Hà Nội và TP HCM: Đảm bảo đủ thịt lợn và không tăng giá vào dịp Tết

(PLVN) - Hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM đã dự trữ gần 60.000 tỷ đồng hàng hóa cho dịp Tết Canh Tý sắp đến. Cả 2 “đầu tàu” kinh tế này đều khẳng định “không tăng giá bán” và “không thiếu thịt lợn”.  
Thịt lợn là mặt hàng đáng chú ý nhất về nguồn cung trong dịp Tết Canh Tý. Ảnh minh họa
Thịt lợn là mặt hàng đáng chú ý nhất về nguồn cung trong dịp Tết Canh Tý. Ảnh minh họa

Nếu cần sẽ huy động hàng hóa từ TP HCM…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội đã dự trữ 191.400 tấn gạo, 44.600 tấn thịt lợn, 14.800 tấn thịt gà, 12.306 tấn thịt bò, 247.400 tấn rau, củ, 260 triệu quả trứng gia cầm, 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019). 

Đến nay, 22 đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2019 đã chuẩn bị khoảng 18.000 tỷ đồng hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường trong 02 tháng Tết. Cụ thể: 6.034 tấn thịt lợn, 492 tấn thịt gà, 63 triệu quả trứng gia cầm, 2.092 nghìn lít dầu, 598 tấn thủy hải sản, 1.707 tấn thực phẩm chế biến, 7.448 tấn rau, củ…

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn của người dân trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tương đương với 15.610 tấn thịt lợn (tăng khoảng 18-20% so với các tháng thường).

Trong khi đó, Cục Thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn, đến hết tháng 10/2019 có khoảng 1.180 nghìn con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10 là 18.800 tấn (tăng 4.600 tấn so với tháng 9). Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết thì Hà Nội vẫn còn thiếu 3.500 tấn. 

Nhưng theo Sở Công Thương Hà Nội, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng trong một tháng qua cho thấy, công tác tái đàn đã bước đầu đạt kết quả và sẽ giúp tăng sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, các sản phẩm thịt khác từ hoạt động chăn nuôi có thể thay thế cho mặt hàng thịt lợn tương đối dồi dào như sản lượng thịt bò tăng 0,6%, sản lượng thịt gia cầm tăng 18%, sản lượng thủy sản tăng 5,9%, cơ bản đáp ứng được một phần số thịt lợn còn thiếu. 

Đại diện Siêu thị Big C Thăng Long cũng cho biết đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị kho chứa đảm bảo chất lượng. Đồng thời, lên phương án để khi thị trường Hà Nội cần sẽ huy động hàng hóa từ TP HCM ra để đảm bảo cung ứng cũng như bình ổn giá thị trường. Đặc biệt, siêu thị này cam kết sẽ không tăng giá  nếu thị trường có biến động tăng

Cam kết không thiếu thịt lợn!

Ở “đầu tàu” kinh tế phía Nam, Sở Công Thương TP HCM cho biết, năm nay lượng hàng chuẩn bị Tết đã tăng từ 14,6-17,3% so kế hoạch được giao và tăng từ 21-28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, có nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chiếm 53,2%, trứng gia cầm 48,6%, thực phẩm chế biến 28,1%, thịt gia súc 21%, dầu ăn 27,5%, gạo 31,5%... 

Thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP (như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang...) nhằm nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. 

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Sở Công Thương TP HCM đang tập trung giải pháp ổn định thị trường từ nay đến Tết Canh Tý 2020 như theo dõi sát thị trường thịt lợn và thực phẩm thay thế (thịt gia cầm, thủy sản...). Trong trường hợp cần thiết, TP HCM sẽ xem xét phương án tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada... 

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương TP HCM, DN bình ổn thị trường đảm bảo đã có kế hoạch, phương án; tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến cửa hàng bán lẻ dao động 45-60 ngày. Ngoài ra, các DN trên địa bàn TP HCM cũng đồng thời tăng dự trữ những mặt hàng thay thế thịt lợn và sẽ triển khai kích cầu tiêu dùng những mặt hàng này bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá để giám sức nóng cho nhu cầu thịt lợn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng cho biết, tổng mức trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op (bao gồm cả hàng bình ổn giá) cho Tết năm nay đều tăng 15 - 30%, thậm chí tăng 40% so với năm trước, đảm bảo đủ hàng bình ổn 3 tháng trước, trong và sau Tết, chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu, hàng đặc trưng Tết.

Riêng mặt hàng thịt, đại diện siêu thị này khẳng định sẽ không lo thiếu do đã chuẩn bị xong hơn 3.500 tấn thịt heo an toàn, đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp lớn như: Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam.

Ngoài ra, Saigon Co.op còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy sản, hải sản… luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn. 

Giá thịt lợn đã giảm

Sau khi lên tới đỉnh với giá 80.000 đồng/kg lợn hơi vào ngày 25/11, mấy hôm nay, giá lợn hơi đã có dấu hiệu “giảm nhiệt” trước thông tin Chính phủ quyết định nhập khẩu thịt lợn. 

Đến 10h ngày 28/11, giá lợn hơi bán ra tại miền Bắc tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 4-5 giá, duy trì ở mức 70.000 đến 77.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội… đạt 70.000 - 71.000 đồng/kg; giá lợn hơi khu vực Thái Bình, Hà Nam, Nam Định dao động trong khoảng 73.000 - 74.000 đ/kg.

Trong khi đó, giá lợn hơi ở một số tỉnh giáp biên như Yên Bái, Lào Cai vẫn duy trì mức giá 77.000 đồng/kg.

Cùng với đà giảm của miền Bắc, tại miền Trung - Tây Nguyên cũng giảm nhẹ. Theo đó, giá lợn tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg. Tại Bình Định, Quảng Trị, giá giảm 2.000 đồng/kg xuống 68.000 đồng/kg;  tại Đắk Lắk giá cũng giảm 2.000 đồng/kg, xuống 70.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi các tỉnh miền Nam phổ biến từ 70.000 - 73.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bà Rịa, Đồng Nai đều đang duy trì ở mức cao nhất 73.000 đồng/kg, gần ngang bằng mức giá của các tỉnh miền Bắc.

Theo ghi nhận của phóng viên PLVN, dù giá lợn tăng cao nhưng tại các siêu thị và chợ đầu mối như Yên Xá, Phùng Khoang, Hạ Đình, Khương Đình... sức mua  lại giảm do giá leo thang, người tiêu dùng chuyển sang ăn cá, gia cầm khiến các mặt hàng này cũng tăng nhẹ  2 - 5 giá.

Dự kiến, giá thịt lợn sẽ ổn định vào đầu tháng 12 tới do 13 DN lớn và 8 tỉnh trọng điểm về chăn nuôi lợn đã cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các phương án cụ thể, tránh giá tăng cao khó kiểm soát.

Đọc thêm