Hàng trăm điều kiện kinh doanh vừa bị cắt bỏ: Giới chuyên doanh thực phẩm nói gì?

(PLO) - Ông Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc của Cleverad, một đối tác của Google, có kinh doanh trong lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nói quyết định mới đây của Bộ Công Thương là “quá tuyệt vời”. “Nhưng tôi vẫn lo thực tế sẽ thực hiện như thế nào vì từ quy định đến thực hiện vẫn là cả một khoảng cách”, ông Trình nói sau khi hay tin 300 điều kiện kinh doanh vừa được Bộ này cắt bỏ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không “dẫm chân” nhau

Theo quyết định của Bộ Công Thương, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm được cắt giảm hơn 300 điều kiện theo lộ trình 2 bước. Bước 1 sẽ thực hiện ngay trong năm 2017 với 215 điều kiện được cắt giảm, bước 2 tiếp tục thực hiện trong năm 2018 với tổng các điều kiện được cắt giảm lên tới 331 điều kiện. Ngoài ra, dự kiến, năm 2018 sẽ tiến hành xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia đối với quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Một số điều kiện kinh doanh tiêu biểu được cắt giảm như: Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ tương đương; Có đầy đủ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm theo quy định (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận công bố hợp quy…

Với các điều kiện gần như bắt buộc phải có với mỗi đơn vị sản xuất này, Bộ Công Thương lại cắt hẳn. Điều này gây ngạc nhiên cho khá nhiều đối tượng sản xuất. Khi được hỏi, đại diện Bộ cho biết, các điều kiện này được quy định bởi các điều khoản khác do các Bộ khác thực hiện. Khi các Bộ khác quản lý rồi thì Công Thương sẽ cắt bỏ, để đảm bảo giảm thiểu chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp sản xuất. 

Tương tự là các điều kiện  khác như: Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ, chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất dầu thực vật phải được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nấm mốc gây độc, kim loại nặng; Có đầy đủ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm theo quy định… cũng được cắt bỏ. 

Đặc biệt, các điều kiện không liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến thực phẩm nhưng lại rất dễ gây phiền toái cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất khi có đoàn thanh tra, kiểm tra như: Có đủ thiết bị, dụng cụ giảm sát nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm khác trong suốt quá trình sản xuất thực phẩm, có quy trình vệ sinh cơ sở và nhật ký vệ sinh do chủ cơ xây dựng; bóng đèn chiếu sáng phải được che chắn an toàn bằng hộp, lưới để tránh bị vỡ và bảo đảm mảnh vỡ không rơi vào thực phẩm cũng được cắt không khoan nhượng. 

Hay các điều kiện dễ… gây khó dễ khác như: Có máy phát điện và máy bơm nước dự phòng trong trường hợp mất điện hoặc máy bơm nước bị hỏng để đáp ứng yêu cầu sản xuất liên tục của cơ sở; Đường ống cấp nước phải riêng biệt, có ký hiệu riêng dễ nhận biết, dễ vệ sinh; Có khu vực riêng để lưu giữ tạm thời các sản phẩm không đạt chất lượng trong quá trình chờ xử lý; Các dụng cụ chứa đựng tiếp xúc với thực phẩm trong quá trình vận chuyển được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch. 

Doanh nghiệp vẫn lo…

Ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cho biết, điều khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn chính là thanh tra, kiểm tra. Theo số liệu ông Hùng cung cấp, có những doanh nghiệp phải tiếp 9 đoàn kiểm tra trong năm 2016; còn 4-5 đoàn kiểm tra đến một doanh nghiệp trong một năm là phổ biến. Chuyện các đoàn thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp diễn ra thường xuyên.  

Ông Hùng cũng khẳng định nhiều điều kiện kinh doanh không khó, nhưng khi doanh nghiệp đăng ký thì thời gian bị kéo dài mà không có lý do hoặc không được chấp nhận. Điều này được một doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao chia sẻ. Vị đại diện doanh nghiệp này cho biết, họ bị hành từ đủ các khâu mỗi khi có đoàn kiểm tra, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm.

“Họ kiểm tra mà không quan tâm xem chúng tôi cho lợn, cho gà ăn thực phẩm gì, chất lượng ra sao mà chỉ chăm chăm xem bóng đèn chiếu sáng khu giết mổ có đúng quy định dùng bóng đèn chụp hay không” - một doanh nghiệp bức xúc. Ngoài chuyện bị “soi”, với quy định “bóng chụp” này, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm một khoản lên tới 500% vì “bóng đèn bình thường sẽ có giá 120.000 đồng, thêm chụp inox vào sẽ lên đến 600.000 đồng”. 

Một doanh nghiệp khác có chuỗi cung cấp nông sản sạch trên địa bàn Hà Nội cho hay, họ đã từng bị phạt vì “quên” chưa kịp cấp đông sản phẩm. “Chúng tôi làm kinh doanh thực phẩm, việc gìn giữ bảo quản chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết, không có quy định của các bộ, ngành chúng tôi vẫn phải thực hiện vì trách nhiệm và doanh thu của mình” – đại diện một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản sạch chia sẻ thêm. 

Ông Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc của Cleverad, một đối tác của Google, gần đây quyết định “nhảy” sang lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hồ hởi cho biết “quá tuyệt vời” khi được biết Bộ Công Thương mới cắt giảm đến hơn 300 điều kiện kinh doanh. “Nhưng tôi vẫn lo lắng thực tế sẽ được thực hiện như thế nào vì từ quy định đến thực hiện vẫn là một khoảng cách”, ông Trình nói. 

Nhiều bộ không thể ngồi yên?

“Việc Bộ Công Thương cắt giảm các điều kiện kinh doanh là một đòn bẩy buộc nhiều bộ, ngành khác phải vào cuộc và chúng tôi mong muốn sẽ nhận được những động thái như thế này sớm hơn. Ví như tôi thấy điều kiện cấp giấy vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho cửa hàng thực phẩm có khu sơ chế đưa ra các điều kiện rất phi lý. Chúng tôi hết sức cố gắng mới có thể xin được giấy VSATTP cho 5/15 cửa hàng, trong khi các cửa hàng đều do một tay chúng tôi vận hành, đều có quy trình và chất lượng như nhau. Do đó, tôi mong muốn các bộ, ngành liên quan cũng cần mạnh tay cắt bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp” - một doanh nghiệp cho hay.

Đọc thêm