rằng, liệu số lượng gia cầm ấy có thực sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin về tình trạng gia cầm trong chợ bị chết, mà không rõ nguyên nhân, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay tình trạng trên vẫn còn tồn tại.

Gà chết lẫn với gà sống tại chợ Hà Vỹ
Gà chết lẫn với gà sống tại chợ Hà Vỹ 

Đi dọc các kiot bán gia cầm, theo quan sát của chúng tôi, việc gia cầm bị chết vứt lăn lóc hay những con tuy còn sống nhưng nằm ủ rũ, gục đầu xuống đất, cánh thì xõa rộng, mắt như lờ đờ, đã không còn xa lạ với những tiểu thương nơi đây.

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ cho biết:  “Cả một khu chợ mấy chục tấn gia cầm, chết một vài con là chuyện bình thường”
Ông Nguyễn Lê Ngà - Chốt trưởng kiểm dịch chợ Hà Vỹ lại quả quyết: “ Số gà chết trong chợ không phải do dịch bệnh, mà là do cơ học, do chúng đi đường xa mệt, trên xe lại không được ăn đúng loại thức ăn. Và ở đây, gia cầm muốn vào chợ phải qua khâu kiểm dịch nghiêm ngặt”.

Ông Ngà cho biết thêm, quy trình kiểm dịch gia cầm ở chợ Hà Vỹ phải đi qua 3 bước: đầu tiên là chủ xe phải xuất trình được giấy tờ kiểm dịch của gia cầm, tiếp đến là kiểm tra lâm sàng (nhân viên kiểm dịch của chợ sẽ kiểm tra từng con, xem có đúng như trong giấy tờ hay không), và cuối cùng là cho xe di chuyển qua hố nước sát trùng.

Những con gà chết không rõ nguyên nhân vẫn được bày bán cùng gà sống
Những con gà chết không rõ nguyên nhân vẫn được bày bán cùng gà sống 

Quy trình là vậy, thế nhưng theo những gì mà chúng tôi quan sát được thì không hề có bước thứ hai, nghĩa là không có công đoạn kiểm tra lâm sàng gia cầm ở khu vực ngoài cổng chợ. Trong khi ông Ngà lại khẳng định, 3 bước kiểm dịch bước nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu kiểm tra lâm sàng. Lý giải về vấn đề này, ông Ngà cho hay: “việc kiểm tra lâm sàng sẽ tiến hành khi gia cầm đã vào kiot, vì nếu kiểm tra ngoài xe sẽ rất khó khăn”.

Như vậy, với cách lý giải của vị Chốt trưởng này, lại có nhiều vấn đề nảy sinh: Thứ nhất, trường hợp giả định rằng khi đã vận chuyển gia cầm vào kiot mới phát hiện gia cầm có vấn đề, thì với tổng con số gần 50 tấn gia cầm/ngày vào chợ liệu rằng chúng có được an toàn khi ở cùng một môi trường, với lượng gia cầm nghi có vấn đề kia hay không?

Thứ hai, nếu đã có nhân viên kiểm dịch đến từng kiot để kiểm tra lâm sàng, thì tại sao vẫn có nhiều gia cầm ủ rũ, thậm chí là chết trong các kiot, phải chăng việc kiểm tra lâm sàng này chỉ là thủ tục?

Gà chết được vứt la liệt khắp chợ
Gà chết được vứt la liệt khắp chợ 

Ngày Tết đã cận kề, gà là thực phẩm không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Nhưng với tình trạng các tiểu thương và ban quản lý chợ Hà Vỹ vẫn để mặc cho gà sống, gà chết ở chung với nhau như thế này thì thật khó để có thể biết được rằng, liệu số lượng gia cầm ấy có thực sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đọc thêm